Mở những lối thoát

Lạm phát, thiên tai, khủng bố… đang là những mối nguy đe dọa thế giới, đòi hỏi chính phủ các nước phải khẩn cấp đưa ra những biện pháp đối phó.
0:00 / 0:00
0:00
Australia đang xem xét nâng trần lao động nhập cư hằng năm.
Australia đang xem xét nâng trần lao động nhập cư hằng năm.

1 Chánh Văn phòng Chính phủ Nhật Bản Hirokazu Matsuno cho biết: Chính phủ hướng tới mục tiêu soạn thảo gói biện pháp vào đầu tháng 9 tới, với ngân sách nằm trong khoản 4.700 tỷ yên (35 tỷ USD) trong dự trữ quốc gia hiện nay.

Đối phó tình trạng giá cả leo thang là ưu tiên hàng đầu của chính phủ của Thủ tướng Kishida Fumio, trong bối cảnh Nhật Bản phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu năng lượng và thực phẩm-điều khiến nền kinh tế nước này dễ bị tổn thương khi giá nguyên liệu đầu vào toàn cầu tăng. Thủ tướng Kishida đã yêu cầu chính phủ tìm cách ngăn chặn đà tăng giá lúa mì nhập khẩu được bán cho các nhà bán lẻ từ tháng 10. Nếu giá toàn cầu tiếp tục tăng, giá của chính phủ bán cho các nhà bán lẻ có thể tăng thêm 20% vào tháng 10 tới. Ông cũng đã chỉ thị Bộ Nông nghiệp bảo đảm giá duy trì ở mức hiện nay cho đến hết tháng 10.

2 Chính phủ Australia đang xem xét nâng số lượng người nhập cư hằng năm, nhằm tăng cường nguồn cung lao động cho thị trường trong nước hiện lâm vào tình trạng khủng hoảng nhân lực. Kế hoạch cụ thể sẽ được Canberra công bố trong báo cáo ngân sách liên bang sẽ công bố vào tháng 10/2022. Dự kiến sẽ có thêm 40.000 lao động nước ngoài tay nghề cao được phép nhập cư vào Australia mỗi năm, nâng hạn mức trần nhập cư lên gần 200.000 người/năm.

Đề xuất trên nhận được nhiều sự hoan nghênh từ phía các nhà chính trị và doanh nghiệp, trong bối cảnh hầu hết các ngành nghề kinh tế của "xứ sở chuột túi" đều đang thiếu hụt nhân công, dẫn đến tình trạng nhiều doanh nghiệp phải cắt giảm thời gian hoạt động, thậm chí đóng cửa. Để hỗ trợ các doanh nghiệp, Chính phủ Australia đã tìm kiếm giải pháp mở rộng nguồn cung lao động bằng cách nới rộng thời gian cho phép làm việc với nhóm đối tượng là du học sinh và người cao tuổi.

3 Trình bày báo cáo trước Hội đồng Bảo an (HĐBA) Liên hợp quốc về tình hình tại Yemen, đặc phái viên Hans Grundberg cho biết mặc dù một số đề xuất đã được gửi tới các bên, song vẫn chưa có tiến triển nào trong vấn đề này. Bất chấp lệnh ngừng bắn đang có hiệu lực, việc mở lại các con đường tại tỉnh Taiz vẫn không được thực hiện, ảnh hưởng đến hoạt động cung cấp hàng viện trợ cho hàng triệu người đang cần cứu trợ khẩn cấp.

Ông Grundberg kêu gọi các bên tại Yemen nhất trí mở lại các con đường này càng sớm càng tốt vì lợi ích của người dân Taiz nói riêng và người dân Yemen nói chung. Ông nhấn mạnh việc mở các con đường dẫn đến thành phố Taiz hiện bị bao vây là vấn đề nhân đạo, và thỏa thuận ngừng bắn sẽ tạo môi trường thuận lợi để các bên có thể giải quyết vấn đề này một cách nhanh chóng.

Chính phủ được quốc tế công nhận của Yemen đã cáo buộc lực lượng Houthi cố tình không mở lại các con đường tại Taiz, coi đây là hành vi vi phạm thỏa thuận ngừng bắn. Theo Bộ trưởng Ngoại giao Yemen Ahmed bin Mubarak, hơn 4 triệu người Yemen đã bị ảnh hưởng do cuộc phong tỏa của lực lượng Houthi.

Mở những lối thoát ảnh 1
Ngày càng nhiều nông dân Pháp chuyển sang trồng cây cao lương.

4 Ngành nông nghiệp Pháp tìm hướng đi mới nhằm thích ứng với hạn hán. Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp, với việc nhiều nông dân tại Pháp đang chuyển hướng sang canh tác cây cao lương, sản lượng cây trồng này đã tăng từ 244.000 tấn lên gần 400.000 tấn trong giai đoạn 2016-2021. Trong khi đó, trên quy mô toàn châu Âu, sản lượng ước đạt gần 800.000 tấn trong giai đoạn 2021-2022.

Theo Công ty phân tích và dự báo ngành nông nghiệp Strategie Grains, dù vẫn phải cạnh tranh với ngô và các loại ngũ cốc khác, nhưng cây cao lương đang dần có chỗ đứng tại châu Âu. Trong bối cảnh mùa hè ngày càng nắng nóng hơn, ngày càng nhiều nông dân chuyển sang canh tác giống cây trồng này. Cây cao lương giàu protein, chứa 8 trong số 9 amino axit thiết yếu. Loại cây bổ dưỡng này có đặc tính không cần tưới nước, không đòi hỏi thuốc trừ sâu và chỉ cần một phần ba lượng phân bón so lượng dành cho các loại lúa mì thông thường. Dù sản lượng cao lương năm 2022 có thể bị ảnh hưởng, song cây cao lương vẫn có thể tạo "lợi thế cạnh tranh" trong bối cảnh hạn hán vẫn hoành hành trên khắp nước Pháp, dẫn tới hàng loạt biện pháp hạn chế sử dụng nước.