Khẩn trương thu gom, xử lý rác y tế tồn đọng ở Cà Mau

NDO -

Dù đã chạy hết công suất và tăng thêm giờ nhưng năng lực xử lý rác y tế của Cà Mau vẫn không đáp ứng, hơn chục tấn rác thải tồn đọng có dấu hiệu bốc mùi.

Lãnh đạo tỉnh Cà Mau kiểm tra hình hình ùn ứ rác y tế tại khu tập kết rác của Bệnh viện đa khoa Cà Mau.
Lãnh đạo tỉnh Cà Mau kiểm tra hình hình ùn ứ rác y tế tại khu tập kết rác của Bệnh viện đa khoa Cà Mau.

Trong chuyến kiểm tra thực tế vào cuối giờ sáng 27/11, đoàn công tác của UBND tỉnh Cà Mau ghi nhận hơn chục tấn rác thải y tế tồn đọng tại khu tập kết chờ xử lý của Bệnh viện đa khoa Cà Mau. Đây là đơn vị tuyến cuối ở Cà Mau, được trang bị hai lò đốt rác y tế có khả năng xử lý từ 600-800kg rác/ngày.

Ngoài nguồn thải từ các đơn vị chức năng và khu điều trị Covid-19 của bệnh viện, gần đây, đơn vị trên được giao hỗ trợ xử lý rác y tế được thu gom từ các bệnh viện dã chiến (số 2, 3, 5) và các cơ sở y tế, phòng khám tư… trên địa bàn TP Cà Mau. Với các nguồn phát sinh nêu trên, bình quân mỗi ngày Bệnh viện đa khoa Cà Mau phải xử lý từ 1,5-1,9 tấn rác y tế.

Tại buổi kiểm tra, Giám đốc Bệnh viện đa khoa Cà Mau Bùi Đức Văn cho biết: Dù đã nỗ lực “chạy” đến 12 giờ/ngày (tăng thêm 4 giờ) và nhờ Bệnh viện Sản-Nhi Cà Mau hỗ trợ đốt tiếp 300kg rác/ngày nhưng hiện tại, đơn vị chỉ xử lý được khoảng 1,2 tấn rác/ngày, tức còn tồn từ 300-700kg rác y tế. Qua hơn một tháng, rác tồn đọng chưa xử lý kịp lên đến hơn chục tấn như hiện nay.

Khẩn trương thu gom, xử lý rác y tế tồn đọng ở Cà Mau -0
 Hơn chục tấn rác y tế tồn đọng lâu ngày trong khu chờ xử lý của Bệnh viện đa khoa Cà Mau có dấu hiệu bốc mùi.

Sau khi kiểm tra thêm điều kiện sinh hoạt, vệ sinh tại Bệnh viện dã chiến số 5 (công suất 500 giường điều trị F0) đặt tại tòa nhà Trung tâm thương mại Cửu Long, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Minh Luân đã yêu cầu các đơn vị chuyên trách trực thuộc UBND: Khẩn trương đẩy nhanh tiến độ để đưa vào sử dụng sớm nhất hai công trình xây dựng lò đốt rác mới đặt tại Bệnh viện đa khoa Cà Mau và tại Bệnh viện đa khoa Ngọc Hiển, cũng như các công trình cải tạo, nâng cấp, sửa chữa lò đốt rác bị xuống cấp tại các bệnh viện tuyến huyện, nhằm giảm tải cho khu vực xử lý rác y tế trên địa bàn TP Cà Mau. Cùng với đó, cần phối hợp tốt với đơn vị xử lý môi trường (Nhà máy rác TP Cà Mau do tư nhân quản lý - PV) hỗ trợ xử lý số rác tồn đọng, bảo đảm vệ sinh trong phòng, chống dịch bệnh.

Sở Xây dựng, Sở Y tế và Ban Quản lý dự án công trình Xây dựng Cà Mau được giao nhiệm vụ rà soát, mua sắm bổ sung một số dụng cụ thiết yếu để bổ sung cho Bệnh viện dã chiến số 5. Với Ban lãnh đạo Bệnh viện dã chiến số 5, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau nhắc nhở cần uyển chuyển, linh hoạt hơn trong công tác điều hành, quản trị, đặc biệt là tuyên truyền, nhắc nhở bệnh nhân F0 đang điều trị tại bệnh viện nâng cao ý thức vệ sinh môi trường, chủ động hơn trong một số công việc bản thân có thể tự làm được để chia sẻ bớt gánh nặng với y, bác sĩ.

Chủ động trước các tình huống phức tạp trong phòng, chống dịch Covid-19, từ đầu tháng 10 đến nay, Cà Mau đã huy động thêm 7 bệnh viện dã chiến và nâng cao công suất điều trị F0 tại các cơ sở y tế. Nhờ đó mà hiện tại, tổng công suất tiếp nhận, điều trị F0 ở Cà Mau được nâng lên hơn 3.100 giường bệnh (khoảng 1.800 giường tại các bệnh viện dã chiến). Tuy nhiên, đến hết ngày 26/11, tỉnh này đang điều trị cho hơn 3.660 F0, trong đó có hơn 900 F0 được cách ly, điều trị tại nhà. Lượng bệnh tăng cao và các lò đốt rác sử dụng lâu ngày xuống cấp là nguyên nhân chính dẫn đến rác y tế ùn ứ, chậm xử lý ở Cà Mau.