Minh bạch thị trường hàng hóa

Câu chuyện giá hàng hóa “tăng nhanh, giảm chậm” theo biến động giá xăng, dầu đã cho thấy nhiều bất cập ở khâu trung gian. Vấn đề này cần thẳng thắn nhìn nhận và thay đổi, nhằm bảo đảm thị trường và an sinh xã hội. Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã có văn bản chỉ đạo làm rõ những bất cập, hạn chế và đề xuất giải pháp khắc phục, bảo đảm giảm các khâu trung gian đẩy chi phí lưu thông, tăng giá bán, tiến tới hoàn thiện hệ thống phân phối, bán buôn, bán lẻ tinh gọn hiệu quả, có chi phí lưu thông hợp lý trong cơ cấu giá bán hàng...
0:00 / 0:00
0:00
Giá nhiều mặt hàng thiết yếu vẫn ở mức cao. Ảnh: NAM ANH
Giá nhiều mặt hàng thiết yếu vẫn ở mức cao. Ảnh: NAM ANH

Vì sao giá hàng hóa “tăng nhanh, giảm chậm”?

Giá xăng, dầu đã có bốn đợt giảm liên tiếp, về mức hơn 24.000 đồng/lít với xăng Ron 92, nhưng đến nay, giá hàng loạt mặt hàng thiết yếu như thịt, cá, rau, gạo, mì, dầu ăn… tại các chợ dân sinh, cửa hàng tạp hóa vẫn ở mức cao. Các tiểu thương cho biết, giá chỉ chững lại chứ không giảm. Đặc biệt, mặt hàng dầu ăn đã tăng tới 10 lần, chênh hàng chục nghìn đồng mỗi lít dầu.

Bà Đinh Thị Nương, Phó Cục trưởng Quản lý giá (Bộ Tài chính) nhận định, trước mắt là do độ trễ của một số mặt hàng chịu ảnh hưởng của giá xăng, dầu. “Khi điều chỉnh giá giảm, cần có độ trễ để các đơn vị sản xuất, kinh doanh, nhất là các đơn vị có mặt hàng chịu ảnh hưởng tác động trực tiếp đến giá xăng, dầu,... rà soát lại các yếu tố chi phí hình thành giá, từ đó mới xác định giá bán giảm theo giá xăng, dầu giảm thời gian vừa qua”, theo bà Nương.

Đồng tình với việc cần có độ trễ để tính toán, tuy nhiên, chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cho rằng, cũng có thể có một số nguyên nhân khác. “Thông thường các doanh nghiệp tính toán, nếu họ giảm ngay, sau này tăng lên sẽ cực kỳ khó, người dân có khi không đồng tình. Đây là thận trọng, nhưng không đủ thuyết phục, bởi rõ ràng là “nước lên thì thuyền lên, nước xuống thì thuyền xuống”... không thể là hằng tháng hay là đến mấy tháng được, mà rõ ràng chỉ sau một vài tuần, ta phải điều chỉnh ngay”, ông Lực nói.

Thực tế, giá xăng, dầu bắt đầu chuỗi ngày giảm mạnh từ phiên điều hành ngày 1/7, tức là đã gần hai tháng trôi qua, giá xăng liên tiếp giảm, còn hàng hóa tăng rồi vẫn chưa giảm trở lại. Vì thế, ông Lực đề nghị sự vào cuộc của cơ quan chức năng. “Tôi mong, các cơ quan chức năng phải có các biện pháp xử lý kịp thời, không để người dân cảm thấy nản lòng khi kiến nghị nhiều mà không được xử lý”, chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực nói.

Không chỉ hàng hóa, giá dịch vụ vận tải (ngành chịu tác động trực tiếp từ xăng, dầu) cũng không giảm. Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ Giao thông vận tải) Trần Bảo Ngọc cho biết, trung bình, giá xăng, dầu sẽ chiếm khoảng độ 30-40% trong tổng chi phí các yếu tố cấu thành giá dịch vụ vận tải. Tuy nhiên, với biến động từ giá xăng, dầu, thì những đơn vị kinh doanh đều phải tính toán lại; họ cũng cần xem xét các yếu tố tâm lý khách hàng rồi cả các đối thủ cạnh tranh.

“Khi có sự thay đổi, các đơn vị vận tải sẽ phải thực hiện kê khai giá với Sở Giao thông vận tải. Rồi họ phải điều chỉnh đồng hồ tính tiền, in lại tờ niêm yết giá. Song cũng chỉ một khoảng thời gian nhất định”, ông Ngọc nói và bày tỏ, hiện nay, chúng ta đang quản lý giá dịch vụ vận tải dựa trên quy luật của thị trường, các đơn vị kinh doanh phải thực hiện đầy đủ những quy định trong công tác quản lý giá, thí dụ như phải thực hiện kê khai giá. Hoặc đối với những lĩnh vực mà Nhà nước có quy định khung giá thì không được tăng giá quá khung. Và kê khai giá rồi thì phải thực hiện niêm yết giá đầy đủ và niêm yết giá đầy đủ rồi thì phải bán theo đúng giá kê khai đã niêm yết. Tuy nhiên, Nhà nước rất tôn trọng quyền tự định giá, quyền quyết định giá và cạnh tranh giá của các đơn vị kinh doanh vận tải.

Minh bạch thị trường hàng hóa ảnh 1

Doanh nghiệp trực tiếp giới thiệu sản phẩm tới người tiêu dùng. Ảnh: ANH HẢI

Sử dụng nhiều công cụ

Đối với lĩnh vực vận tải, biện pháp mạnh hiện nay và sắp tới là chúng ta phải tăng cường thanh tra, kiểm tra. Khi phát hiện có vi phạm, sẽ sử dụng những công cụ về Nghị định quy định xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá hoặc Nghị định về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực vận tải, trong đó có quy định về trách nhiệm kê khai, niêm yết. “Đơn vị phải kê khai giá; phải niêm yết giá và thu giá theo đúng như đã niêm yết. Đối với xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực đường bộ thì còn phải bổ sung thêm, thậm chí có thể anh phải trả lại tiền cho hành khách nếu thu quá, hay các đơn vị chức năng sẽ thu hồi phù hiệu”, ông Ngọc nói.

Còn đối với giá hàng hóa, chuyên gia Vũ Vinh Phú cho rằng, ngoài biện pháp hành chính cần làm ngay, chúng ta phải huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, các hội, hiệp hội bán lẻ, MTTQ, hội phụ nữ ở các chợ, khu phố, làm sao để những người buôn bán nhận thức, tự giác giảm một phần theo tiến độ giảm giá xăng, dầu, chia sẻ khó khăn chung với xã hội. Hay ngoài những biện pháp kinh tế và kỹ thuật, nên có thêm các giải pháp tổng hợp khác, thí dụ như giải quyết vấn đề cung cầu hàng hóa, không để đứt gãy các chuỗi cung ứng, và nhất là giảm các khâu trung gian. Đơn cử, 1 kg thịt lợn, từ trang trại đến bán lẻ, tăng giá lên tới 70%. Rõ ràng 3-4 khâu trung gian đẩy giá lên, nên chúng ta phải xem xét vì đó là các yếu tố tồn tại lâu rồi, phải khắc phục.

Chuyên gia Cấn Văn Lực nói thêm, về câu chuyện thanh tra, kiểm tra giám sát, chúng ta sẽ phải làm nhưng có lẽ chúng ta không thể làm hết, không thể làm triệt để nếu ý thức của người dân và doanh nghiệp chưa cao. Do đó, theo vị chuyên gia, phải làm sao tăng cường thêm ý thức của cả doanh nghiệp và người dân. Với doanh nghiệp, biện pháp trước mắt có thể là truyền thông để họ nhận thức tốt hơn. Thêm nữa là kiểm tra giám sát. Ngoài ra, phải tạo được văn hóa kinh doanh, đạo đức kinh doanh. Đây là biện pháp cả trước mắt và lâu dài. Với người dân, họ được quyền phản ánh và được xác minh những phản ánh đó...

Hướng tới thị trường lành mạnh, minh bạch

Câu chuyện hàng hóa tăng giá “té nước theo mưa” không hề mới mẻ, các chuyên gia cho rằng, cốt lõi vấn đề cần giải quyết là hướng tới làm thị trường lành mạnh, minh bạch. Bà Đinh Thị Nương cho rằng, để có thị trường lành mạnh thì tất cả các doanh nghiệp và tổ chức sản xuất, kinh doanh phải có hệ thống thông tin về giá để người tiêu dùng biết. Các doanh nghiệp cạnh tranh với nhau, làm sao đưa ra thị trường mặt hàng có giá rẻ nhất để đem lại lợi ích cho người tiêu dùng.

Chuyên gia Vũ Vinh Phú nhận định: “Tất cả những giao dịch hàng hóa hiện nay thường không công khai. Các nước khác họ có sàn giao dịch công khai. Như thế là hệ thống phân phối của chúng ta chưa phát triển. Cho nên mười bó rau sạch thì chúng ta mới có một bó vào siêu thị thôi, chín bó làm cho sạch cũng phải đi ra thị trường bán với giá rau không sạch. Rõ ràng cái giá trị của người nông dân bị suy giảm”.

Dẫn chứng thực tế, một cân đường ở Thailand, 70% lợi nhuận dành cho nông dân, còn 30% là các khâu khác, nhưng ở Việt Nam thì ngược lại. Hay là ở các nước, siêu thị bán giá phải rẻ hơn ở chợ... ông Phú nói: “Tôi theo dõi ngành thương mại mấy chục năm nay thì thấy ở ta siêu thị lại đắt hơn chợ 30%, trong đó có những yếu tố loại trừ như VAT không kể. Nhưng yếu tố chủ quan của siêu thị đẩy giá lên là có...”. Do đó, vị chuyên gia đề nghị, cần có một chương trình nghị sự về vấn đề này. Toàn bộ chuỗi cung ứng phải xem lại.

“Các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất, kinh doanh dịch vụ cần xây dựng thương hiệu của mình, trong đó có thương hiệu về đạo đức, giao dịch, chia sẻ lợi nhuận hợp lý. Như Malaysia, Singapore, vừa rồi giá thịt gà có vấn đề, thì lập tức phải có giá trần. Giá trần không phải là vĩnh viễn mà phải có thời gian để những người lợi dụng tỉnh ngộ lại, phục vụ người tiêu dùng tốt hơn và đừng vượt quá giới hạn”, chuyên gia Vũ Vinh Phú chia sẻ.

Vị này còn nhấn mạnh, một căn bệnh trong hoạt động quản lý thị trường hiện nay, đó là sự phân phối không công bằng. Cấp trung gian hưởng lợi quá nhiều, trong khi bản thân nhà sản xuất chưa chắc đã lãi nhiều và người dân, người tiêu dùng phải mua hàng giá đắt. Nếu không giải quyết được điểm nghẽn trên, thì câu chuyện “té nước theo mưa”, hay “lên nhanh, xuống chậm” sẽ rất khó chấm dứt.

Đồng quan điểm, chuyên gia Cấn Văn Lực khẳng định, đó là vấn đề lâu nay của chúng ta. Rõ ràng chúng ta phải có biện pháp chế tài. “Tôi thấy nước ngoài làm rất tốt và chúng ta nên học tập, đó là phải công khai, minh bạch. Tôi biết chắc chắn rằng đến khâu này giá bị đội lên chừng này, đến khâu kia giá đội lên chừng kia. Như thế tôi biết chắc khâu nào cần phải xử lý. Tôi rất mong muốn tới đây chúng ta phải thúc đẩy thanh toán không tiền mặt. Đây là cơ hội vàng để công khai, minh bạch, là một trong hai biện pháp rất quan trọng để phòng, chống tham nhũng.