Quảng Ngãi:

Cần xử lý rác thải Covid-19 và rác thải sinh hoạt tồn đọng

NDO -

Trong thời gian dài phòng, chống dịch Covid-19 lây lan trên diện rộng, tỉnh Quảng Ngãi phải đối mặt với khối lượng rác thải sinh hoạt và rác thải y tế rất lớn từ khu dân cư, khu cách ly, điều trị bệnh Covid-19. Hiện, ngành chức năng tỉnh Quảng Ngãi nỗ lực xử lý các nguồn rác thải để giảm thiểu nguy cơ lây dịch bệnh trong cộng đồng.

Rác thải y tế, rác thải Covid được xử lý tại Khu liên hiệp xử lý và tái chế chất thải EME Dung Quất.
Rác thải y tế, rác thải Covid được xử lý tại Khu liên hiệp xử lý và tái chế chất thải EME Dung Quất.

Tập trung xử lý rác thải Covid-19

Trong tháng cao điểm phong tỏa phòng, chống dịch Covid-19 lây lan vùng biển, mỗi ngày, xã Nghĩa An, TP Quảng Ngãi thu gom 7 tấn chất thải có nguy cơ lây nhiễm Covid-19. Hơn 150 tấn rác thải có nguy cơ lây nhiễm dịch được thu gom, xử lý với quy trình chặt chẽ như khử khuẩn, thu gom và vận chuyển đến nơi xử lý bằng phương tiện chuyên dụng. 

Bà Phạm Thị Công, Chủ tịch UBND xã Nghĩa An cho biết, sau thời gian ứ đọng, hiện tất cả lượng rác thải trong vùng phong tỏa đã được xử lý hoàn toàn. “Nguồn rác thải y tế, sinh hoạt ở vùng dịch nguy cơ lây nhiễm cao nên chúng tôi hướng dẫn bà con phân loại kỹ để xử lý và không lây lan ra các vùng xanh khác”.

Tỉnh Quảng Ngãi ghi nhận gần 1.350 ca bệnh Covid-19, cách ly tập trung gần 10.000 người tại 22 cơ sở. Cùng với công tác phòng, chống dịch, tỉnh Quảng Ngãi đối diện với lo ngại về khối lượng lớn rác thải y tế, rác thải Covid từ các bệnh viện điều trị, khu cách ly bệnh nhân. 

Từ đầu năm 2021 đến nay, tỉnh Quảng Ngãi thu gom hơn 352 tấn rác thải y tế, rác thải Covid-19. Trong đó, khu vực TP Quảng Ngãi và các vùng lân cận hơn 221 tấn; thu gom tại 45 điểm cách ly tập trung, bệnh viện dã chiến và các xã trên địa bàn huyện Bình Sơn, KKT Dung Quất hơn 131 tấn chất thải lây nhiễm Covid-19. 

Với khối lượng rác thải y tế, rác thải nguy hại liên quan dịch Covid-19 ngày càng nhiều, các địa phương tập trung xử lý để bảo đảm không lây lan nguồn bệnh ra cộng đồng.

Cần xử lý rác thải Covid và rác thải sinh hoạt tồn đọng -0
Do chưa xây dựng xong nên Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt Nghĩa Kỳ chỉ hoạt động tạm thời.  

Tại nhà máy xử lý rác thải y tế Quảng Ngãi và Khu liên hiệp xử lý và tái chế chất thải EME Dung Quất đã tiếp nhận, xử lý rác thải liên quan dịch Covid-19. Mỗi ngày, tại đây xử lý hơn 6 tấn chất thải từ các khu điều trị, khu cách ly người bệnh Covid-19. Chất thải lây nhiễm Covid-19 được tiếp nhận tại lò đốt chất thải nguy hại, phun khử trùng phương tiện, thùng chứa, chất thải trước khi bốc dỡ chất thải vào thùng nạp liệu và tiến hành thiêu đốt.

“Để tránh tình trạng ùn ứ chất thải, bảo đảm kịp thời thu gom chất thải dịch Covid-19 chúng tôi tăng tần suất thu gom, vận chuyển từ 2 - 3 ngày/lần lên 1 ngày/lần. Tất cả chất thải lây nhiễm Covid-19 được xử lý bằng phương pháp thiêu đốt tại lò đốt chất thải nguy hại ngay trong ngày”, ông Huỳnh Vĩnh Phúc, Giám đốc Khu liên hiệp xử lý và tái chế chất thải EME Dung Quất cho biết.

Rác thải y tế, chất thải Covid-19 là nguồn lây lan dịch bệnh ra cộng đồng nếu không bảo đảm quy trình thu gom, xử lý. Vì vậy, việc thu gom, xử lý chất thải tại các cơ sở y tế, khu cách ly, phong tỏa với quy trình chặt chẽ theo quy định.

Cần xử lý rác thải sinh hoạt ứ đọng, giảm nguy cơ lây nhiễm Covid-19

Trong thời gian dài phòng, chống dịch Covid-19 lây lan trên diện rộng, tỉnh Quảng Ngãi phải đối mặt với khối lượng rác thải sinh hoạt và rác thải y tế rất lớn từ các khu dân cư, khu cách ly, điều trị bệnh Covid-19. Lo ngại nhất hiện nay là rác thải Covid-19 lẫn trong rác thải sinh hoạt và người dân tự xử lý rác thải khiến tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh.

Tại xã Tịnh Hà, huyện Sơn Tịnh, sau mỗi đợt cách ly tập trung địa phương thu gom 2,5 tấn rác thải y tế, rác thải Covid-19 cùng hàng chục tấn rác thải sinh hoạt trên địa bàn xã. Do không có đơn vị thu gom, xử lý rác thải, chính quyền địa phương vận động người dân tự xây dựng lò dốt rác tại nhà để xử lý rác thải sinh hoạt. 

Bà Nguyễn Thị Cúc, thôn Hà Tây, xã Tịnh Hà xây dựng lò đốt rác trên diện tích 2m2 với kết cấu tường gạch, bên trong có 4-5 thanh sắt ngang để rác. “Cứ thêm dầu vào rác đốt là cháy thôi. Vật dụng phòng dịch Covid-19 như khẩu trang, bao tay mình sử dụng xong cũng tự gom đốt luôn. Vật dụng lâu cháy mình bươi ra để đốt lại 2-3 lần mới được”, bà Cúc giải thích. 

Bà Nguyễn Thị Trang, Phó Chủ tịch UBND xã Tịnh Hà cho biết, do xã không có đơn vị thu gom, xử lý rác thải nên lượng rác ứ đọng gây ô nhiễm môi trường. “Chúng tôi hướng dẫn bà con phân loại rác, thu gom và tự xử lý tại nhà qua mô hình lò đốt rác tại nhà. Làm vậy mới xử lý hết lượng rác thải sinh hoạt trong dân”.

Cần xử lý rác thải Covid và rác thải sinh hoạt tồn đọng -0
Vật dụng y tế như khẩu trang, găng tay của người dân sử dụng phòng, chống dịch lẫn trong rác thải sinh hoạt.  

Từ đầu năm 2021 đến nay, hơn 62.500 tấn rác thải sinh hoạt được thu gom tại TP Quảng Ngãi và vùng lân cận đưa về Nhà máy lý rác thải sinh hoạt Nghĩa Kỳ.

Trong đó, nhiều nhất là TP Quảng Ngãi với hơn 48.200 tấn rác được thu gom từ các khu dân cư. Lượng rác thải y tế, rác thải sinh hoạt ngày càng phát sinh trong điều kiện phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Tuy nhiên, do Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt Nghĩa Kỳ của tỉnh Quảng Ngãi chưa xây dựng hoàn thành nên việc xử lý rác thải gặp nhiều khó khăn.

Xây dựng từ năm 2017 với tổng vốn đầu tư hơn 300 tỷ đồng, công suất xử lý rác thải 250 tấn/ngày, Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt Nghĩa Kỳ dự kiến vận hành vào cuối tháng 9/2019. 

“Công trình có 24 hạng mục chính gồm nhà xưởng ủ rác, hố chôn lấp tro, hố chứa nước rỉ rác, bể tuần hoàn nước thải… nhưng hiện chỉ có 9 hạng mục hoàn thành và nhiều hạng mục còn xây dựng dở dang, trái phép nên việc xử lý rác chưa thể hết được”, ông Nguyễn Hữu Hồng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Quảng Ngãi cho biết.

Do chưa hoàn thành nên nhà máy chỉ hoạt động tạm thời để xử lý tạm rác thải của TP Quảng Ngãi và vùng lân cận. Theo thống kê của ngành chức năng, từ tháng 9/2020 đến nay, khi vừa thi công xây dựng, Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt Nghĩa Kỳ vừa tiếp nhận 69.000 tấn rác thải; trong đó xử lý 33.800 tấn và tồn đọng hơn 35.800 tấn rác thải sinh hoạt. 

Bên cạnh đó, mỗi ngày, nhà máy tiếp nhận 230 tấn rác thải và qua nhiều công đoạn, xử lý tạm thời khoảng 120 tấn/ngày đêm. “Hiện chúng tôi chỉ ưu tiên xử lý rác thu gom hằng ngày, còn lượng rác ứ đọng hơn 35.800 tấn và lượng rác còn lại hằng ngày chúng tôi tính sau”, ông Nguyễn Tấn Pháp, Giám đốc Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt Nghĩa Kỳ cho biết.

Lo ngại nhất hiện nay là rác thải sinh hoạt, rác thải nguy cơ lây dịch Covid-19 phát sinh trong dân nếu không được xử lý triệt để sẽ tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh. Do vậy, nhiều địa phương trong tỉnh Quảng Ngãi tăng cường công tác phân loại, thu gom và xử lý theo các cách khác nhau. 

“Chúng tôi kiểm tra và yêu cầu các huyện, thành phố phải xử lý rác bảo đảm an toàn trong tình hình dịch Covid-19 hiện nay. Đồng thời, linh hoạt xử lý rác thải y tế, rác thải sinh hoạt theo điều kiện thực tế tại đia phương hiệu quả, tiết kiệm trong phòng, chống dịch Covid-19”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Phước Hiền khẳng định.