11 quốc gia thông qua Tuyên bố chung phát triển bền vững biển Đông Á

NDO -

Tại Diễn đàn Bộ trưởng trong khuôn khổ Đại hội biển Đông Á (East Asian Seas Congress - EASC) lần thứ 7, 11 nước thành viên đã thông qua Tuyên bố cấp Bộ trưởng Preah Sihanouk.

Đoàn Việt Nam thông qua tuyên bố chung cấp Bộ trưởng.
Đoàn Việt Nam thông qua tuyên bố chung cấp Bộ trưởng.

Ngày 2/12, Diễn đàn Bộ trưởng trong khuôn khổ Đại hội biển Đông Á (East Asian Seas Congress - EASC) lần thứ 7 đã diễn ra với hình thức trực tuyến với sự chủ trì của ông Say Samal, Bộ trưởng Môi trường Campuchia.

Tham gia diễn đàn có các quan chức Chính phủ cấp cao từ các 11 quốc gia thành viên, Ủy ban điều hành Quản lý môi trường các vùng biển Đông Á, đối tác phi quốc gia, tổ chức phi chính phủ…

Đoàn Việt Nam do ông Lê Minh Ngân, Thứ trưởng Tài nguyên và Môi trường làm Trưởng đoàn. Các thành viên gồm đại diện Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, Tổng cục Môi trường, Trung tâm Truyền thông Tài nguyên và môi trường, Văn phòng Bộ.

Tuyên bố chung cấp Bộ trưởng về phát triển bền vững biển Đông Á -0
Ông Lê Minh Ngân, Thứ trưởng Tài nguyên và Môi trường, Trưởng đoàn Việt Nam phát biểu tại diễn đàn. 

Đại hội biển Đông Á lần thứ 7, thuộc khuôn khổ Quan hệ đối tác Quản lý môi trường các vùng biển Đông Á (PEMSEA) được tổ chức vào ngày 1 và 2/12 tại Campuchia. Chủ đề của Đại hội là “Hướng tới Chương trình Phát triển xanh: Các hệ sinh thái đại dương khỏe mạnh và Thịnh vượng chung”, đồng thời, khởi động Lộ trình PEMSEA 2030 thông qua Tuyên bố cấp Bộ trưởng.

Diễn đàn Bộ trưởng lần thứ 7 là một phần trong các sự kiện trọng điểm của Hội nghị Biển Đông Á 2021, nhằm mục đích: nêu bật những tiến bộ mà khu vực EAS đạt được thông qua quan hệ đối tác PEMSEA về việc thực hiện khuôn khổ hành động chung của khu vực - Chiến lược Phát triển Bền vững cho Biển Đông Á (SDS-SEA); ghi nhận những tác động cũng như cơ hội xây dựng trở lại mạnh mẽ hơn và xanh hơn từ đại dịch toàn cầu, cũng như các mối quan ngại dai dẳng và mới nổi khác trong khu vực; đồng thời, khởi động Lộ trình PEMSEA đến năm 2030.

Phát biểu tại diễn đàn, ông Lê Minh Ngân, Thứ trưởng Tài nguyên và Môi trường cho biết, với sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, đặc biệt là PEMSEA, Việt Nam đã thực hiện thành công Chiến lược Phát triển bền vững các biển Đông Á, cụ thể là: Nhân rộng Quản lý tổng hợp vùng bờ tại các địa phương ven biển; ban hành và thực hiện Chiến lược quản lý tổng hợp đới bờ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; ban hành Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; xây dựng và công bố Báo cáo quốc gia về hiện trạng biển và vùng bờ; Hướng tới nền kinh tế biển xanh 2018; Báo cáo Hiện trạng môi trường biển và hải đảo quốc gia, giai đoạn 2016- 2020; thành lập có chế điều phối đa quốc gia và địa phương.

Hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang triển khai việc lập quy hoạch không gian biển quốc gia và quy hoạch tổng thế khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ dựa trên cách tiếp cận hệ sinh thái; xây dựng Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo.

Thứ trưởng Lê Minh Ngân cho biết, Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là minh chứng thể hiện cam kết của Việt Nam về phát triển bền vững, cụ thể là đạt được các mục tiêu của Chương trình Nghị sự 2030 về Phát triển bền vững 2030 của Liên hợp quốc (SDGs) và các cam kết quốc tế khác như Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (UNFCCC), Khung Đa dạng sinh học toàn cầu sau năm 2020 và các cam kết quốc tế, khu vực liên quan khác.

“Việt Nam mong muốn được hợp tác với tất cả các nước trong khu vực để cùng nhau hành động, chia sẻ các kinh nghiệm, thực tiễn tốt nhằm hướng tới mục tiêu chung là phát triển bền vững khu vực các biển Đông Á. Việt Nam cam kết tiếp tục ủng hộ và đẩy mạnh việc thực hiện Chiến lược Phát triển bền vững các biển Đông Á tại Việt Nam”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Tại diễn đàn, đại diện 11 quốc gia thành viên đã ký kết Tuyên bố chung cấp Bộ trưởng Preah Sihanouk nhằm hướng tới một nền quản trị đại dương có trách nhiệm và mạnh mẽ dựa trên các nguyên tắc phát triển bền vững và nền kinh tế xanh…

Tuyên bố chung cấp Bộ trưởng về phát triển bền vững biển Đông Á -0
11 quốc gia thông qua tuyên bố chung cấp Bộ trưởng.

Tuyên bố cấp Bộ trưởng EAS lần thứ 7 nêu rõ các cam kết như:

Tái khẳng định và xây dựng dựa trên các Tuyên bố hoặc cam kết cấp Bộ trưởng trước đây của khu vực nhằm hỗ trợ việc thực hiện SDS-SEA và các thỏa thuận quốc tế quan trọng.

Nhận thức được các tác động và cơ hội của đại dịch toàn cầu; Đánh dấu sự tiến bộ trong khu vực thông qua nền tảng hợp tác và đối tác PEMSEA cũng như các năng lực chính của PEMSEA (hoàn thành các báo cáo khu vực vùng bờ và mười báo cáo Quốc gia về hiện trạng biển và vùng bờ- SOC về Kinh tế xanh; mở rộng quy mô quản lý tổng hợp vùng ven biển (ICM) bao gồm khoảng 40% đường bờ biển của khu vực và các khu vực đầu nguồn tiếp giáp; tạo điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng, thông qua và thực hiện các chính sách, kế hoạch hành động và chương trình về ven biển, sông ngòi, các khu vực đầu nguồn liên quan và các hệ sinh thái đại dương).

Nhận thức được những thách thức dai dẳng và đang nổi lên trong khu vực và cần tiếp tục hợp tác và hành động trong khu vực.

Cam kết triển khai thực hiện Lộ trình PEMSEA đến năm 2030 và Kế hoạch thực hiện SDS-SEA 2023-2027, được định hướng bởi các mục tiêu/ưu tiên chiến lược chính về đại dương, con người và nền kinh tế khỏe mạnh; Kêu gọi các nước khu vực hành động nhằm xây dựng lại tốt hơn khắc phục khỏi tác động của đại dịch toàn cầu thông qua quan hệ đối tác tăng cường; hướng tới một nền quản trị đại dương có trách nhiệm và mạnh mẽ dựa trên các nguyên tắc phát triển bền vững và nền kinh tế xanh.