Cam kết về phát thải của các quốc gia vẫn không đạt được mục tiêu khí hậu toàn cầu

NDO -

Ngày 17/9, Liên hợp quốc cho biết, các cam kết về cắt giảm khí thải mới nhất của các quốc gia trên thế giới sẽ không ngăn chặn được tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu. 

Những mảnh băng vỡ ra từ sông băng Perito Moreno ở miền nam Argentina. (Ảnh: Reuters)
Những mảnh băng vỡ ra từ sông băng Perito Moreno ở miền nam Argentina. (Ảnh: Reuters)

Đã có những áp lực gia tăng đối với các nước gây ô nhiễm, bao gồm cả Trung Quốc và Ấn Độ để đặt ra các mục tiêu tham vọng hơn trước Hội nghị thượng đỉnh khí hậu COP26 vào tháng 11 tới.

Hội nghị COP26 của Liên hợp quốc nhằm bảo đảm các kế hoạch mới về mục tiêu khí hậu từ gần 200 quốc gia đã ký Thỏa thuận Paris 2015, với việc hạn chế sự nóng lên toàn cầu do con người gây ra ở mức 1,5 độ C.

Cam kết về phát thải của các quốc gia vẫn không đạt được mục tiêu khí hậu toàn cầu -0
 Hội nghị COP26 của Liên hợp quốc nhằm bảo đảm các hành động khí hậu đầy tham vọng hơn từ các quốc gia trên thế giới. (Ảnh: Reuters)

Phân tích của Liên hợp quốc cho thấy, theo cam kết hiện tại của các nước, lượng khí thải toàn cầu sẽ cao hơn 16% vào năm 2030 so năm 2010, con số này sẽ vượt xa mức giảm 45% vào năm 2030 mà các nhà khoa học cho rằng cần thiết để ngăn chặn biến đổi khí hậu thảm khốc xảy ra.

Liên hợp quốc cho biết thêm, nếu không có những cam kết đầy tham vọng hơn nữa, nhiệt độ toàn cầu có thể lên tới 2,7 độ C so mức thời kỳ tiền công nghiệp vào cuối thế kỷ này.

Điều đó sẽ gây ra những tác động tàn khốc hơn nhiều với các quốc gia khác trên thế giới, từ lũ lụt chết người đến cháy rừng và bão.

Thư ký điều hành Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu Patricia Espinosa cho biết, “Số lượng phát thải khí nhà kính nói chung đang đi sai hướng”. Hiện, bà Patricia Espinosa cũng đã nhận được “những tín hiệu rất tích cực” trong các cuộc đàm phán với một số quốc gia rằng các cam kết mới sẽ được đưa ra trước Hội nghị thượng đỉnh COP26 ở Glasgow, Scotland.

Mỹ và 27 quốc gia thuộc Liên hiệp châu Âu (EU) - những quốc gia phát thải lớn thứ hai và thứ ba trên thế giới sau Trung Quốc, là những quốc gia đặt ra mục tiêu cắt giảm khí thải mạnh mẽ hơn trong năm nay.

Tuy nhiên, các quốc gia khác chịu trách nhiệm cho khoảng một nửa lượng khí thải trên thế giới vẫn chưa đưa ra các kế hoạch cắt giảm cụ thể nào, trong đó, có Trung Quốc, Ấn Độ và Ả-rập Xê-út.

Brazil và Mexico cũng đã đưa ra các cam kết mới nhất của mình mà các nhà phân tích cho rằng sẽ gây ra lượng khí thải cao hơn so mục tiêu trước đó của họ.

Chủ tịch của COP26 Alok Sharma cho rằng: "Nếu không có hành động từ tất cả các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là các nền kinh tế lớn nhất, thì những nỗ lực này có nguy cơ trở nên vô ích”.

Một số quốc gia khác, bao gồm cả Ấn Độ, cho biết họ không thể cắt giảm lượng khí thải nhanh hơn trừ khi họ nhận được nhiều hỗ trợ từ các quốc gia giàu có để đầu tư vào các ngành công nghiệp và năng lượng carbon thấp.

Cho đến nay, sự hỗ trợ từ các nước phát triển vẫn chưa được thực hiện như lời hứa. Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cho biết nhiều khả năng các nước giàu có đã bỏ lỡ mục tiêu đóng góp 100 tỷ USD vào năm 2020 để giúp các quốc gia đang phát triển đối phó với biến đổi khí hậu.

Liên hợp quốc cho biết họ sẽ công bố một báo cáo khác vào ngày 25/10 và mọi cam kết mới về khí hậu mà các quốc gia đưa ra đều được tổ chức này đánh giá trước ngày 12/10.