Theo đó, Quỹ Bảo tồn di sản văn hóa là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật để hỗ trợ kinh phí cho hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa chưa được ngân sách nhà nước đầu tư, hỗ trợ hoặc đầu tư chưa đủ, bao gồm: Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể có nguy cơ mai một, thất truyền; thực hiện các công trình, hạng mục bảo quản, tu bổ, phục hồi, bảo vệ và phát huy giá trị di tích; mua, đưa di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia, di sản tư liệu, tư liệu quý hiếm về di sản văn hóa phi vật thể có nguồn gốc Việt Nam từ nước ngoài về nước; mua di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia, di sản tư liệu có giá trị của Việt Nam để bổ sung cho các sưu tập của bảo tàng, di tích.
Trong bối cảnh hạn chế về nguồn lực trùng tu, tôn tạo và phát huy di sản, nhất là hệ thống di sản phi vật thể và di tích lịch sử cách mạng, sự ra đời của mô hình tổ chức này được kỳ vọng sẽ là giải pháp cho nhiều vấn đề, tình huống phát sinh mà các quy định hiện hành của pháp luật chưa bao quát được, mở thêm cánh cửa linh hoạt và hiệu quả trong hoạt động bảo tồn, phát huy di sản.
Tuy nhiên, với quy định về nguồn tài chính của Quỹ được hình thành trên cơ sở viện trợ, tài trợ, hỗ trợ, tặng cho của tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài và các nguồn tài chính hợp pháp khác ngoài ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật, nhiều ý kiến lo ngại về sự không ổn định của nguồn thu sẽ làm hạn chế đáng kể hiệu quả của mô hình này. Nhìn sang một số lĩnh vực văn hóa khác, mô hình quỹ hỗ trợ phát triển cũng đã được quy định trong văn bản luật, nhưng chưa tìm được con đường để hiện thực hóa do vướng mắc lớn ở nguồn tài chính.
Mong rằng, khi Luật Di sản văn hóa sửa đổi chính thức có hiệu lực vào ngày 1/7/2025, với sự quan tâm ngày càng lớn của xã hội đối với di sản văn hóa, Quỹ Bảo tồn di sản văn hóa cũng sẽ sớm vượt qua được những rào cản để góp phần hiệu quả mang lại những lợi ích thiết thực cho di sản.