Đến năm 2030, 65% dân số nông thôn được sử dụng nước sạch đạt chất lượng theo quy chuẩn

NDO -

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã ký Quyết định số 1978/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

(Ảnh minh họa).
(Ảnh minh họa).

Theo đó, mục tiêu tổng thế của Chiến lược nhằm bảo đảm người dân nông thôn được quyền tiếp cận, sử dụng dịch vụ cấp nước sạch công bằng, thuận lợi, an toàn với chi phí hợp lý; bảo đảm vệ sinh hộ gia đình và khu vực công cộng, vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch bệnh; bảo vệ sức khỏe, giảm các bệnh liên quan đến nước và vệ sinh, nâng cao chất lượng cuộc sống, bảo đảm an sinh xã hội cho người dân nông thôn, thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn với thành thị, góp phần xây dựng nông thôn mới.

Cụ thể, phấn đấu đến năm 2030, 65% dân số nông thôn được sử dụng nước sạch đạt chất lượng theo quy chuẩn với số lượng tối thiểu 60 lít/người/ngày; 100% hộ gia đình nông thôn, trường học, trạm y tế có nhà tiêu hợp vệ sinh bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn; 100% người dân nông thôn thường xuyên thực hiện vệ sinh cá nhân; 25% điểm dân cư nông thôn tập trung có hệ thống thu gom nước thải sinh hoạt, 15% nước thải sinh hoạt được xử lý; 75% hộ chăn nuôi, trang trại được xử lý chất thải chăn nuôi.

Chiến lược cũng đặt mục tiêu đến năm 2045, 100% người dân nông thôn được sử dụng nước sạch và vệ sinh an toàn, bền vững; 50% điểm dân cư nông thôn tập trung có hệ thống thu gom nước thải sinh hoạt, 30% nước thải sinh hoạt được xử lý; 100% hộ chăn nuôi, trang trại được xử lý chất thải chăn nuôi.

Để đạt được các mục tiêu nêu trên, Chiến lược đề ra các giải pháp thực hiện cụ thể trên 3 khía cạnh: Hoàn thiện thể chế, chính sách (rà soát và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, xây dựng chính sách hỗ trợ đầu tư,…); thông tin, giáo dục và tuyên truyền (giáo dục, truyền thông để tuyên truyền và phổ biến pháp luật, cơ chế chính sách, thay đổi hành vi và thói quen, sử dụng nước tiết kiệm,…) và cấp nước sạch nông thôn.

Trong đó, về khía cạnh cấp nước sạch nông thôn, sẽ đầu tư xây dựng công trình cấp nước sạch tập trung gắn với khai thác, quản lý vận hành theo quy hoạch được duyệt, bảo đảm an ninh nguồn nước, thích ứng biến đổi khí hậu; sửa chữa, nâng cấp công trình cấp nước sạch bảo đảm hoạt động hiệu quả, gắn với giám sát quản lý vận hành công trình; đầu tư xây dựng công trình cấp nước sạch tập trung quy mô lớn, đồng bộ, liên xã, liên huyện, kết nối với hệ thống cấp nước đô thị ở những nơi phù hợp để bảo đảm công trình hoạt động hiệu quả, bền vững; ưu tiên sử dụng nguồn nước từ hệ thống công trình thủy lợi, hồ chứa, đập dâng cho cấp nước sinh hoạt; ưu tiên đầu tư công trình tạo nguồn cấp nước sinh hoạt tại vùng khan hiếm, khó khăn về nguồn nước, khu vực thường xuyên bị ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn, ô nhiễm nguồn nước; hỗ trợ đầu tư xây dựng công trình cấp nước sạch tập trung cho vùng sâu, vùng xa, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, khu vực bãi ngang, ven biển, biên giới, hải đảo.

Chiến lược cũng vạch rõ các giải pháp cấp nước quy mô hộ gia đình đối với những vùng gặp khó khăn trong đầu tư công trình cấp nước tập trung hoặc đầu tư công trình cấp nước tập trung không hiệu quả, vùng chưa có khả năng tiếp cận với cấp nước tập trung, nhất là các vùng khan hiếm, khó khăn về nguồn nước, vùng sâu, vùng xa, vùng miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo, trong đó tập trung thực hiện các nhiệm vụ cụ thể sau.

Trước hết, đầu tư xây dựng bể trữ nước mưa và các hình thức trữ nước khác phù hợp đặc thù vùng, miền để bảo đảm nhu cầu nước sinh hoạt.

Tiếp đó, nhân rộng áp dụng mô hình thu, xử lý và trữ nước an toàn hộ gia đình; thí điểm áp dụng ki-ốt, cây ATM cung cấp nước uống trực tiếp cho cụm dân cư, trường học trong trường hợp khẩn cấp do ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh.

Cùng với đó, hướng dẫn kiểm tra, giám sát chất lượng nước quy mô hộ gia đình; sử dụng vật liệu thu, xử lý, trữ nước an toàn hộ gia đình.

Liên quan tới vấn đề vệ sinh nông thôn, Chiến lược chỉ rõ, sẽ triển khai, nhân rộng phong trào cộng đồng không phóng uế bừa bãi, hướng tới thay đổi nhận thức, hành vi vệ sinh của người dân; quy định “tỷ lệ hộ gia đình nông thôn, trường học, trạm y tế có nhà tiêu hợp vệ sinh được xây dựng và quản lý sử dụng bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn”; ứng dụng và phổ biến các giải pháp công nghệ xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh đơn giản, phù hợp tập quán địa phương và khả năng chi trả của người dân; hỗ trợ kỹ thuật xây dựng, quản lý sử dụng công trình vệ sinh hộ gia đình, vệ sinh công cộng bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn...

Đồng thời thí điểm áp dụng các mô hình công nghệ thu gom và xử lý nước thải chi phí thấp, hạn chế hóa chất, sử dụng năng lượng tái tạo, ít phát sinh chất thải thứ cấp phù hợp với đặc điểm và quy mô khu dân cư nông thôn tập trung; quản lý chất thải chăn nuôi bảo đảm đúng yêu cầu quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, bảo đảm mùi, khí thải, nước thải, chất thải rắn phát sinh từ cơ sở chăn nuôi không làm ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, không gây ô nhiễm môi trường; hộ chăn nuôi, chủ trang trại chăn nuôi chịu trách nhiệm xử lý chất thải chăn nuôi bảo đảm đúng quy định; nghiên cứu, ứng dụng công nghệ, giải pháp cấp nước và vệ sinh thân thiện với môi trường, không ảnh hưởng sức khỏe người dân, ưu tiên công nghệ đơn giản, giá thành phù hợp với khả năng chi trả của người dân; tăng cường chia sẻ thông tin, trao đổi kinh nghiệm, ứng dụng và chuyển giao công nghệ tiên tiến với các quốc gia, tổ chức quốc tế, các chuyên gia có kinh nghiệm trong lĩnh vực nước sạch và vệ sinh, tranh thủ sự hỗ trợ nguồn lực, khoa học, công nghệ, trang thiết bị của các quốc gia, tổ chức quốc tế trong cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn,…