Đầu Xuân trên các công trình điện gió trọng điểm ở một vùng quê biển

NDO -

Những ngày đầu Xuân Nhâm Dần, chúng tôi trở lại ven vùng biển Bạc Liêu để tận mắt ghi nhận không khí sản xuất trên các công trình trọng điểm của tỉnh; đồng thời gặp gỡ, trò chuyện với một số cán bộ, nhân dân nơi đây.

Lãnh đạo Ban quản lý dự án điện gió Hòa Bình (Bạc Liêu) giới thiệu hai dự án điện gió với du khách.
Lãnh đạo Ban quản lý dự án điện gió Hòa Bình (Bạc Liêu) giới thiệu hai dự án điện gió với du khách.

Từ xã Vĩnh Trạch Đông (giáp ranh tỉnh Sóc Trăng) đến thị trấn cửa biển Gành Hào, huyện Đông Hải (Bạc Liêu), với chiều dài bờ biển hơn 56 km, chúng tôi rất vui khi chứng kiến vùng quê biển đang “thay da đổi thịt”, khởi sắc đi lên trong thời kỳ mới…

Chúng tôi gặp anh Dương Thành Trung, nguyên Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu (nhiệm kỳ 2015-2020). Anh Trung đã nghỉ hưu gần hai năm nay và hiện cùng gia đình đang tham gia nuôi tôm công nghệ cao tại vùng ven biển thuộc xã Vĩnh Hậu A (huyện Hòa Bình). Khi biết tôi có ý định đi thăm và viết bài về sự đổi thay ở vùng quê biển, anh Trung nói: “Nhà báo đã đến thăm công trình điện gió do Công ty Phương Anh đầu tư tại vùng ven biển huyện Hòa Bình chưa? Đây là dự án điện gió cách đất liền hơn 10 km, được đầu tư công nghệ tân tiến, hiện đại và có quy mô lớn nhất so với gần 10 dự án điện gió trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu hiện nay. Nếu được ngồi trên xe điện đi ra các trụ cột turbine gió ngoài khơi xa thì vô cùng thú vị…”

Nghe lời “quảng bá” hấp dẫn trên, chúng tôi đến thăm công trình điện gió Hòa Bình, do Công ty TNHH Đầu tư xây dựng và Thương mại Phương Anh (Hà Nội) đầu tư tại vùng ven biển Bạc Liêu. Gặp anh Hoàng Cường, Giám đốc Ban Quản lý dự án-người trực tiếp gần hai năm nay lăn lộn, rất vất vả cùng hàng trăm kỹ sư, cán bộ, công nhân ngày đêm lao động hăng say trên công trình điện gió Hòa Bình. Anh Hoàng Cường trực tiếp lái xe điện chở chúng tôi ra tận trụ cột turbine gió được xây dựng xa nhất ngoài khơi, cách đất liền hơn 12 km.

Đầu Xuân trên các công trình điện gió trọng điểm ở một vùng quê biển -0
Các nhà văn, nhà báo đến thăm công trình điện gió ngoài khơi ở vùng biển Bạc Liêu.

Vừa lái xe, anh Hoàng Cường vừa sôi nổi, hào hứng kể về những tháng ngày vô cùng vất vả, gian nan và quyết tâm rất cao của hàng trăm cán bộ, công nhân ngày đêm lao động hết mình trên công trình điện gió này, để có được “cánh đồng điện gió”, với hàng trăm trụ cột turbine gió sừng sững ngoài biển khơi bao la này, ngày đêm quay tít đem về một nguồn năng lượng sạch khá lớn, quý giá, góp phần làm giàu đẹp quê hương, đất nước...

Anh Hoàng Cường cho biết, ngày 26/7/2020, đánh dấu một sự kiện quan trọng tại vùng ven biển hoang sơ thuộc xã Vĩnh Hậu A, huỵện Hòa Bình (Bạc Liêu), Công ty TNHH Đầu tư xây dựng và Thương mại Phương Anh (Hà Nội) long trọng tổ chức Lễ khởi công Dự án đầu tư xây dựng Nhà máy Điện gió Hòa Bình 1-Giai đoạn 2 và Dự án Nhà máy Điện gió Hòa Bình 2, tổng công suất 150 MW, sản lượng điện hàng năm đạt khoảng 600 triệu kWh/năm, tổng vốn đầu tư hơn 8.225 tỷ đồng. Theo đó, dự án Nhà máy Điện gió Hòa Bình 1-Giai đoạn 2 được sử dụng chung hạ tầng với Dự án Nhà máy Điện gió Hòa Bình 1, được đầu tư xây dựng nhằm tiết kiệm quỹ đất, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, giảm thiểu ảnh hưởng đến môi trường được xây dựng trong khu vực biển thuộc địa phận xã Vĩnh Hậu A và xã Vĩnh Hậu (huyện Hòa Bình), có diện tích trên 935ha.

“Đây là tổ hợp điện gió trên biển lớn nhất Việt Nam, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho địa phương và đất nước, góp phần khẳng định chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Không những vậy, đây còn là dự án điện gió đầu tiên ở Việt Nam được thực hiện toàn bộ các thủ tục và đăng ký trực tiếp với Gold Standard (Tiêu chuẩn Vàng, qua đó sẽ trực tiếp tạo ra tín chỉ GS VER). Hằng năm hai nhà máy sản xuất ra sản lượng khoảng 400 triệu KWh, với mức doanh thu dự kiến đạt khoảng trên 800 tỷ đồng/năm…”-Anh Hoàng Cường chia sẻ.

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, trước năm 2020, tại vùng biển Bạc Liêu chỉ có một dự án điện gió đã hoàn thành, đó là dự án do Công ty TNHH Công Lý (có trụ sở tại Cà Mau) đầu tư tại Bạc Liêu. Song, một tin vui lớn đầu Xuân Nhân Dần này, đó là hiện nay Bạc Liêu có 7 dự án điện gió đã xây dựng xong, được đưa vào vận hành thương mại.

Ngoài các dự án điện gió nêu trên, tại Bạc Liêu hiện có dự án điện gió Hòa Bình 5-giai đoạn 1 (do Công ty cổ phần năng lượng Hacom Bạc Liêu, công ty thành viên của Công ty cổ phần đầu tư Hacom Holdings, làm chủ đầu tư) chính thức được công nhận vận hành thương mại (COD). Dự án điện gió Hòa Bình 5 được khởi công từ ngày 11/10/2020 thuộc địa phận hai xã Vĩnh Thịnh và Vĩnh Hậu (huyện Hòa Bình), có công suất 80MW, với 26 trụ turbine gió và có tổng mức đầu tư xấp xỉ 3.700 tỷ đồng. Đây là dự án điện gió ven bờ biển có công suất lớn nhất khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Dự án này sau khi hoàn thành sẽ phát điện khoảng 280 triệu KWh/năm và đóng góp vào nguồn thu ngân sách tỉnh hằng năm khoảng 60 tỷ đồng.

Cũng trong những ngày đầu Xuân Nhâm Dần này, toàn bộ các turbine của nhà máy điện gió Kosy Bạc Liêu giai đoạn 1-công suất 40,5MW, có tổng mức đầu tư trên 1.600 tỷ đồng, do Công ty cổ phần điện gió Kosy Bạc Liêu, một thành viên của Tập đoàn Kosy làm chủ đầu tư đã vận hành được hơn ba tháng, bước đầu đem lại hiệu quả cao…

Đầu Xuân trên các công trình điện gió trọng điểm ở một vùng quê biển -0

Du khách ra thăm các turbine gió ngoài khơi bằng xe điện.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều, việc phát triển các dự án điện gió ven biển rất phù hợp điều kiện sẵn có và định hướng phát triển của tỉnh, góp phần phát huy tiềm năng, lợi thế của tỉnh, nhất là phù hợp với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là “Bạc Liêu phát triển theo hướng xanh”, chú trọng bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Đặc biệt là, các dự án điện gió ven biển của tỉnh, nhất là Dự án Nhiệt điện khí LNG 3.200 MW sẽ đóng vai trò rất to lớn, là một trong năm trụ cột phát triển của Bạc Liêu, đúng theo tinh thần Nghị quyết 36 của Trung ương Đảng về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045”.

“Có thể nói, lĩnh vực năng lượng sạch đã và đang được Thường trực Tỉnh ủy và Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bạc Liêu đặc biệt quan tâm, được xác định là động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế, góp phần chuyển dịch cơ cấu sản xuất, cơ cấu lao động và hình thành nên sức bật mới cho một tỉnh thuần nông hướng đến công nghiệp hóa-hiện đại hóa, đưa Bạc Liêu đột phá vươn lên sớm trở thành tỉnh khá trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long và cả nước mà Nghị quyết đại hội Đảng bộ, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra”-Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều khẳng định.