Bảo đảm tính thực tiễn trong thi hành Luật Bảo vệ môi trường

Trên cơ sở những ý kiến đóng góp của các cơ quan, tổ chức, hội, hiệp hội doanh nghiệp, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang chỉnh lý hoàn thiện dự thảo Nghị định Quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường (gọi tắt là dự thảo Nghị định) để trình Chính phủ ban hành theo đúng thời gian quy định.

Bảo đảm tính thực tiễn trong thi hành Luật Bảo vệ môi trường

Luật Bảo vệ môi trường 2020 được Quốc hội thông qua ngày 17/11/2020 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2022. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chủ trì, phối hợp các bộ, ngành, địa phương, chuyên gia xây dựng dự thảo Nghị định và lấy ý kiến rộng rãi trên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ và của Bộ Tài nguyên và Môi trường từ ngày 15/6/2021.

Sau khi đăng tải dự thảo Nghị định một số tổ chức, hiệp hội doanh nghiệp có ý kiến cho rằng: Thủ tục cấp Giấy phép môi trường trong dự thảo Nghị định rất phức tạp, phát sinh nhiều thủ tục hành chính, không rõ ràng rất dễ tạo cơ chế “xin - cho”. Hay việc tích hợp bảy loại giấy phép thành một giấy phép nhìn qua tưởng là cải cách, nhưng thực ra chỉ là bảy nội dung gộp vào một tờ giấy phép, song lại là nguy cơ gây tăng thủ tục hành chính. Vì khi chỉ một nội dung trong bảy nội dung thay đổi, thì doanh nghiệp lại phải đi xin cấp lại Giấy phép môi trường với các thủ tục phức tạp, làm gia tăng gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp.

Phó Tổng cục trưởng Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Nguyễn Hưng Thịnh, đại diện Tổ Biên tập cho biết: Những ý kiến nhận xét, kiến nghị của các Hiệp hội nêu trên là chưa có đầy đủ thông tin về tinh thần đổi mới, cải cách thủ tục hành chính của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, cũng như dự thảo Nghị định. Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành có 53 thủ tục hành chính (từ trung ương đến địa phương), đến Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và dự thảo các văn bản hướng dẫn có 35 thủ tục hành chính. Như vậy, hiện đã giảm được 18 thủ tục hành chính (giảm 34%, vượt mục tiêu mà Nghị quyết 68/NQ-CP ngày 12/5/2020 của Chính phủ đề ra) đối với việc tích hợp bảy loại giấy phép thành một giấy phép.

Đáng chú ý, Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 và pháp luật có liên quan (Tài nguyên nước, Thủy lợi) thì có bảy loại giấp phép bao gồm: Giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường; giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất; giấy phép xả khí thải công nghiệp; giấy phép xử lý chất thải nguy hại; giấy phép xả nước thải vào nguồn nước; giấy phép xả nước thải vào công trình thủy lợi; sổ đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại.

Tuy nhiên, theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và dự thảo Nghị định doanh nghiệp chỉ phải thực hiện thủ tục đề nghị cấp một loại giấy phép môi trường. Giấy phép môi trường sẽ tích hợp các nội dung về công trình bảo vệ môi trường (gắn với hoạt động xả thải), hoạt động xử lý chất thải nguy hại, hoạt động quản lý phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất và quản lý chất thải phát sinh. Còn các nội dung liên quan đến xả nước thải, khí thải theo quy định hiện hành sẽ được bãi bỏ để tránh trùng lắp trong thực hiện thủ tục hành chính của doanh nghiệp. Đây là một trong những nội dung cải cách lớn của Luật Bảo vệ môi trường và đang được cụ thể hóa trong dự thảo Nghị định lần này.

Đối với nội dung về trình tự, thủ tục cấp đổi, điều chỉnh, cấp lại Giấy phép môi trường, Tổ Biên tập đề xuất chỉnh lý theo hướng quy định rõ các trường hợp, đơn giản hóa về hồ sơ, thời gian giải quyết đối với các trường hợp cấp lại Giấy phép này; chỉnh lý theo hướng quy định rõ các trường hợp thành lập hội đồng thẩm định, đoàn kiểm tra Giấy phép môi trường; đề xuất chỉnh lý nội dung về thời gian thẩm định cấp Giấy phép môi trường nhằm bảo đảm không có sự tùy tiện kéo dài thời gian thẩm định hoặc nhiều lần thông báo chỉnh sửa, bổ sung như lo ngại của các hiệp hội.

Ngoài ra, về lộ trình hạn chế sản phẩm nhựa dùng một lần, Tổ Biên tập sẽ đề xuất theo hướng chỉ hạn chế nhựa sử dụng một lần và túi ni-lông khó phân hủy phục vụ mục đích sinh hoạt, không hạn chế đối với bao bì đóng gói, vật liệu; chỉ hạn chế nhựa sử dụng một lần và bao bì nhựa khó phân hủy sinh học theo kinh nghiệm của quốc tế và điều kiện thực tế của Việt Nam.

Tại buổi làm việc với Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường về dự thảo Nghị định, đại diện 11 Hội, Hiệp hội doanh nghiệp tiếp tục đề nghị các quy định trong dự thảo Nghị định cần phải thật sự rõ ràng, khả thi, đúng mục đích, hiệu quả thì ngay lập tức sẽ huy động, thu hút được các nguồn lực của các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài.

Thủ tục hành chính cũng cần được hiện đại hóa, điện tử hóa để giảm thời gian, công sức cho người dân, doanh nghiệp; đồng thời quá trình cấp Giấy phép môi trường cho doanh nghiệp cần được quy định rõ các bước tiến hành, thời gian được cấp phép, thời gian thẩm định; Quy định về hồ sơ cấp Giấy phép môi trường cần nêu rõ những văn bản, giấy tờ cần có để hoàn thiện hồ sơ, để tránh cho các doanh nghiệp phải đi “gõ cửa nhiều nơi”, gây mất thời gian và cơ hội đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp.

Theo Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã thể chế hóa nhiều chủ chương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước, có nhiều chế định mới bảo đảm “Không đánh đổi môi trường lấy phát triển kinh tế bằng mọi giá”. Đồng thời, cắt giảm và cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh. Việc khẩn trương xây dựng và hoàn thiện dự thảo Nghị định để trình Chính phủ ban hành là nhiệm vụ ưu tiên, cấp bách để nhanh chóng đưa các quy định của Luật vào cuộc sống.

Do vậy, trên cơ sở các kiến nghị, góp ý đến từ các cơ quan, tổ chức, hội, hiệp hội doanh nghiệp, bộ phận soạn thảo tiếp tục tiếp thu và chỉnh sửa. Trong đó cần lưu ý, những vấn đề chung sẽ đưa vào trong Nghị định, những vấn đề chi tiết hơn và thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường sẽ đưa vào trong thông tư hướng dẫn. Tuy nhiên, việc xây dựng Nghị định phải tuân thủ đúng nội dung, chính sách của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.