Mở lối mòn trên băng giá

Dù vẫn nhuốm màu u ám từ bạo lực, bệnh dịch, xung đột hay chiến tranh…, những vòng quay theo dòng sự kiện quốc tế tuần qua cũng đã lóe lên không ít tia hy vọng, về cách thức khỏa lấp các bất đồng để xích lại gần nhau, vì những mục tiêu cao đẹp.
0:00 / 0:00
0:00
Những thảm cảnh của cuộc xung đột ở Syria đã diễn ra hơn 11 năm.
Những thảm cảnh của cuộc xung đột ở Syria đã diễn ra hơn 11 năm.

1 Vài ngày sau khi thể hiện sự bất đồng sâu sắc, đến nỗi không thể thông qua được dự thảo nghị quyết gia hạn chương trình viện trợ xuyên biên giới cho Syria, ngày 11/7, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cuối cùng cũng đã nhất trí về chương trình ấy.

Đây là cơ chế viện trợ có hiệu lực từ năm 2014, và vừa hết hạn ngày 10/7. Tuy nhiên, với quyết định gia hạn mới nhất (thêm sáu tháng) từ Liên hợp quốc, nó sẽ giúp tháo gỡ thế bế tắc trong hoạt động cứu trợ nhân đạo từng đe dọa sự sống của hơn 2,4 triệu người dân ở Idlib, khu vực tây bắc Syria, hiện nằm dưới quyền kiểm soát của lực lượng nổi dậy chống chính phủ Damascus.

Song song, việc Tổng thống Nga Vladimir Putin dự định nhóm họp với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayipp Erdogan và Tổng thống Iran Ebrahim Raisi vào ngày 19/7 tới tại Tehran cũng được kỳ vọng sẽ thúc đẩy mạnh mẽ thêm những nỗ lực chấm dứt 11 năm xung đột ở Syria.

2 Một diễn biến cũng không kém phần đáng chú ý: Ngày 13/7, vòng đàm phán mới giữa Liên hợp quốc, Nga, Ukraine và Thổ Nhĩ Kỳ đã diễn ra tại Istanbul. Trước đó, ngày 8/7, Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov tuyên bố: Nga sẵn sàng thảo luận về vấn đề ngũ cốc tồn đọng ở Ukraine.

Nga và Ukraine là hai trong số những nước cung cấp ngũ cốc hàng đầu thế giới. Do đó, cuộc xung đột quân sự ở miền đông Ukraine cũng như các lệnh trừng phạt của phương Tây nhằm vào Nga đang làm gián đoạn nguồn cung, khiến nguy cơ xảy ra khủng hoảng lương thực gia tăng tại nhiều nước trên thế giới.

Vì vậy, Liên hợp quốc đã kêu gọi các phía thương thảo nhằm thiết lập một hành lang trên biển, giúp nối lại hoạt động xuất khẩu ngũ cốc. Những cuộc đàm phán đầu tiên được nước trung gian Thổ Nhĩ Kỳ đánh giá là tích cực và mang tính xây dựng. Nếu tiến triển thuận lợi để hướng đến kết cục tốt đẹp (có thể là sau vài vòng đàm phán nữa), tiến trình này sẽ gác lại một mối đe dọa đáng kể, đối với nền an ninh lương thực toàn cầu.

3 Cũng trong tuần qua, quan hệ ngoại giao giữa Pháp và Australia đã có một bước cải thiện đáng kể, sau 10 tháng rơi vào trạng thái lạnh nhạt, khi Canberra quyết định bỏ ra 584 triệu USD để bồi thường cho việc chấm dứt hợp đồng mua bán tàu ngầm từ Pháp, bị hủy bỏ hồi tháng 9/2021.

Đó là sự vụ đã làm sứt mẻ nghiêm trọng mối quan hệ giữa hai nước, khi Paris tỏ ra vô cùng giận dữ, và thậm chí đã thổi bùng lên những cuộc khẩu chiến dữ dội. Song, dù sao, từ góc nhìn của Australia, Pháp vẫn là một trung tâm quyền lực ở châu Âu, và có vai trò quan trọng ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Không chỉ vậy, trước khi đại dịch toàn cầu Covid-19 bùng phát, kim ngạch thương mại và dịch vụ hai chiều giữa hai nước đạt hơn 6,7 tỷ USD/năm.

Do vậy, những nỗ lực hàn gắn, cụ thể là động thái chấp nhận bồi thường hợp đồng từ Canberra, là một điều thật sự cần thiết. Có lẽ sẽ còn mất nhiều thời gian và công sức để mối quan hệ này trở lại "hữu hảo" như trong quá khứ, song dù sao, tiến trình nào cũng cần một điểm khởi đầu.

Mở lối mòn trên băng giá ảnh 1
Một trong những hình ảnh đầu tiên được James Webb truyền về.

4 Một bước tiến lớn trong lịch sử ngành thiên văn học: James Webb, kính viễn vọng không gian mạnh nhất được đưa vào quỹ đạo, đã công bố những hình ảnh đầu tiên mà nó thu được.

Ngày 12/7, James Webb chính là tâm điểm chú ý của giới khoa học toàn cầu. Nó vươn tới tận chuỗi tinh vân Carina Nebula, cách Trái đất khoảng 7.600 năm ánh sáng, cung cấp "cái nhìn hiếm hoi về các ngôi sao trong giai đoạn hình thành sớm nhất và nhanh chóng của chúng".

James Webb, trị giá 10 tỷ USD, đã được phóng vào không gian hồi tháng 12/2012. Kính viễn vọng này hoạt động trong quỹ đạo quay quanh Mặt trời cách Trái đất 1,5 triệu km. James Webb có thể nhìn sâu vào vũ trụ hơn bất kỳ kính thiên văn nào trước đó nhờ phần gương có đường kính đến 6,5m được tạo thành từ 18 mảnh gương lục giác, và các thiết bị tập trung vào tia hồng ngoại, cho phép nhìn xuyên qua bụi và khí, để đưa về những hình ảnh sắc nét nhất từ trước tới nay.