Giữ cho rừng mãi xanh

NDO -

Nhiều năm liền, rừng của tỉnh Bình Phước không những được giữ vững mà còn không ngừng tăng diện tích nhờ tỉnh đã tập trung nghiên cứu, triển  khai công tác trồng rừng bán ngập tại các lòng hộ thủy điện; đồng thời, mạnh dạn giao khoán cho người dân sống gần rừng để bảo vệ rừng theo phương châm “bốn tại chỗ”.

Tổ cộng đồng nhận khoán bảo vệ rừng thôn 5, xã Ðồng Nai, huyện Bù Ðăng tuần tra bảo vệ rừng.
Tổ cộng đồng nhận khoán bảo vệ rừng thôn 5, xã Ðồng Nai, huyện Bù Ðăng tuần tra bảo vệ rừng.

“Chúng tôi sinh ra và lớn lên trong những ngôi nhà ở ven rừng, sống dựa vào rừng. Khi rừng nghèo kiệt, cuộc sống của chúng tôi cũng nghèo theo. Bây giờ, chúng tôi cũng sống dựa vào rừng nhưng khác hoàn toàn với ngày xưa. Sống tách biệt với rừng, hằng ngày đi bảo vệ rừng và có thu nhập từ tiền nhận giao khoán bảo vệ rừng. Ðây là khoản thu nhập không lớn nhưng rất bền vững. Ngoài ra, chúng tôi còn được “rừng ban tặng lộc”- đó là lá nhíp, đọt mây, măng tre… để làm giàu thêm bữa ăn hằng ngày”, anh Ðiểu Thâm, Tổ trưởng tổ nhận khoán bảo vệ rừng phòng hộ Bù Ðăng (thôn 5, xã Ðồng Nai, huyện Bù Ðăng, tỉnh Bình Phước) cho biết. 

Trả nợ cho rừng

Một ngày đầu tháng 6, chúng tôi theo chân các thành viên tổ nhận khoán bảo vệ rừng phòng hộ Bù Ðăng ở thôn 5, xã Ðồng Nai, huyện Bù Ðăng, tỉnh Bình Phước. Sống ở gần rừng trời dường như cũng tối nhanh hơn vì núi đồi, cây cối nhiều. Bây giờ là mùa mưa, cứ về chiều gió nổi lên, mây đen kéo đến và những cơn mưa nặng hạt trút xuống. Hôm nay, anh Ðiểu Thâm, Tổ trưởng tổ nhận khoán bảo vệ rừng phòng hộ Bù Ðăng đến phiên cùng các thành viên tuần tra bảo vệ rừng đêm. Ăn vội bữa cơm tối đạm bạc, anh Thâm chuẩn bị tư trang cho mình gồm nước uống, đèn pin, dao rựa, quần áo bảo hộ và không quên hộp nhang muỗi mang theo bên mình để sẵn sàng cho một đêm dài trong rừng.

Ðúng giờ, các thành viên trong tổ của anh Thâm có mặt đầy đủ tại chốt để giao ca. Trước khi xuất phát, tổ trưởng dành ít phút ngắn ngủi để họp, dặn dò anh em cách thức tuần tra an toàn, các phương án xử lý nếu có tình huống xảy ra. Anh Ðiểu Hợp, một thành viên tổ nhận khoán bảo vệ rừng ở thôn 5, xã Ðồng Nai cho biết: “Mùa nắng thì lo “giặc lửa”, mùa mưa lo kẻ xấu lợi dụng đêm tối vào phá rừng. Biết là khó khăn vì phải đêm hôm, đi khuya; tuy nhiên, anh em trong tổ không ai bảo ai, chủ động sắp xếp thời gian để tham gia tuần tra bảo vệ rừng đầy đủ”.

Cộng đồng nhận khoán bảo vệ rừng thôn 5 có 45 hộ là người dân tộc Mơ Nông. Từ năm 2017, cộng đồng nhận khoán bảo vệ 1.227ha rừng phòng hộ Bù Ðăng. Ðể làm tốt công việc của mình, các thành viên đã tự chia làm 14 tổ, với hai điểm chốt trực, thời gian 7 giờ sáng đến 5 giờ chiều tất cả các ngày trong tuần. Ngoài ra, cộng đồng còn thành lập tổ bảo vệ rừng lưu động với sáu thành viên để đi tuần tra vào ban đêm.

Các thành viên này đều là những người có sức khỏe, thông thạo đường rừng. Anh Ðiểu Thương, thành viên tổ cộng đồng nhận khoán bảo vệ rừng thôn 5, xã Ðồng Nai nhớ lại: Trước đây, do cuộc sống khó khăn, bản thân chuyên đi hạ cây rồi dùng xe trâu chở về bán cho thương lái lấy tiền đong gạo. Sau này rừng dần nghèo đi, chim thú cũng cạn kiệt, dân làng ở đây cũng nghèo đói. Từ khi Nhà nước cấm vào rừng, tôi làm nghề tự do cuộc sống rất khó khăn. Biết có chương trình cho nhận khoán bảo vệ rừng, tôi xung phong tham gia. Hằng ngày cùng anh em trực theo lịch phân công, buổi tối tranh thủ đi tuần tra trong rừng, thời gian cao điểm đi liên tục.

Công việc này dù vất vả, nhưng bản thân mình cảm thấy thoải mãi hơn vì được chung sức bảo vệ rừng và có thêm thu nhập cho gia đình.

Vườn quốc gia Bù Gia Mập là khu rừng nguyên sinh lớn nhất tỉnh Bình Phước, là khu vực vùng sâu, vùng xa có nhiều dân tộc thiểu số sinh sống. Từ năm 2009, Ban quản lý Vườn quốc gia Bù Gia Mập đã thu hút được chín cộng đồng và bốn Ðồn Biên phòng đóng chân trên địa bàn tham gia bảo vệ rừng với hơn 300 lao động. Hơn 10 năm qua, ông Ðiểu Mun, Bí thư Chi bộ thôn 8 (xã Bù Gia Mập, huyện Bù Gia Mập) và 68 thành viên khác của tổ nhận khoán bảo vệ rừng của Vườn quốc gia Bù Gia Mập đã thông thạo đường rừng, thuộc tên từng loài cây, nhớ vị trí của từng cây cổ thụ.

Tổ của ông được giao bảo vệ rừng giáp tỉnh Ðắk Nông, đây là khu vực khá phức tạp về tình trạng phá rừng, săn bắn, bẫy bắt động vật hoang dã. Từng công tác trong ngành công an nên ông Ðiểu Mun chủ động, linh hoạt các giải pháp bảo vệ rừng. Ðịa bàn xa, rừng rộng nên mỗi lần vào rừng, các thành viên sẽ ở lại khoảng sáu đến bảy ngày, do đó cần phải đem theo tư trang, nhu yếu phẩm cần thiết. Ở trong rừng, lo ngại nhất là gặp những trận mưa rừng kéo dài là không nấu được cơm ăn, hoặc gặp thú dữ, cho nên tất cả thành viên của tổ phải đoàn kết để đối phó với những diễn biến xấu.

Ðiểu Sư ở thôn Bù Lư, xã Bù Gia Mập, huyện Bù Gia Mập nhớ lại: “Vào giữa năm 2018, tổ chúng tôi gồm bảy người đi tuần tra đêm. Ðến khoảng 12 giờ đêm, chúng tôi phát hiện có nhóm lâm tặc đang cắt cây. Ðấu tranh với lâm tặc trong đêm tối, tôi bị đâm trúng bụng phải đưa đi cấp cứu và điều trị gần một tháng”. Tuy nhiên, vết thương không ngăn nổi những bước chân bảo vệ rừng của Ðiểu Sư. 

Trồng cây gây rừng

Dưới những tác động cực đoan của biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và phát triển rừng bền vững đang là xu hướng chung của nhân loại. Vì vậy, ngoài việc tăng cường bảo vệ diện tích rừng hiện có, tỉnh Bình Phước đã đẩy mạnh mở rộng diện tích rừng trồng, nhất là trồng rừng bán ngập. Bình Phước có khoảng 2.000ha đất bán ngập, phân bố chủ yếu dọc lòng hồ thủy điện Cần Ðơn và Thác Mơ (thuộc địa phận huyện Bù Ðốp, Bù Gia Mập, Bù Ðăng và thị xã Phước Long).

Ông Nguyễn Văn Ách, nguyên Hạt trưởng kiểm lâm Bù Ðốp là một trong những người trồng cây đầu tiên để tạo ra cánh rừng bán ngập như ngày hôm nay tại Bình Phước. Ông Nguyễn Văn Ách nói: Nhu cầu về năng lượng điện đã làm ảnh hưởng đến môi trường rất nhiều, khiến diện tích rừng bị thu hẹp. Do đó, nếu tận dụng được các diện tích bán ngập ở lòng hồ để trồng cây rừng tạo tán che phủ; đồng thời, chống xói mòn đất sẽ giảm bớt ảnh hưởng tiêu cực của các công trình thủy điện đến môi trường. Nghĩ vậy, nên tôi cùng anh em bắt đầu thực hiện mô hình này.

 Những ngày trồng rừng bán ngập, ông Ách phải tìm hiểu các loại cây chống chịu nước tốt lại phù hợp với thổ nhưỡng ở Bình Phước. Sau nhiều công sức nghiên cứu, ông quyết định đưa cây gáo vàng và tràm nước về trồng. Nước rút, ông cùng nhân viên của Hạt Kiểm lâm Bù Ðốp xắn quần trồng cây.

Tuy nhiên, do chưa có kinh nghiệm nên tỷ lệ thành công không được bao nhiêu. Phần vì trồng cây quá thấp, khi thủy điện tích nước cây bị ngập sâu nhiều ngày dẫn đến chết. Ðối với những cây còn sống thì cũng nghiêng ngả, sống èo uột. Thấy vậy, ông Ách cùng anh em chặt cây lồ ô chống cho cây thẳng lại. Sau nhiều lần trồng rừng, cuối cùng ông Ách đã có kinh nghiệm trong trồng rừng bán ngập. Phần ngập sâu trồng cây gáo vàng cao trên 1m, phần ngập ít trồng tràm nước.

Cứ như thế, sau bảy năm, gần 140ha rừng bán ngập thuộc các tiểu khu 72, 73, 74 khu vực lòng hồ thủy điện Cần Ðơn do Hạt Kiểm lâm Bù Ðốp quản lý đã được phủ xanh bởi cây tràm và gáo vàng. Trong đó, 30ha cây gáo vàng ở tiểu khu 72 phát triển xanh tốt, đường kính cây lên đến 20cm, độ cao từ 5-6m, đạt tỷ lệ che phủ cao. Từ khi rừng bán ngập phát triển, hệ sinh thái ở đây cũng khá đa dạng, xuất hiện nhiều hơn các loài vật lưỡng cư.

Với hệ sinh thái đa dạng, độc đáo, rừng nguyên sinh ở Bình Phước vẫn được giữ nguyên vẹn, đem lại nhiều nguồn lợi to lớn cho địa phương. Tỉnh đã có nhiều biện pháp khuyến khích các đơn vị phát triển du lịch sinh thái và hiện đang từng bước tạo dựng được thương hiệu với những sản phẩm gắn với rừng ở Bình Phước đặc trưng, riêng biệt. Vườn quốc gia Bù Gia Mập đang triển khai thu hút khách đến tham quan, trải nghiệm, khám phá rừng nguyên sinh với hệ động, thực vật phong phú, nhiều thác nước đẹp; rừng ở Tà Thiết (huyện Lộc Ninh) đang được khai thác phát triển du lịch di tích kết hợp sinh thái; rừng ở Bà Rá (thị xã Phước Long) du lịch tâm linh kết hợp trải nghiệm, khám phá.

Hằng năm, rừng ở Bình Phước đang thu hút hàng chục nghìn lượt đoàn, nhóm du khách trong và ngoài tỉnh về đây trải nghiệm. Với các biện pháp phát triển rừng bền vững, hy vọng trong tương lai gần, các nguồn thu từ du lịch sinh thái, dịch vụ môi trường rừng sẽ tăng lên góp phần cải thiện cuộc sống của những người giữ rừng.