EU chia rẽ về cách ứng phó khủng hoảng năng lượng

NDO -

Trong cuộc họp khẩn ngày 26/10 tại Luxembourg của các bộ trưởng năng lượng các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) về cách đối phó tình trạng giá khí đốt tăng cao, 11 quốc gia đã bác đề xuất của Pháp và Tây Ban Nha về cải cách thị trường khí đốt.

Nhà máy khí Repsol YPF ở Gijon, miền bắc Tây Ban Nha. (Ảnh REUTERS)
Nhà máy khí Repsol YPF ở Gijon, miền bắc Tây Ban Nha. (Ảnh REUTERS)

Châu Âu, vốn phụ thuộc nhiều vào dầu mỏ và khí đốt nhập khẩu, đang chứng kiến giá bán buôn năng lượng tăng chóng mặt, chủ yếu do giá khí đốt giao ngay tăng cao. Ủy ban châu Âu đã đưa ra một gói biện pháp nhằm làm chậm đà tăng giá khí đốt trong ngắn hạn, trong đó khuyến khích các quốc gia thành viên cắt giảm thuế và các khoản phụ thu vốn chiếm khoảng 30% hóa đơn năng lượng.

Reuters cho biết, tại cuộc họp, Bộ trưởng Năng lượng Tây Ban Nha Sara Aagesen đề xuất việc cải cách thị trường năng lượng EU và các quốc gia thành viên của khối nên có quyền lựa chọn mua khí đốt chung nhằm giải quyết tình trạng giá điện tăng cao kỷ lục. Chung quan điểm với Tây Ban Nha, Pháp cũng mong muốn tái cơ cấu thị trường năng lượng của EU để giảm bớt tính chi phối của khí đốt đối với giá năng lượng.

Tuy nhiên, 9 quốc gia trong đó có Áo, Đan Mạch, Phần Lan, Đức, Ireland và Hà Lan đã phản đối việc cải cách thị trường năng lượng EU. Tuyên bố chung của 9 nước nhấn mạnh, thị trường khí đốt và điện nội khối của EU đã từng bước được thiết lập trong nhiều thập niên qua. Các thị trường cạnh tranh đóng góp cho sự đổi mới, an ninh nguồn cung và do đó là một yếu tố quan trọng tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chuyển đổi hướng tới tham vọng của EU về một tương lai ít thải khí carbon. Thụy Điển và Bỉ sau đó cũng đã ký vào tuyên bố này, đưa tổng số quốc gia phản đối đề xuất cải cách thị trường EU lên 11 nước.

Cuộc họp của các bộ trưởng năng lượng EU diễn ra sau hội nghị cấp cao của EU hồi tuần trước về cuộc khủng hoảng khí đốt và trước thềm Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) diễn ra vào tuần tới tại Anh. Các sự kiện này được tổ chức trong bối cảnh giá năng lượng tăng cao trên toàn cầu khi nhiều nền kinh tế bắt đầu tăng trưởng trở lại sau thời gian dài đình trệ do tác động của đại dịch Covid-19.