Mở luồng xanh cho lúa gạo

Hiện nay, các tỉnh, thành phố khu vực đồng bằng sông Cửu Long đã bước vào thời điểm chính vụ thu hoạch lúa hè thu 2021. Để cho hạt lúa được “chín vàng” như mong đợi của người dân, cần sớm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong chuỗi giá trị sản xuất, tiêu thụ, chế biến và xuất khẩu!

Nhiều địa phương ở đồng bằng sông Cửu Long hiện gặp khó trong khâu tiêu thụ lúa hè - thu.
Nhiều địa phương ở đồng bằng sông Cửu Long hiện gặp khó trong khâu tiêu thụ lúa hè - thu.

Nông dân Thái Văn Thành (xã Gáo Giồng, huyện Cao Lãnh, Đồng Tháp) thốt lên: “Đúng là người tính không bằng trời tính, bao công sức, tiền của kể từ ngày làm giống, chăm bón… và chờ đến ngày thu hoạch. Nào ngờ dịch bệnh chuyển biến phức tạp, nên có nơi thì thương lái không đến hỏi giá, có nơi bán được lúa lại không di chuyển ra khỏi địa phương được. Khó đủ bề…”. 

Nhận định về việc lưu thông lúa hàng hóa từ ruộng về nhà máy và từ nhà máy ra các cảng xuất khẩu… bị tắc nghẽn, Bộ Công thương trong cuộc họp với Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) và các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo mới đây, có dẫn ra một số nguyên nhân: Thứ nhất do thiếu hụt trầm trọng lực lượng lao động thời vụ trên đồng. 

Các ghe vận chuyển lúa không thể di chuyển từ vùng này sang vùng khác. Thứ hai, vụ hè thu thu hoạch rộ ngay thời điểm mưa nhiều nên lúa phải được sấy bằng thiết bị sấy. Tuy nhiên, việc vận chuyển lúa từ ruộng đến nhà máy bị gián đoạn, dẫn đến tình trạng ùn ứ lúa tươi chưa được xử lý, làm giảm chất lượng gạo. Các thương nhân thiếu hụt nguồn nguyên liệu chế biến gạo thành phẩm, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các hợp đồng xuất khẩu đã ký kết trước đó. 

Thứ ba, các thương nhân dù đã áp dụng hình thức “1 cung đường, 2 địa điểm” cho nhà máy sản xuất, chế biến. Tuy nhiên, do bị giới hạn bởi khung giờ không được ra đường (18 giờ - 6 giờ) nên một số hoạt động bị gián đoạn qua ngày, làm cho chất lượng gạo neo trên ghe/sà-lan qua đêm bị sụt giảm. Thứ tư, ở một số địa phương vẫn chưa thống nhất được phương án xét nghiệm tại nhà máy. Có trường hợp phản ánh nhà máy phải thực hiện việc xét nghiệm đến 2-3 lần/tuần của nhiều cơ quan cấp huyện, xã…

Hệ lụy của việc đình trệ trong việc thu hoạch, xử lý sau thu hoạch, là chất lượng gạo có nguy cơ bị sụt giảm mạnh. Thêm nữa, do không thể tiêu thụ lúa tươi tại ruộng, nên giá lúa gạo nội địa khu vực đồng bằng sông Cửu Long giảm liên tục trong nhiều tuần qua, từ ngày 1/5 là 6.200 đồng/kg, giảm xuống chỉ còn 4.700 đồng/kg-ngày 5/8 (giá bình quân lúa tươi loại thường tại ruộng).

Trước những khó khăn của ngành lúa gạo và bà con nông dân, các bộ, ngành đang ráo riết vào cuộc cùng chung tay tháo gỡ. Mới đây, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo khẩn các ngân hàng khu vực đồng bằng sông Cửu Long đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vốn và mở rộng hạn mức tín dụng cho thương nhân, doanh nghiệp để thu mua thóc, gạo cho nông dân. 

Đặc biệt, để bảo đảm tiêu thụ kịp thời lúa, gạo hàng hóa cho người nông dân, mới đây, Bộ Công thương đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, đề xuất với các bộ, ngành, địa phương liên quan triển khai một số nhóm giải pháp như đề xuất Chính phủ nghiên cứu mở luồng xanh vận chuyển gạo bằng đường thủy khi 95% thóc, gạo tại đồng bằng sông Cửu Long qua “kênh” này; tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận nguồn vốn thu mua lúa, gạo hàng hóa và đặc biệt là các Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế và các bộ ngành, địa phương liên quan và UBND các tỉnh, thành phố khu vực đồng bằng sông Cửu Long khẩn trương chỉ đạo các cấp tạo điều kiện thuận lợi nhất có thể cho các thương nhân hoạt động trong lĩnh vực lúa, gạo nói chung và thương lái nói riêng được đi lại thu mua trực tiếp tại đồng; Bộ Công thương đề xuất chính quyền địa phương chấp nhận các xét nghiệm nhanh của thương nhân, thương lái tại ấp, xã… 

Mặt khác, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần tổ chức tốt hoạt động của các tổ dịch vụ nông nghiệp và hướng dẫn bà con nông dân tại các địa phương, chủ động, linh hoạt trong cách thức thu hoạch và thu mua lúa để các địa phương vừa duy trì tốt sản xuất, vừa bảo đảm phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả.