Lượng khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính tăng lên mức kỷ lục trong năm 2021

NDO -

Báo cáo của EU-C3S khẳng định rằng, 7 năm gần đây nhất là những năm nóng kỷ lục. Mức độ khí thải CO2 trong năm 2021 đã tăng lên mức kỷ lục 414,3 ppm, tăng khoảng 2,4 ppm so năm trước đó.

Khí thải phát ra từ một nhà máy thép ở Sofia, Bulgaria. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Khí thải phát ra từ một nhà máy thép ở Sofia, Bulgaria. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Lượng khí CO2 và methane phát thải trong khí quyển đã lên mức cao kỷ lục trong năm 2021 - một trong những năm nóng nhất trong lịch sử và thực tế này một lần nữa nhấn mạnh đến vấn đề cấp thiết cần có hành động để tránh tái diễn tình trạng này. 

Theo báo cáo của Cơ quan Theo dõi biến đổi khí hậu của Liên minh châu Âu (EU-C3S) công bố ngày 10/1, năm 2021 là năm có nhiệt độ cao kỷ lục thứ 5, với nhiệt độ trung bình cao hơn nhiệt độ giai đoạn những năm 1850 đến 1900, khoảng 1,1 đến 1,2 độ C.

Báo cáo cũng khẳng định rằng, 7 năm gần đây nhất là những năm nóng kỷ lục. Mức độ khí thải CO2 trong năm 2021 đã tăng lên mức kỷ lục 414,3 ppm, tăng khoảng 2,4 ppm so năm trước đó. Trong khi đó lượng khí thải methane cũng liên tục tăng cao trong 2 năm qua.

Lượng khí methane thường phát thải trong quá trình khai thác dầu mỏ, sản xuất khí đốt và canh tác từ các nguồn tự nhiên như đất ngập nước. 

Báo cáo khẳng định, lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính gia tăng đã làm biến đổi khí hậu Trái Đất; theo đó, thế giới tiếp tục hứng chịu tình trạng nắng nóng dài hạn, khắp thế giới trải qua trạng thái thời tiết cực đoan, từ lũ lụt tại châu Âu, Trung Quốc, Nam Sudan đến cháy rừng tại Siberia và Mỹ. 

Giám đốc của C3S Carlo Buontempo nhấn mạnh, thực tế này chính là lời nhắc nhở sâu sắc cần có sự thay đổi lớn trong cách thức ngăn chặn biến đổi khí hậu, từ việc đưa ra quyết định cho đến hành động hiệu quả nhằm hướng tới một xã hội vững mạnh và giảm lượng khí phát thải ròng.

Theo báo cáo trên, châu Âu đã trải qua một mùa hè nóng nhất vào năm 2021. Cụ thể, trong đợt nắng nóng hồi tháng 7 và tháng 8 năm ngoái, khu vực Địa Trung Hải chứng kiến thảm họa cháy rừng tại nhiều nước, trong đó có Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp.

Vùng Sicily ghi nhận nhiệt độ lên tới 48,8 độ C. Cũng trong tháng 7, có hơn 200 người chết trong đợt lũ quét tại miền Tây châu Âu. Theo kết luận của các nhà khoa học, biến đổi khí hậu đã làm gia tăng ít nhất 20% tần suất xuất hiện của các đợt lũ.

Tháng 7/2021, mưa lũ tại tỉnh Hà Nam, Trung Quốc đã cướp đi sinh mạng của hơn 300 người. Tại California, đợt nắng nóng kỷ lục, tiếp sau thảm họa cháy rừng lớn thứ 2 trong lịch sử bang này, đã thiêu hủy nhiều vùng đất và làm không khí ô nhiễm trầm trọng.