Miền nhớ...

Cô bé có mái tóc đuôi sam khẽ kéo tay tôi thì thầm:“Cô ơi, cô thấy vòng vương miện bọn con kết lại từ những bông hoa xuyến chi đẹp không cô?
0:00 / 0:00
0:00
Miền nhớ...

Cô lại đây chơi với bọn con cô nhé!”. Lòng tôi bỗng lặng đi, bùi ngùi nhớ về những ngày tháng tuổi thơ bên loài hoa đồng nội dân dã.

Với trẻ thành phố, có lẽ các em ít biết về loài hoa ấy. Nhưng với những đứa trẻ được sinh ra và lớn lên ở nông thôn như chúng tôi thì đó là loài hoa của tuổi thơ. Đám con trai thường nghịch ngợm thi nhau tìm những nụ gai làm phi tiêu, đuổi bắt nhau ném dính đầy lên quần áo sau mỗi chiều đi học về. Còn đám con gái chúng tôi lại hái hoa xuyến chi để chơi đồ hàng, hay trổ tài cắm hoa trong những chiếc lọ nhựa tự chế xinh xinh và để ở cửa sổ nơi bàn học. Có những lúc chúng tôi lại rủ nhau kết hoa thành một vòng vương miện rồi đội lên đầu một đứa trong nhóm giả làm cô dâu, “lễ đường” được trang trí đầy những cánh hoa xuyến chi.

Những ngày mưa ở quê, sau cơn mưa, chúng tôi lại rủ nhau ra đồng bắt ếch, đường vào mương trơn lầy lội, chúng tôi phải bấu mười đầu ngón chân xuống đất bước thật cẩn thận kẻo không may sẽ ngã lăn xuống mương. Ngày nắng, chúng tôi rủ nhau đi ra đồng bắt cua, bắt cá, đứa nào tóc cũng khét nắng.

Trong đám bạn tôi thân nhất với cái Mai, cái Hoa, thằng Hải. Những ngày được nghỉ học, chúng tôi được gặp nhau. Cùng nhau kể những câu chuyện trên lớp, chuyện nhà và cả những ước mơ lớn lên được ra thành phố học như các anh, các chị trong xóm. Rồi bầy đủ các trò chơi nhưng bao giờ cũng chơi trò rồng rắn lên mây. Tôi đóng vai thầy thuốc, mấy đứa còn lại sắp hàng một, tay đứa sau nắm vạt áo hoặc đặt trên vai của đứa trước. Sau đó tất cả bắt đầu đi lượn qua lượn lại như con rắn, vừa đi hát đồng dao: “Rồng rắn lên mây/Có cây xúc xắc/Có nhà hiển minh/Hỏi thăm thầy thuốc/Có nhà hay không?”. Thầy thuốc trả lời: “Thầy thuốc đi chơi (hay đi chợ, đi câu cá, đi vắng nhà…)”. Chúng tôi lại đi và hát tiếp cho đến khi thầy thuốc trả lời: “Có!”…

Hoa, cô bạn thân của tôi thời ấu thơ nay đang sinh sống ở một phương trời xa xôi. Bạn bảo: “Nhiều đêm không sao ngủ được vì nhớ nhà, nhớ sao tuổi thơ những tháng năm đói kém nhà đứa nào cũng nghèo. Da đen nhẻm, chân tay gầy nhẳng, suốt ngày chăn trâu, cắt cỏ, bắt cua, bắt cá nhưng có thời gian là lại rủ nhau chơi những trò dân gian. Con trai chơi khăng, chơi đáo, con gái chơi chuyền, chơi chắt, chơi ô ăn quan… đứa nào thua thì bị búng tai hoặc phải trông trâu bò cho đứa khác”.

Con gái tôi đang học tiểu học, có lần con rủ mấy bạn cùng lớp đến nhà chơi. Các con dùng phấn vẽ vẽ, xóa xóa ra sân rồi đổ ra một vốc những viên sỏi cuội trắng tinh, vừa chơi vừa hò reo đuổi nhau chạy vòng quanh sân. Tiếng nô đùa kéo tôi lại bên các con, thì ra chúng đang chơi trò chơi “ô ăn quan”. Trò chơi của chúng tôi mấy chục năm về trước lại được tái hiện. Tôi hỏi sao các con biết chơi những trò chơi này? Các con khoe ở trường được các cô giáo hướng dẫn chơi ô ăn quan cùng với các trò chơi khác như: đánh chuyền, nhảy bao bố, bịt mắt đập niêu…

Gió lùa qua tán cây, những giọt nước long lanh đọng lại sau cơn mưa dài rơi vội kéo theo những cánh hoa xuyến chi mỏng manh như một giấc mơ…