Nạn phá rừng ở Tây Nguyên vẫn tiếp diễn

Trong những năm qua, tình trạng phá rừng tại các tỉnh Tây Nguyên diễn biến rất phức tạp. Mặc dù các ngành chức năng đã tăng cường kiểm tra, truy quét, nhưng đến nay, các vi phạm về rừng vẫn chưa chấm dứt, gây ảnh hưởng lớn đến kinh tế, môi trường và trật tự an toàn xã hội.

Tại xã Ya Lốp (huyện Ea Súp, tỉnh Ðác Lắc), rừng bị phá để lấy đất trồng hoa màu.
Tại xã Ya Lốp (huyện Ea Súp, tỉnh Ðác Lắc), rừng bị phá để lấy đất trồng hoa màu.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Gia Lai, trong chín tháng qua, trên địa bàn tỉnh đã phát hiện và xử lý 745 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng; trong đó có 28 vụ phá rừng; 43 vụ khai thác rừng; 646 vụ mua bán, vận chuyển, cất giữ lâm sản trái phép... Có nhiều vụ việc, khi các đối tượng bị phát hiện đã không ngần ngại dùng vũ khí tấn công lực lượng thi hành công vụ.

Vụ việc gần đây nhất là vào ngày 15-9, trong lúc Tổ Kiểm lâm Trạm Ia Blứ, thuộc Hạt Kiểm lâm huyện Chư Pưh đang tiến hành tuần tra kiểm soát theo kế hoạch phát hiện các đối tượng đang vận chuyển gỗ trái phép nên tổ tuần tra tiến hành kiểm tra, yêu cầu đưa toàn bộ tang vật về trạm xử lý. Trong lúc tổ công tác chuẩn bị vận chuyển tang vật về trạm, các đối tượng nói trên quay lại hiện trường cùng 10 đối tượng đi xe mô-tô, cầm theo hung khí đến nhằm phi tang chứng cứ. Các đối tượng này đã tiến công, gây thương tích cho một kiểm lâm viên.

Tại tỉnh Lâm Ðồng, mới đây nổi lên tình trạng phá rừng ở khu vực giáp ranh hai tỉnh được khoanh vùng thuộc địa bàn các huyện Ðức Trọng, Di Linh (Lâm Ðồng) và Hàm Thuận Bắc, Bắc Bình (Bình Thuận). Ðể khai thác gỗ trái phép, các đối tượng phá rừng tổ chức thành từng nhóm, theo đường mòn từ huyện Ðức Trọng xâm nhập vào các tiểu khu có gỗ quý. Ngoài hoạt động có tổ chức, các nhóm này còn trang bị nhiều phương tiện chuyên dụng để chở gỗ trái phép. Hoạt động của các đối tượng này rất liều lĩnh, công khai, sẵn sàng chống trả lực lượng chức năng khi bị phát hiện. Theo thống kê, trong những tháng đầu năm 2014, lực lượng chức năng tỉnh Lâm Ðồng đã thực hiện nhiều đợt truy quét, thu giữ nhiều phương tiện của "lâm tặc" và hàng chục khối gỗ khai thác trái phép. Tuy nhiên, tình trạng phá rừng tại đây vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt.

Trên cơ sở kiểm tra, rà soát, các ngành chức năng đã tham mưu cho UBND tỉnh Ðác Nông ra quyết định thu hồi 13 dự án đầu tư sản xuất nông - lâm nghiệp không hiệu quả, trong đó tám dự án bị thu hồi toàn bộ và năm dự án bị thu hồi một phần với diện tích thu hồi là 9.026,1 ha. Tỉnh cũng chỉ đạo các đơn vị thanh lý 14 hợp đồng liên doanh, liên kết sai quy định, không hiệu quả với diện tích 4.387,5 ha. Ngoài việc các đơn vị, doanh nghiệp được giao đất, giao rừng đã buông lỏng công tác quản lý dẫn đến diện tích rừng tự nhiên bị chặt phá với diện tích lớn và hàng chục nghìn héc-ta đất lâm nghiệp bị người dân lấn chiếm trái phép, qua kiểm tra, rà soát các ngành chức năng của tỉnh còn phát hiện 1.653 vụ lấn chiếm đất lâm nghiệp với diện tích 2.681 ha; đồng thời phát hiện 127 vụ tự ý chuyển đổi mục đích trái phép với diện tích 28 ha, trong đó các cơ quan có thẩm quyền chỉ mới xử phạt vi phạm hành chính 16 vụ.

Nghiêm trọng nhất là nạn phá rừng tại tỉnh Ðác Lắc, một trong những địa phương để mất rừng lớn trên địa bàn Tây Nguyên. Chỉ trong năm năm (từ 2009 đến 2014), các cơ quan chức năng của địa phương này đã phát hiện và xử lý hơn 10.000 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng, bình quân có năm vụ vi phạm/ngày. Trong số các trường hợp vi phạm, cơ quan chức năng đã xử lý hành chính hơn 9.800 vụ, khởi tố hình sự 173 vụ, tịch thu hơn 19.000 m3 gỗ.

Tổng diện tích rừng bị phá, lấn chiếm trái phép trên địa bàn từ năm 2009 đến nay là hơn 26.500 ha, trong khi đó các ngành chức năng của Ðác Lắc mới chỉ thu hồi được gần 2.000 ha để trồng lại rừng... Chỉ tính riêng sáu tháng đầu năm nay, lực lượng chức năng của tỉnh đã kiểm tra, xử lý 1.207 vụ vi phạm; trong đó, 17 vụ phá rừng trái phép với diện tích 10 ha; 36 vụ khai thác rừng trái phép; 819 vụ vận chuyển, mua bán, cất giữ, chế biến trái pháp luật gỗ, lâm sản... Cơ quan chức năng đã khởi tố hình sự bảy vụ, tịch thu 1.458 phương tiện và 1.963 m3 gỗ các loại; thu phạt sau xử lý 10,9 tỷ đồng.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến nạn phá rừng là do chính quyền địa phương có rừng chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm được giao trong quản lý bảo vệ rừng. Theo Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Gia Lai Nguyễn Nhĩ, có một số vụ việc phức tạp, chưa được xử lý triệt để... đã tạo nên tiền lệ xấu trong việc chấp hành pháp luật bảo vệ rừng; một số cán bộ, công chức trong lực lượng bảo vệ rừng còn thiếu trách nhiệm, thậm chí bao che, tiếp tay cho lâm tặc nên còn sơ hở để các đối tượng làm ăn phi pháp lợi dụng thực hiện hành vi vi phạm. Bên cạnh đó, việc xử lý các đối tượng "đầu nậu" phá rừng, các băng, nhóm, chủ đường dây chuyên buôn bán lâm sản trái phép chưa kiên quyết và triệt để; các vụ án hình sự chưa được xử lý kịp thời, còn tồn đọng nhiều.

Ðể phòng, chống các hành vi vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng, theo Cục Kiểm lâm, cần kiên quyết hơn nữa trong việc điều tra, triệt phá những "đầu nậu", chủ đường dây buôn bán lâm sản, các đối tượng mua bán, sang nhượng đất rừng trái pháp luật. Rà soát, xử lý dứt điểm các vụ án tồn đọng; đặc biệt là các vụ án điển hình để răn đe, giáo dục và phòng ngừa chung. Nâng cao trách nhiệm quản lý rừng tận gốc của chủ rừng và chính quyền cấp xã. Kiên quyết xem xét, xử lý trách nhiệm đối với tổ chức, cá nhân, người đứng đầu địa phương để xảy ra phá rừng, lấn chiếm đất rừng, khai thác, vận chuyển gỗ trái phép tại địa bàn được giao quản lý mà không kịp thời phát hiện, báo cáo lên cơ quan cấp trên. Quản lý chặt chẽ tình trạng dân di cư tự do cả nơi đi và nơi đến; tuyên truyền, vận động, ổn định đời sống của người dân để giảm tình trạng dân di cư tự do. Phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan kiểm tra, giám sát thực hiện chi trả tiền giao khoán quản lý bảo vệ rừng đúng quy định theo kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng được xây dựng.