Bất cập trong quản lý, khai thác công trình cấp nước sinh hoạt

Hiện nay, cả nước có hơn 15 nghìn công trình cấp nước sạch tập trung với các mô hình quản lý khác nhau. Tuy nhiên, một phần ba số công trình không hoạt động và kém hiệu quả. Vấn đề quản lý, vận hành các công trình này là vô cùng quan trọng và là bài toán khá nan giải.

Người dân bản Hồng Lếch Cang, xã Thanh Chăn, huyện Ðiện Biên (Ðiện Biên) được sử dụng nước sạch.
Người dân bản Hồng Lếch Cang, xã Thanh Chăn, huyện Ðiện Biên (Ðiện Biên) được sử dụng nước sạch.

Kết quả bước đầu

Ngày 31-12-2012, Chính phủ đã phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia và vệ sinh môi trường nông thôn giai đoạn 2012-2015. Với mục tiêu: 85% số dân nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, trong đó 45% sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn QCVN02-BYT với số lượng ít nhất là 60 lít/ngày, 100% số trường mầm non và phổ thông (điểm trường chính), trạm y tế xã ở nông thôn đủ nước sạch và nhà tiêu hợp vệ sinh, được quản lý và sử dụng tốt. Hiện, cả nước có khoảng 15.093 công trình cấp nước sạch tập trung với các mô hình quản lý khác nhau: cộng đồng 48%; Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường tỉnh chiếm 19%; tư nhân 11%; UBND xã 12%; doanh nghiệp 5%; HTX 3% và các Ban quản lý 2%. Tuy nhiên, mức độ bền vững của các công trình ở các vùng, miền có khác nhau. Tỷ lệ công trình kém và không hoạt động chủ yếu ở các tỉnh miền núi phía bắc, Bắc Trung Bộ, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.

Ngoài những mô hình cấp nước sinh hoạt cho người dân thuộc khối doanh nghiệp Nhà nước, nhiều mô hình tốt của tư nhân tham gia cung cấp nước sạch nông thôn đã xuất hiện ở một số tỉnh như Ðồng Tháp, Tiền Giang, Long An, Hà Nam, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương... Ước tính cả nước hiện có khoảng 500 hệ thống cấp nước nông thôn do khu vực tư nhân đầu tư, cấp nước cho hơn 500 nghìn người dân. Số lượng, quy mô và vốn đầu tư các dự án của khu vực tư nhân ngày càng lớn như Hà Nam có 11 doanh nghiệp. Ðặc biệt, tỉnh Thái Bình đã có những chính sách đột phá hỗ trợ tư nhân theo phương thức kết quả đầu ra (hỗ trợ ba triệu đồng/m3 công suất của nhà máy), cho nên hiện đã có 17 doanh nghiệp đăng ký đầu tư xây dựng 19 công trình, với tổng vốn 1.085 tỷ đồng.

Những hạn chế

Ðến nay, mặc dù đạt được nhiều thành tích, kết quả, nhưng Chương trình vẫn còn một số bất cập, hạn chế. Tỷ lệ trường học có công trình cấp nước và nhà tiêu hợp vệ sinh, tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn quốc gia còn thấp, khó có khả năng đạt mục tiêu của Chương trình vào năm 2015. Mức độ tiếp cận của người dân vẫn có sự chênh lệch lớn giữa các vùng, miền. Tính bền vững của công trình cấp nước và vệ sinh ở nhiều nơi còn hạn chế, thậm chí ở một số địa phương, nhất là các tỉnh miền núi có tỷ lệ công trình hoạt động hiệu quả không cao, đã làm giảm tác dụng của chương trình, gây dư luận và bức xúc trong xã hội.

Tại một số tỉnh Tây Nguyên, nhiều công trình cấp nước sạch nông thôn theo Chương trình 134, 135 gần đây bị hỏng, nguyên nhân là do mục tiêu đầu tư, quá trình thực hiện đầu tư, phân cấp quản lý không chặt chẽ, công trình hư hỏng nhưng không được kịp thời sửa chữa do quản lý chồng chéo. Bên cạnh đó, thu nhập của bà con còn thấp và không đồng đều, do vậy nguồn thu phí sử dụng nước sạch không cao, không có đủ kinh phí để vận hành công trình.

Chia sẻ những khó khăn, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Ðức Phát cho biết, ngân sách Nhà nước mỗi năm chỉ đầu tư cho mỗi tỉnh được khoảng 20-30 tỷ đồng. Do đó, để đạt mục tiêu đề ra, các địa phương phải nỗ lực xã hội hóa nguồn đầu tư cho chương trình nước sạch. Không thể chờ kinh phí của trung ương rót xuống rồi mới triển khai mà phải thu hút, huy động được các thành phần kinh tế và người dân cùng tham gia... Bộ đề nghị các địa phương cần lồng ghép chương trình này với các chương trình khác để đạt các tiêu chí đặt ra về nước sạch và vệ sinh môi trường, đồng thời ưu tiên việc nâng cấp, vận hành hiệu quả những công trình nước sạch đã có ở địa phương. Cần chú ý, lựa chọn mô hình quản lý, vận hành các công trình sau đầu tư phù hợp, đây là yếu tố quyết định sự hoạt động bền vững của công trình. Thêm vào đó, cần chuyển từ phương thức phục vụ sang dịch vụ, do các đơn vị chuyên nghiệp thực hiện, từng bước xã hội hóa công tác cấp nước sinh hoạt cho người dân. Hiện nay, nguồn nước sinh hoạt của người dân nhiều nơi, cả nông thôn và thành phố chưa bảo đảm chất lượng, nhất là nguồn nước bị ô nhiễm nghiêm trọng.

Giải pháp khắc phục

Tại cuộc giao ban trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố về "Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn" vừa tổ chức tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh, nước sạch và môi trường là những mục tiêu cơ bản về nhu cầu của người dân - đây cũng là mục tiêu thiên niên kỷ tác động đến sự phát triển giống nòi. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, ô nhiễm nước mặt ngày càng nghiêm trọng, thêm vào đó, yêu cầu về chất lượng nước sạch ngày càng cao trong khi số công trình không hoạt động chiếm tỷ lệ 9%, 18% số công trình hoạt động kém hiệu quả là điều khó chấp nhận.

Ðể khắc phục tình trạng này, các bộ, ngành liên quan cần rà soát lại chất lượng công trình, công trình nào bị hư hỏng mà người dân thật sự có nhu cầu thì phải tìm mọi biện pháp khắc phục. Bên cạnh đó, cần xã hội hóa đầu tư, kêu gọi nguồn vốn đầu tư từ các doanh nghiệp tư nhân. Hiện doanh nghiệp tư nhân đầu tư vào các công trình cấp nước sạch tập trung nông thôn còn ít bởi năng lực tài chính yếu. Do vậy, cần cải thiện cơ chế, chính sách để khuyến khích áp dụng mô hình hợp tác công - tư, khuyến khích các doanh nghiệp tư nhân có năng lực đầu tư vào các công trình cấp nước tập trung nông thôn. Ðể thu hút nhiều doanh nghiệp tư nhân tham gia, cần có hành lang pháp lý cụ thể hơn. Vì vậy, Chính phủ cần sớm ban hành Nghị định về hợp tác công - tư (PPP) làm cơ sở pháp lý để hướng dẫn, thúc đẩy sự tham gia của khu vực tư nhân trong lĩnh vực nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn. Ưu tiên nguồn vốn (bao gồm cả ODA), đối ứng cho các dự án đầu tư công - tư, phục hồi và nâng cấp các hệ thống cấp nước tập trung.

Mặt khác, các địa phương cần làm tốt công tác quy hoạch các công trình cấp nước và vệ sinh môi trường, không để đầu tư tự phát. Xây dựng mô hình điểm về công trình cấp nước sạch, xử lý vệ sinh môi trường. Không chỉ chú trọng xây dựng mới, mà phải quản lý, bảo dưỡng tốt các công trình cấp nước đã được xây dựng, trong đó quy định rõ thời gian, trình tự và các nội dung bảo trì, bảo dưỡng, sửa chữa và thay thế các công trình, thiết bị. Thêm vào đó, cần gắn chương trình này với xây dựng nông thôn mới, bảo đảm đời sống người dân vùng nông thôn.