Năm 2021, Bắc Kạn trồng rừng đạt 160% kế hoạch

NDO -

Nhờ giữ vững vùng xanh trong phòng, chống dịch, có kinh nghiệm dầy dạn gần 20 năm qua, cho nên năm nay Bắc Kạn tiếp tục trồng rừng vượt kế hoạch. Thành quả ấy giúp Bắc Kạn tiếp tục phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững, là tỉnh đứng đầu cả nước về tỷ lệ che phủ rừng. 

Người dân xã Vân Tùng, huyện Ngân Sơn trồng rừng mới với giống cây thông.
Người dân xã Vân Tùng, huyện Ngân Sơn trồng rừng mới với giống cây thông.

Pác Nặm là huyện được giao chỉ tiêu trồng rừng thấp nhất của tỉnh Bắc Kạn trong năm 2021 với diện tích 150 ha. Tuy nhiên, kết thúc vụ trồng rừng năm nay, Pác Nặm là địa phương vượt chỉ tiêu cao nhất tỉnh với số diện tích trồng được hơn 400 ha, đạt 308% kế hoạch. 

Hạt trưởng Kiểm lâm Pác Nặm Lê Xuân Diệu cho biết, để đạt kết quả này, đơn vị đã phân công cán bộ phụ trách địa bàn phối hợp xã, thôn, bản và người dân đăng ký, tổng hợp nhu cầu. Từ đó, chủ động trong khâu chuẩn bị, thẩm định, cung cấp cây giống. 

Đồng thời, hướng dẫn kỹ thuật trồng rừng cho các hộ dân, bảo đảm tỷ lệ sống cao, giảm tỷ lệ phải trồng dặm. Quan trọng nhất là nhờ nhìn thấy kết quả, hiệu quả kinh tế từ rừng trồng những năm trước đây mà người dân đã thay đổi nhận thức, tự bỏ vốn trồng, đưa trồng rừng trở thành phong trào. 

Với kết quả trồng rừng năm nay, toàn huyện Pác Nặm đã nâng tổng diện tích rừng trồng lên gần 5.500 ha, đưa đất tự nhiên có rừng đạt gần 28.000 ha. 

Trong khoảng 20 năm lại đây, Bắc Kạn là một trong những tỉnh điển hình trên cả nước về trồng rừng mới. Trong bốn nhiệm kỳ qua, Đảng bộ tỉnh đều có nghị quyết chuyên đề về phát triển kinh tế rừng, trong đó tập trung vào trồng rừng sản xuất và rừng gỗ lớn. Nhờ vậy, trồng rừng trở thành phong trào “tự nguyện”, “nội lực”, lan tỏa rộng, khi có bất kỳ chương trình nào phát động đều thực hiện rất nhanh. 

Năm 2021, Bắc Kạn tham gia thực hiện Đề án trồng một tỷ cây xanh theo chỉ đạo của Chính phủ. Kế hoạch thực hiện trồng năm 2021 là hơn 1,6 triệu cây, tương đương 1.301 ha. Tuy nhiên kết thúc vụ trồng rừng, tổng số cây xanh thực hiện trồng trên địa bàn tỉnh đã đạt con số hơn 2,6 triệu cây, tương đương hơn 2.122 ha, đạt 160% kế hoạch.

Tốc độ trồng rừng nhanh ở Bắc Kạn bên cạnh nhờ tinh thần của người dân thì còn phải kể tới các giải pháp kỹ thuật, khắc phục triệt để khó khăn trước đây. 

Trong những năm gần đây, Bắc Kạn chỉ đạo triển khai hệ thống các vườn ươm cây giống sát tới các chân lô trồng rừng. Do đó, khoảng cách vận chuyển cây giống được rút ngắn đáng kể, giảm tỷ lệ hư hỏng khi bốc, xếp, chở. Người dân còn được hướng dẫn mở đường lâm nghiệp, mở đường vận chuyển đủ để đưa xe máy chở cây giống lên đồi. Những biện pháp này giúp tăng năng suất vận chuyển, đẩy nhanh tiến độ trồng. 

Ngoài ra, qua các chính sách hỗ trợ và các quy định của Luật Lâm nghiệp về khai thác, vận chuyển, chế biến gỗ rừng trồng đã tạo điều kiện thuận lợi và khuyến khích người dân tích cực tham gia công tác trồng rừng. 

Tính đến hết tháng 9/2021, tổng diện tích người dân đăng ký trồng rừng ở Bắc Kạn là hơn 5.000 ha. Kết quả, tỉnh trồng rừng được hơn 5.037 ha, đạt 141% kế hoạch. Trong đó, diện tích trồng lại sau khai thác, người dân tự trồng mới và từ các Chương trình dự án khác là hơn 3.300 ha, đạt 105% kế hoạch; diện tích trồng cây phân tán là hơn 1.700 ha, đạt 428% kế hoạch. Tỉnh chăm sóc rừng trồng các năm 2018-2020 với diện tích gần 2.300 ha. 

Ngoài Pác Nặm, các huyện đều trồng rừng vượt 100% kế hoạch, trong đó, huyện Chợ Mới đạt 120% kế hoạch, huyện Chợ Đồn đạt 140% kế hoạch. Hiện nay, các ban quản lý Chương trình mục tiêu phát triển nông lâm nghiệp bền vững cơ sở đang chuẩn bị các bước nghiệm thu rừng trồng theo quy định.

Chất lượng rừng trồng cũng được nâng lên khi công tác quản lý giống theo chuỗi hành trình từ khâu công nhận giống, nguồn gốc giống, vật liệu nhân giống đến cây con trồng rừng cơ bản được quản lý chặt chẽ. Việc trồng thực hiện chọn các loài cây phù hợp từng điều kiện lập địa, theo phương châm “đất nào cây đấy” với giống chất lượng cao, nhập khẩu, nuôi cấy mô. 

Cơ cấu loài cây trồng phù hợp với từng đối tượng rừng, như: rừng phòng hộ trồng hỗn giao cây tầng cao và cây tầng trung, trồng thuần loài đối với các loài cây mỡ, thông, lát, trám ghép…; rừng sản xuất, trồng tập trung cây mỡ, keo tai tượng, thông, sa mộc, lát, tông dù, hồi, quế, bồ đề, xoan ta…; rừng sản xuất cây gỗ lớn, cây đa mục đích tập trung các loài lát, trám, sao…; trồng cây phân tán bằng lát hoa, trám, tông dù, sấu, dổi xanh, xoan ta.

Trong giai đoạn 2021-2025, Bắc Kạn quyết định đầu tư 200 tỷ đồng để mở mới hơn 170 tuyến đường lâm nghiệp ở các vùng khó khăn. Mạng lưới giao thông này không chỉ phục vụ trồng rừng mà còn cả vận chuyển gỗ khai thác. Bắc Kạn phấn đấu đến năm 2025, trồng 17.500 ha rừng, bao gồm trồng lại rừng sau khai thác và trồng phân tán, duy trì ổn định tổng diện tích rừng trồng khoảng 100.000ha và tỷ lệ che phủ rừng ở mức 72,9%.