Lũ lụt ở Bình Định làm 1 người chết và gây chia cắt nhiều nơi

NDO -

Tại Bình Định, trong những ngày qua, do mưa lớn kết hợp nước từ thượng nguồn đổ về đã gây ngập lụt, chia cắt giao thông nhiều nơi, hàng chục nghìn học sinh phải nghỉ học, nhiều ngôi nhà bị chìm trong nước lũ. 

Nước lũ gây ngập lụt, chia cắt nhiều nơi.
Nước lũ gây ngập lụt, chia cắt nhiều nơi.

Hàng nghìn nhà dân ở các huyện Hoài Ân, Tuy Phước, Phù Cát, thị xã An Nhơn, thị xã Hoài Nhơn đã bị ngập. Mưa lũ làm bà Đinh Thị Đát, sinh năm 1956, ở xã An Dũng huyện An Lão đi làm rẫy qua vùng nước chảy xiết bị cuốn trôi. Hiện đã tìm thấy thi thể bà Đinh Thị Đát.

Trước diễn biến phức tạp của mưa lũ, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Bình Định đề nghị các cơ sở giáo dục bảo đảm an toàn cho học sinh, giáo viên. Ngày 30/11, Bình Định cho khoảng 19.000 học sinh các cấp ở huyện Tuy Phước, Phù Cát, Hoài Ân và các xã ven biển của thị xã Hoài Nhơn nghỉ học tránh lũ. Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Định đã yêu các cơ sở giáo dục tiếp tục theo dõi sát tình hình mưa lũ để có phương án dạy học phù hợp.

Tại huyện Hoài Ân có 797 nhà bị ngập nước, các đập dâng, kênh mương tại xã Đăk Mang bị bồi lấp, nhà trạm bơm Tân Sơn - Ân Hảo Tây bị nứt gãy có nguy cơ sập đổ; bờ sông đoạn khu vực thôn Long Quang - Ân Mỹ, Vĩnh Đức - Ân Tín bị sạt lở với tổng chiều dài sạt lở 630 m. Các tuyến giao thông trọng yếu ở Hoài Ân đều bị tê liệt, không thể đi lại do nước ngập sâu; nhiều khu dân cư bị cô lập, chia cắt, không thể tiếp cận. Hầu hết đường liên xã, liên thôn đều bị ngập, chia cắt. Các đập dâng tại xã Đak Mang bị bồi lấp; kênh mương chính nhiều đoạn bị sạt lở, bồi lấp nặng với tổng chiều dài 1.520m; 630m bờ sông và 412m đường giao thông nông thôn bị sạt lở… Huyện Hoài Ân đã hỗ trợ sơ tán người dân ở các vùng bị ngập sâu, các điểm có nguy cơ sạt lở đến nơi an toàn.

Ông Nguyễn Hữu Khúc, Chủ tịch UBND huyện Hoài Ân cho biết: “mưa lũ gây ngập sâu hàng trăm nhà dân ở các xã: Ân Hảo Đông, Ân Hảo Tây, Ân Mỹ, Ân Tín… Nhiều nhà dân bị ngập sâu trong lũ gần 1m. Các tuyến giao trên địa bàn huyện đều bị tê liệt, ách tắc giao thông. Huyện đã huy động lực lượng chức năng sơ tán hàng trăm người dân ở các vùng bị ngập sâu, các điểm có nguy cơ sạt lở đến nơi an toàn".

Tại huyện miền núi An Lão, hàng trăm ngôi nhà của người dân bị ngập từ 0,2-0,5m; tuyến đường từ xã An Hòa đi An Quang ngập 0,4-0,5m; 3 điểm sạt lở ở tuyến đường đi xã An Toàn...

Trong khi đó, tại các xã khu Đông của các huyện Phù Cát, Tuy Phước, thị xã An Nhơn, nước lũ đã gây ngập nhiều tuyến đường giao thông, nhiều khu dân cư bị chia cắt, hàng chục nghìn ngôi nhà bị ngập trong nước lũ. Nhiều trường đã phải cho học sinh nghỉ học để bảo đảm an toàn cho học sinh. Huyện Phù Cát có 935 m đường giao thông nông thôn, 1.755 m kênh mương nội đồng, 1,5 km kè, đê sông, suối bị sạt lở; 5 ha ruộng bị sa bồi; hàng trăm ngôi nhà bị ngập nước ở các xã Cát Chánh, Cát Hưng… tuyến ĐT 640 qua đoạn qua xã Cát Chánh ngập sâu khoảng 0,5-1m. Huyện Phù Cát có 935m đường giao thông nông thôn bị sạt lở, 1.755m kênh mương nội đồng bị sạt lở, 5 ha ruộng bị sa bồi. Huyện Phù Cát di dời 36 hộ dân khu vực núi Gành, xã Cát Minh bị uy hiếp sạt lở đất do mưa lớn đến nơi an toàn.

Tại huyện Tuy Phước, nhiều khu dân cư bị ngập sâu hơn 0,5m, nhất là tại các xã Phước Hòa, Phước Thuận, Phước Thắng... Trong khi đó, nước vẫn tiếp tục chảy xuống rất xiết, người dân không thể đi lại.

Trong khi đó, tại thành phố Quy Nhơn, mưa lớn những ngày qua đã gây ngập lụt một số nơi ở vùng trũng thấp, ven hạ lưu sông trên địa bàn thành phố, chủ yếu là ở địa bàn phường Nhơn Phú, Nhơn Bình, Ghềnh Ráng… Nước lụt đã gây ngập, chảy khá mạnh ở đoạn bờ tràn đường Trần Nhân Tông, đường Điện Biên Phủ nối dài, một tuyến đường ở ven sông Hà Thanh… 

Dự báo trong 3-6 giờ tới, mực nước lũ các sông trong tỉnh Bình Định tiếp tục dao động ở mức trên dưới báo động 2, sông Kôn tại Bình Nghi và Thạnh Hòa trên báo động 3. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét và sạt lở đất các xã vùng núi các huyện, thị xã và thành phố; sạt lở bờ sông, bờ biển, tình hình ngập lụt tiếp tục xảy ra các vùng trũng thấp, vùng ven hạ lưu các sông, khu nội thành đô thị. Cấp độ rủi ro thiên tai do lũ: cấp 3.

Ông Hồ Đắc Chương, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tỉnh Bình Định cho biết: “mực nước trên các sông trên địa bàn đang lên nhanh. Chúng tôi sẽ giữ bớt lượng nước về các hồ chứa, chỉ đưa về hạ du 50% lượng nước. Sau khi ở phía hạ du giảm nước rồi mới tăng lượng xả về, nhằm giảm bớt ngập lụt cho hạ du”.

Sáng 30/11, các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của tỉnh đã trực tiếp đến các địa phương bị thiệt hại nặng do mưa lũ thăm hỏi động viên các gia đình bị thiệt hại. Quan điểm chỉ đạo xuyên suốt của lãnh đạo tỉnh là bảo đảm tuyệt đối an toàn tính mạng người dân, cương quyết di dời những hộ dân ở các khu vực có nguy cơ cao. Đồng thời chỉ đạo cắt cử các lực lượng cảnh báo bảo đảm an toàn khi lưu thông ở các khu vực bị ngập lụt.