Mô hình tạo động lực

Cả nước hiện có 20 sản phẩm OCOP quốc gia đạt tiêu chuẩn 5 sao thì năm sản phẩm là của các hợp tác xã và hai sản phẩm liên kết sản xuất với các xã viên của hợp tác xã địa phương. Tầm quan trọng của các hợp tác xã nông nghiệp đang được khẳng định trong nỗ lực xây dựng sản phẩm OCOP theo hướng phát triển bền vững.
0:00 / 0:00
0:00
Sản phẩm gạo an toàn mở rộng thị trường. Ảnh: An Bình Phát
Sản phẩm gạo an toàn mở rộng thị trường. Ảnh: An Bình Phát

Sản xuất theo mô hình an toàn

Trước xu hướng tiêu dùng ngày càng cao các sản phẩm có nguồn gốc hữu cơ, các xã viên ở các hợp tác xã (HTX) trên địa bàn tỉnh An Giang đã chuyển sang mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ. Việc sản xuất theo mô hình này đã tạo được nguồn nông sản sạch phục vụ người tiêu dùng, góp phần nâng cao giá trị, thương hiệu lúa gạo trên thị trường. Từ năm 2020, UBND tỉnh An Giang và Tập đoàn Lộc Trời đã ký kết thỏa thuận hợp tác thực hiện Đề án Xây dựng thương hiệu gạo An Giang, Chương trình phát triển HTX kiểu mới gắn xây dựng vùng nguyên liệu lúa gạo, lúa nếp, rau màu và cây ăn quả… Theo đó sẽ phát triển mới 200 HTX nông nghiệp giai đoạn 2020-2025. Đáng chú ý, Thiên Vương là sản phẩm gạo đóng túi cao cấp từ các giống lúa do Tập đoàn Lộc Trời độc quyền lai tạo, đạt tiêu chuẩn 5 sao, được liên kết sản xuất bởi các hộ nông dân tại huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang. Ông Trịnh Công Minh, Giám đốc HTX Nông nghiệp An Bình (huyện Thoại Sơn) cho biết: HTX Nông nghiệp An Bình là một trong những cơ sở đầu tiên trong tỉnh được thành lập với sự góp vốn, kỹ sư của Tập đoàn Lộc Trời, sản xuất lúa theo tiêu chuẩn chất lượng cao, sản phẩm đạt yêu cầu được bao tiêu nên bà con nông dân rất yên tâm. Riêng vụ lúa đông-xuân 2021-2022, HTX có tổng diện tích 800ha được Tập đoàn Lộc Trời bao tiêu sản phẩm.

Tại Vĩnh Long những năm qua bà con nông dân cũng thực hiện những mô hình sản xuất lúa an toàn mà vai trò của các HTX là rất lớn. Một trong những đơn vị tiêu biểu là HTX Sản xuất dịch vụ nông nghiệp Tấn Đại ở xã Trung Ngãi, huyện Vũng Liêm. Chỉ sau hai năm thực hiện mô hình, năm 2019 HTX đã sản xuất được sản phẩm gạo đạt tiêu chuẩn 4 sao. Ban đầu, do thị trường chưa mở rộng, nông dân chưa mặn mà, chưa quan tâm sản phẩm lúa hữu cơ, lãnh đạo HTX phải đi tiếp thị qua nhiều kênh, tìm đầu ra cho sản phẩm. Ông Đoàn Văn Tài, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Tấn Đạt phấn khởi: "Nhờ có sự liên kết nên sản lượng ngày càng nâng cao, thương hiệu cũng được mở rộng. Hiện nay, mỗi năm đơn vị sản xuất hơn 900 tấn gạo hữu cơ, thông qua các doanh nghiệp để xuất khẩu sang thị trường "khó tính" như Mỹ, Nhật Bản… Chúng tôi cũng phát triển thương hiệu gạo thảo dược Tấn Đạt có chứa chất Omega 3-6-9 cùng nhiều chất khác có lợi cho sức khỏe người dùng".

Tại Sóc Trăng, Trà Vinh nhiều hộ nông dân đã áp dụng thành công mô hình trồng lúa theo tiêu chuẩn hữu cơ, được ngành nông nghiệp tỉnh khuyến khích nhân rộng. Người nông dân áp dụng quy trình canh tác sạch, không sử dụng phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật liên tục trong nhiều năm liền để cải tạo đất. Đặc biệt sản phẩm lúa ST24 (gạo ST24 là sản phẩm từ giống lúa ST24 đã trở thành một đặc sản của tỉnh Sóc Trăng đạt tiêu chuẩn 5 sao). Năm 2017, gạo ST24 từng lọt vào top 3 "Gạo ngon nhất thế giới" trong cuộc thi World's Best Rice được tổ chức tại Macau (Trung Quốc). Tháng 4/2021, gạo ST24 cũng được chứng nhận đạt chuẩn hữu cơ của Mỹ và châu Âu. Việc được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 5 sao sẽ tạo động lực để phát triển đặc sản địa phương, thu hút thêm đầu tư và tạo cơ hội đưa sản phẩm vào hệ thống siêu thị, quảng bá đến người dân cả nước.

Tư duy thay đổi

Sản xuất sản phẩm chè, HTX chè Hảo Đạt, xã Tân Cương, TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên từ khi thành lập đã xác định hướng phát triển bền vững. Nhờ các công đoạn sản xuất đều bảo đảm tiêu chuẩn an toàn, sản phẩm của HTX không chỉ cung cấp cho thị trường các loại chè đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao, 5 sao, xuất khẩu sang các thị trường "khó tính" như Mỹ, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc)… Từ mô hình sản xuất sạch, HTX đã phát triển thêm mô hình du lịch sinh thái đem lại hiệu quả kinh tế cao. Bà Đào Thanh Hảo, Giám đốc HTX Chè Hảo Đạt chia sẻ: Ngay từ những ngày đầu thành lập, chúng tôi đã tạo dựng thương hiệu bằng chất lượng, phát triển theo hướng bền vững, nâng cao thu nhập cho xã viên. Từ năm 2021 chúng tôi mở rộng quy mô sản xuất và đưa chương trình du lịch sinh thái vào hoạt động, mang tới cho du khách nhiều lựa chọn thú vị, như trải nghiệm không gian thanh bình của vùng chè đặc sản Tân Cương, tìm hiểu về lịch sử, nguồn gốc cây chè, tham quan quy trình trồng và chăm sóc chè, tham quan đồi chè và trải nghiệm cuộc sống nhà nông, kết nối với các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên…".

Đầu năm 2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 167/QĐ-TTg phê duyệt Đề án lựa chọn, hoàn thiện, nhân rộng mô hình HTX kiểu mới hiệu quả tại các địa phương trên cả nước giai đoạn 2021-2025. Chính sách nhằm huy động nguồn lực hiện có của nhà nước và xã hội để tạo sự đột phá cho các HTX về tổ chức và hiệu quả hoạt động. Bằng các giải pháp nâng cao chất lượng quảng bá sản phẩm nông nghiệp, các hoạt động xúc tiến thương mại, đa dạng hóa các phương thức truyền thông để mở rộng phạm vi tiếp cận khách hàng, góp phần nâng cao hiệu quả cạnh tranh kinh doanh, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Nhờ sự hỗ trợ, nhiều bà con xã viên, các HTX không còn tư duy sản xuất chạy theo sản lượng mà tập trung vào chất lượng và nâng cao thương hiệu cũng như đầu ra cho sản phẩm. Ông Trương Thành Dãnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Vĩnh Long nhấn mạnh: "Ngoài tập trung chất lượng, các chủ thể cũng tập trung chuyển đổi số thông qua chương trình OCOP và các dự án, kế hoạch của ngành nông nghiệp; kết nối các HTX nông nghiệp có chung lĩnh vực, ngành nghề để hình thành mối liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ theo hình thức chuỗi giá trị".