Mở rộng, hoàn thiện lưới an sinh xã hội phù hợp bối cảnh mới

Thời gian qua, hệ thống chính sách, pháp luật bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế tiếp tục được hoàn thiện, phù hợp tình hình phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Song hành với đó, lĩnh vực bảo hiểm xã hội đặt mục tiêu bảo đảm, mở rộng quyền lợi của người tham gia, thụ hưởng chính sách. 

Người dân thực hiện giao dịch tại Bảo hiểm xã hội huyện Tứ Kỳ, Hải Dương. (Ảnh: Quốc Vinh).
Người dân thực hiện giao dịch tại Bảo hiểm xã hội huyện Tứ Kỳ, Hải Dương. (Ảnh: Quốc Vinh).

Bảo đảm lưới an sinh xã hội

Thời gian qua, diện bao phủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế ngày càng được mở rộng, ngay cả trong bối cảnh khó khăn chung của đất nước do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 gần đây.

Mở rộng, hoàn thiện lưới an sinh xã hội phù hợp bối cảnh mới -0
Nguồn: Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

Đáng chú ý, số người tham gia bảo hiểm y tế tăng trưởng ấn tượng, cơ bản hoàn thành mục tiêu bao phủ toàn dân. Số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện đã đạt vượt chỉ tiêu đề ra tại Nghị quyết số 28-NQ/TW; diện bao phủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đã tập trung vào các nhóm yếu thế.

Mở rộng, hoàn thiện lưới an sinh xã hội phù hợp bối cảnh mới -0
Nguồn: Bảo hiểm xã hội Việt Nam. 

Tới nay, diện bao phủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp tăng trưởng nhanh qua từng năm. Số người tham gia bảo hiểm y tế đã tiến gần tới mục tiêu bao phủ toàn dân, góp phần mở rộng hiệu quả lưới an sinh xã hội tới mọi người dân, người lao động, củng cố vững chắc nền an sinh xã hội của đất nước.

Cùng với đó, Quỹ Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đã trở thành quỹ an sinh lớn nhất, được quản lý, sử dụng đúng mục đích, an toàn, hiệu quả, công khai, minh bạch dưới sự giám sát của Quốc hội, Chính phủ, Hội đồng quản lý Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

Tỷ lệ chi từ nguồn Quỹ Bảo hiểm xã hội ngày càng tăng. Theo đó, tỷ lệ chi từ ngân sách nhà nước cho bảo hiểm xã hội ngày càng giảm, khẳng định quan điểm đúng đắn của Đảng trong khuyến khích người dân nâng cao năng lực tự bảo đảm an sinh xã hội.

- Từ năm 1995 đến hết năm 2021: khoảng 135,7 triệu lượt người hưởng các chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe. Bình quân, mỗi năm có hơn 5 triệu lượt người hưởng.
- Từ năm 2010 đến hết năm 2021: hơn 8,7 triệu người hưởng các chế độ bảo hiểm thất nghiệp. Đến cuối năm 2021, khoảng 3,3 triệu người đang hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng, tăng 179% so với năm 1995.
- Từ năm 2003 đến 2021: khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế cho trên 2,2 tỷ lượt người.

Công tác giải quyết chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp được thực hiện kịp thời, đúng quy định. Đặc biệt, phương thức quản lý chuyển đổi hiệu quả từ thủ công sang hiện đại. Việc giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế căn cứ vào dữ liệu quản lý quá trình tham gia đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo đảm nguyên tắc "đóng-hưởng". Phương thức hoạt động của hệ thống ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam được đổi mới theo hướng phục vụ, đẩy mạnh giao dịch điện tử, tăng cường sử dụng các dịch vụ công ích, rút ngắn thời gian giải quyết, giảm phiền hà, bảo đảm quyền lợi cho người lao động và nhân dân.

Đặc biệt, trong hai năm 2020 và 2021, khi đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, kéo dài, Bảo hiểm xã hội Việt Nam luôn theo sát diễn biến thực tế, thích ứng nhanh, linh hoạt với tình hình dịch bệnh để triển khai hiệu quả các giải pháp nhằm bảo đảm tốt nhất quyền lợi người tham gia.

Đáng chú ý, trong điều kiện đại dịch Covid-19 ảnh hưởng nặng nề đến đời sống, lao động, việc làm của người dân và người lao động, ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam đã chủ động tích cực và quyết liệt tham gia cùng các bộ, ngành tham mưu cho Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều cơ chế, chính sách phù hợp. Nổi bật nhất là các nghị quyết: số 42/NQ-CP, số 68/NQ-CP và số 116/NQ-CP về chính sách hỗ trợ người dân, người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch.

Tổng kinh phí ngành bảo hiểm xã hội triển khai hỗ trợ theo các gói hỗ trợ của Chính phủ của Nghị quyết số 42/NQ-CP, Nghị quyết số 154/2020/NQ-CP; Nghị quyết số 68/NQ-CP và Nghị quyết số 116/NQ-CP từ các Quỹ Bảo hiểm xã hội, Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp tới người lao động, người sử dụng lao động: gần 44.786 tỷ đồng.

Với sự vào cuộc quyết liệt, toàn ngành đã tập trung mọi nguồn lực sẵn có để đẩy nhanh tiến độ giải ngân; phát huy lợi thế của hệ thống công nghệ thông tin, rút gọn tối đa các công đoạn, thủ tục và thời gian chi trả. Nhờ vậy, các chính sách hỗ trợ đã được triển khai đạt kết quả tốt, góp phần hỗ trợ hàng chục triệu người lao động, người sử dụng lao động vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống, phục hồi sản xuất, kinh doanh.

Hoàn thiện cơ sở dữ liệu về bảo hiểm của hơn 98 triệu dân

Từ năm 2015, ngành bảo hiểm xã hội đẩy mạnh triển khai ứng dụng công nghệ thông tin. Qua đó, từng bước hiện đại hóa đáp ứng yêu cầu xây dựng Chính phủ điện tử trong thời kỳ cách mạng công nghệ 4.0.

Đến nay, lĩnh vực bảo hiểm xã hội đã đạt được các kết quả ấn tượng. Cụ thể như: xây dựng được một hệ thống chính phủ điện tử thông suốt trong toàn ngành; hoàn thành việc cấp mã số định danh bảo hiểm xã hội cho 97 triệu người dân, trong đó có gần 86 triệu người tham gia bảo hiểm y tế; Hệ thống thông tin giám định bảo hiểm y tế kết nối, liên thông giữa cơ quan bảo hiểm xã hội với gần 13 nghìn cơ sở khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế (đạt gần 100%) trên phạm vi toàn quốc…

Về công tác chuyển đổi số, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã hoàn thiện kho cơ sở dữ liệu của hơn 98 triệu dân, là nền tảng cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm - một trong 6 cơ sở dữ liệu quốc gia tạo nền tảng phát triển Chính phủ điện tử. Nguồn dữ liệu này liên thông, chia sẻ dữ liệu với các bộ, ngành, nhất là kết nối, chia sẻ đồng bộ hóa dữ liệu với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; chia sẻ dữ liệu cho các cơ quan để phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19…

Ngày 16/2/1995, Chính phủ ban hành Nghị định số 19-CP thành lập Bảo hiểm xã hội Việt Nam trên cơ sở thống nhất các tổ chức bảo hiểm xã hội ở Trung ương và địa phương thuộc hệ thống lao động-thương binh và xã hội và liên đoàn lao động. Hệ thống Bảo hiểm xã hội Việt Nam được tổ chức và quản lý tập trung, thống nhất từ cấp Trung ương đến cấp quận, huyện.
Sau 27 năm, ngành bảo hiểm xã hội có gần 20 nghìn công chức-viên chức, phục vụ hơn 16,5 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, gần 88,8 triệu người tham gia bảo hiểm y tế.