Mối đe dọa về an ninh

Trong một báo cáo mới đây, Cơ quan cảnh sát châu Âu (Europol) cho biết, tiến công khủng bố vẫn là mối đe dọa đối với Liên minh châu Âu (EU). Đặc biệt, trong bối cảnh cuộc xung đột ở Ukraine tiếp diễn và hoạt động tuyên truyền cực đoan trên internet gia tăng trong thời gian xảy ra đại dịch Covid-19, nguy cơ khủng bố vẫn luôn hiện hữu ở “lục địa già”.
0:00 / 0:00
0:00
An ninh đang được siết chặt tại châu Âu sau cảnh báo của Europol. Ảnh: SHUTTERSTOCK
An ninh đang được siết chặt tại châu Âu sau cảnh báo của Europol. Ảnh: SHUTTERSTOCK

Theo Báo cáo xu hướng và tình hình khủng bố tại EU năm 2022 (TE-SAT) mới được Europol công bố, số vụ tiến công khủng bố bị ngăn chặn trong năm 2021 tại EU là 15 vụ, thấp hơn nhiều so 57 vụ trong năm trước. Trong năm 2021, 388 nghi phạm đã bị bắt giữ tại EU với cáo buộc liên quan khủng bố, trong đó hơn hai phần ba số vụ bắt giữ, tương đương 260 vụ được thực hiện sau các cuộc điều tra liên quan khủng bố ở Áo, Pháp và Tây Ban Nha.

Số liệu thống kê trên được đưa ra dựa trên dữ liệu định lượng do các quốc gia thành viên EU cung cấp cho Europol về các vụ tiến công khủng bố, bắt giữ và quyết định của tòa án về tội khủng bố. Các đối tác của Europol cũng cung cấp thông tin và đánh giá có giá trị bổ sung vào các kết quả của báo cáo.

Dù các vụ tiến công đã giảm, song Europol cho rằng, hậu quả của cuộc xung đột ở Ukraine và tác động của đại dịch Covid-19 trong hơn hai năm qua có thể trở thành mối đe dọa an ninh trong những năm tới. Giám đốc Europol, bà Catherine De Bolle cho biết: “Kết luận của báo cáo xác nhận rằng, chủ nghĩa khủng bố vẫn là một mối nguy hiểm thật sự và hiện tại đối với EU. Không nghi ngờ gì rằng những thay đổi địa-chính trị và hậu quả từ cuộc xung đột tại Ukraine sẽ có tác động lâu dài đến an ninh của EU. Vào thời điểm bất ổn này, EU phải duy trì các biện pháp chống khủng bố hơn bao giờ hết”.

Bà Catherine De Bolle cho rằng, cuộc xung đột ở Ukraine đã thu hút nhiều cá nhân có tư tưởng cực đoan từ các quốc gia thành viên EU và có thể gây ra những phản ứng bạo lực, đặc biệt là trên internet. Bà nhấn mạnh, các quốc gia châu Âu cần rút kinh nghiệm từ những bài học trong quá khứ khi các tay súng trở về từ những chiến trường ở Trung Đông. Ước tính khoảng bốn triệu người đã rời Ukraine kể từ khi cuộc xung đột bắt đầu, các quốc gia thành viên đã được EU đề nghị tăng cường kiểm soát quốc gia để ngăn chặn mọi nguy cơ thâm nhập của tội phạm, bao gồm những kẻ khủng bố có thể sử dụng giấy tờ giả để vào EU.

Trong khi đó, việc lực lượng Taliban tiếp quản ở Afghanistan dường như không ảnh hưởng trực tiếp đến mối đe dọa khủng bố hiện nay ở châu Âu. Song sự chú ý ngày càng tăng trên toàn cầu đối với các cuộc nổi dậy có động cơ tôn giáo đã tạo điều kiện cho các phần tử thánh chiến liên kết với al-Qaeda hoặc tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS) “có cơ hội để lan tỏa sức ảnh hưởng của chúng”.

Ngoài ra, cơ quan chuyên môn của EU cho rằng, xung đột tại Ukraine cũng có nguy cơ làm gia tăng nạn buôn lậu vũ khí, một số vũ khí trong số đó có thể được sử dụng cho mục đích phạm tội ở EU, đặc biệt là nguy cơ về vũ khí hóa học, sinh học, phóng xạ và hạt nhân. Vào năm 2021, vũ khí được sử dụng trong các cuộc tiến công khủng bố tương đối dễ tìm kiếm và không yêu cầu kỹ năng chuyên sâu để lắp ráp hoặc sử dụng. Các loại vũ khí được sử dụng trong các cuộc tiến công ở EU vào năm 2021 bao gồm dao, súng, phương tiện cơ giới (trong các cuộc lao xe) và những thiết bị gây cháy.

Bên cạnh cuộc xung đột tại Ukraine, đại dịch Covid-19 khiến thanh niên và trẻ vị thành niên dễ bị cực đoan hóa vì các biện pháp giãn cách xã hội làm họ có nhiều thời gian sử dụng internet và dễ bị lôi kéo bởi những tư tưởng cực đoan hơn. Theo Europol, một số quốc gia EU đã chứng kiến những hoạt động mang tính cực đoan chống chính phủ nổi lên theo hướng đe dọa công khai và lời lẽ mang tính thù địch trên internet.

Trước tình hình đó, giới chức các quốc gia châu Âu đã gia tăng áp lực với các tập đoàn công nghệ như Facebook, Twitter, Google… trong việc ngăn chặn phổ biến trên internet các tài liệu liên quan khủng bố, đồng thời tăng cường áp dụng những biện pháp an ninh chặt chẽ hơn.