Chung tay hành động vì khí hậu

Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) sắp diễn ra tại Anh vào tháng 11 tới. Hiện, nhiều nước đang tăng tốc trong triển khai các nỗ lực giảm lượng khí phát thải, nhằm góp phần tạo những bước tiến đột phá và thực chất cho hội nghị quan trọng này.

Nhiều nước đẩy nhanh nỗ lực giảm lượng khí thải. Ảnh: Reuters
Nhiều nước đẩy nhanh nỗ lực giảm lượng khí thải. Ảnh: Reuters

Trước thềm Hội nghị COP26, hơn 20 nước đã tham gia sáng kiến Cam kết cắt giảm khí methane toàn cầu, được Mỹ và Liên hiệp châu Âu (EU) khởi xướng, nhằm tạo xung lực mạnh mẽ để hội nghị về khí hậu này thành công. Mục tiêu của sáng kiến nêu trên là tới năm 2030 sẽ giảm được 30% lượng khí thải methane so với mức của năm 2020. Khí methane là tác nhân lớn thứ hai, sau khí CO2, gây ra tình trạng biến đổi khí hậu. Một tín hiệu đáng mừng là nhiều tổ chức từ thiện cũng chung tay góp sức giúp triển khai hiệu quả sáng kiến về cắt giảm khí methane toàn cầu. Hơn 20 tổ chức từ thiện, bao gồm cả những tổ chức của các tỷ phú Michael Bloomberg và Bill Gates, thông báo kế hoạch huy động tài chính để hỗ trợ các nước giảm lượng khí thải methane.

Cùng với đó, các nước cũng thể hiện quyết tâm đẩy mạnh cuộc chiến chống biến đổi khí hậu thông qua những chính sách cụ thể, quyết liệt và tham vọng hơn. New Zealand mới đây công bố kế hoạch cắt giảm khí thải carbon, hướng đến mục tiêu đưa mức phát thải ròng về bằng 0 vào năm 2050. Kế hoạch này bao gồm đề xuất giảm 20% lượng ô-tô lưu thông và chuyển đổi sang xe điện vào năm 2035, giảm giá vé phương tiện giao thông công cộng, trợ giá mua xe điện cho người có thu nhập thấp, loại bỏ việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch... Còn tại Australia, Hội đồng Khí hậu nước này cũng kiến nghị chính phủ sớm công bố kế hoạch chi tiết nhằm đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Cơ quan này công bố báo cáo cho thấy, Australia sẽ mất khoảng 70.000 việc làm và 4,5 tỷ AUD đóng góp vào tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) mỗi năm, nếu Canberra thiếu các hành động quyết đoán về khí hậu.

Nhiều kỳ vọng được dành cho Hội nghị COP26 vào tháng 11 tới, sự kiện sẽ quy tụ đông đảo đại diện từ các quốc gia trên thế giới. Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres khẳng định, Hội nghị COP26 là cơ hội quan trọng để hoàn thiện cam kết nêu trong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Tổng Thư ký Antonio Guterres cũng cho rằng, các gói giải pháp chính trị được đưa ra tại Hội nghị COP26 cần hội tụ ít nhất ba yếu tố quan trọng, đó là giảm khí phát thải, tăng tài trợ cho hành động vì khí hậu ở các nước đang phát triển và thích ứng với biến đổi khí hậu. Trong khi đó, Giám đốc điều hành Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) Fatih Birol nhận định, các nước trên thế giới, từ Trung Quốc, Mỹ, các nước châu Âu… cho đến các nước châu Phi, đều có những động lực mạnh mẽ khi tham dự Hội nghị COP26; vấn đề là các nước cần chuyển hóa động lực này thành hành động thực tế trên phạm vi toàn cầu thay vì chỉ dừng lại ở những sáng kiến đơn lẻ, đồng thời cũng cần lên kế hoạch rõ ràng về việc sử dụng năng lượng.

Theo Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus, đại dịch Covid-19 đã làm sáng tỏ những mối liên hệ mật thiết nhưng mỏng manh giữa loài người, các loài động vật và môi trường chung quanh. Ðại diện WHO nêu rõ, những lựa chọn thiếu bền vững sẽ hủy hoại hành tinh và chính loài người. Bởi vậy, các nước cần khẩn trương có những hành động quyết đoán và đồng bộ, hướng đến mục tiêu chung ứng phó biến đổi khí hậu, mở đường để thế giới tiến tới một tương lai xanh và bền vững ■

HOÀNG NAM