Mở cánh cửa hòa bình

Tổ chức Hiệp ước an ninh tập thể (CSTO) khẳng định ủng hộ giải quyết tranh chấp giữa Armenia và Azerbaijan bằng giải pháp chính trị và ngoại giao. Nga nhấn mạnh, cách duy nhất để đạt được hòa bình là thực thi các thỏa thuận đã ký kết. Đây là chủ đề thảo luận tại cuộc gặp ba bên vào hôm nay (31/10) giữa các nhà lãnh đạo Nga, Armenia và Azerbaijan.
0:00 / 0:00
0:00
Biếm họa: SERHII FEDKO
Biếm họa: SERHII FEDKO

Trong thông báo sau cuộc họp khẩn cấp cuối tuần trước, Hội đồng An ninh tập thể của CSTO nêu rõ: Trên cơ sở khẳng định cam kết của CSTO trong việc tăng cường hòa bình, ổn định, an ninh quốc tế và khu vực, cùng nhau bảo vệ độc lập, toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền các quốc gia thành viên, Hội đồng đã thảo luận về tình hình hiện nay trong khu vực và các biện pháp chung nhằm hỗ trợ giải quyết tranh chấp giữa Armenia và Azerbaijan bằng các biện pháp chính trị và ngoại giao. CSTO tin chắc rằng, mâu thuẫn hiện nay và các vấn đề còn gây tranh cãi phải được giải quyết thông qua con đường ngoại giao và hòa bình, gồm cả việc tuân thủ các thỏa thuận được nêu trong các tuyên bố ba bên, được Thủ tướng Armenia, Tổng thống Azerbaijan và Tổng thống Nga thông qua vào các ngày 9/11/2020, 11/1 và 26/11/2021.

Cuộc họp bất thường nêu trên được Hội đồng An ninh tập thể CSTO tổ chức trực tuyến hôm 28/10, với sự tham gia của các nhà lãnh đạo Nga, Armenia, Belarus, Kazakhstan, Kyrgyzstan và Tajikistan. Tại đây, Tổng Thư ký CSTO thông báo về tình hình khu vực biên giới Armenia-Azerbaijan và hoạt động của phái bộ CSTO, vốn được cử tới Armenia sau cuộc đụng độ ngày 13/9 vừa qua.

Tại cuộc họp, Tổng thống Nga Vladimir Putin nhấn mạnh rằng, hòa bình bền vững giữa Armenia và Azerbaijan chỉ có thể đạt được thông qua việc hai bên bảo đảm thực hiện nghiêm túc và nhất quán các thỏa thuận đã ký kết. Ông Putin nói: Không nghi ngờ rằng, con đường khả thi và thực tế duy nhất đưa đến hòa bình chỉ có thể là việc các bên tuân thủ nghiêm ngặt mọi cam kết trong các tuyên bố chung của các nhà lãnh đạo Nga, Armenia và Azerbaijan.

Phía Nga nhắc lại cam kết “làm mọi thứ” để đạt được hòa bình và quan hệ bình thường, toàn diện giữa Armenia và Azerbaijan. Tổng thống Putin nhắc lại tuyên bố Nga ủng hộ giải pháp hòa bình, thúc đẩy phân định biên giới Armenia-Azerbaijan và giải quyết dứt điểm tranh chấp. Khẳng định có quan hệ với cả Yerevan và Baku, Moscow ủng hộ mọi lựa chọn dẫn đến hòa bình. Điều Nga quan tâm là bảo đảm khu vực Caucasus bình yên, phát triển ổn định.

Quan hệ giữa Armenia và Azerbaijan căng thẳng lâu nay liên quan tranh chấp quyền kiểm soát khu vực Nagorno-Karabakh, vùng đất nằm sâu trong lãnh thổ miền tây nam Azerbaijan song có đa số cư dân là người gốc Armenia và muốn sáp nhập vùng lãnh thổ này vào Armenia. Xung đột tại Nagorno-Karabakh kéo dài suốt ba thập niên vừa qua, đỉnh điểm là cuộc chiến từ tháng 2/1988 đến tháng 5/1994 và giao tranh nghiêm trọng hồi tháng 9/2020. Với vai trò trung gian của Nga, Armenia và Azerbaijan đã ký thỏa thuận chấm dứt hành động thù địch tại khu vực Nagorno-Karabakh. Theo đó, các lực lượng hai bên dừng ở vị trí chiếm giữ hiện tại, một số khu vực được chuyển quyền kiểm soát cho Azerbaijan. Lệnh ngừng bắn tại khu vực do lực lượng gìn giữ hòa bình của Nga giám sát.

Tuy nhiên, vấn đề gai góc là phân định biên giới giữa Armenia và Azerbaijan chưa được giải quyết dứt điểm. Hồi tháng 5/2022, hai nước thông báo việc thành lập một ủy ban về phân định biên giới chung. Đây là bước đi được kỳ vọng hướng tới sớm chấm dứt tranh chấp tại khu vực Nagorno-Karabakh. Song, ngày 13/9 vừa qua, căng thẳng bất ngờ nổi lên tại khu vực biên giới Armenia-Azerbaijan với các cuộc đụng độ quân sự, các bên sử dụng vũ khí hạng nặng và máy bay không người lái, gây thương vong lớn.

Cơ hội mở cánh cửa hòa bình một lần nữa nhen nhóm khi các nhà lãnh đạo Armenia và Azerbaijan nhận lời mời của Tổng thống Nga dự cuộc gặp ba bên tại Sochi (Nga) vào hôm nay. Dự kiến, trọng tâm cuộc gặp là bảo đảm thực hiện các thỏa thuận đã đạt được và thảo luận các bước tiếp theo nhằm ngăn chặn xung đột, củng cố ổn định và an ninh tại Caucasus, cũng như thúc đẩy tái thiết, khôi phục thương mại, kinh tế và giao thông tại khu vực.