Khôi phục hát cửa đình:
Mở cửa vào kho báu của cha ông

NDĐT – Nếu chỉ nghe Bùi Trọng Hiền kể, cũng chưa đủ để hình dung ra công cuộc phục dựng lại một trình thức hát ả đào cổ của anh với mấy năm đằng đẵng lại gian nan và vất vả như thế nào. Nhưng chỉ cần nhìn ánh mắt và vẻ mặt của nhà nghiên cứu tâm huyết với âm nhạc truyền thống này, khi giáo phường Phú Thị lẩy lên những khúc nhạc đầu tiên, là đủ hiểu gốc cây khô đã hồi sinh và cho trái ngọt.

Những khúc nhạc bị lãng quên

Hát cửa đình là một trong những trình thức hát ả đào, thường sử dụng để trình diễn trong nghi thức cúng lễ. Theo nghệ nhân Nguyễn Phú Đẹ từ cuộc trình diễn báo cáo khôi phục hát cửa đình hồi năm 2015 tại đình Hàng Kênh (Hải Phòng), hát cửa đình là trình thức quan trọng nhất , lâu đời nhất của nghệ thuật ca trù. Hát cửa đình thường do một giáo phường xuất sắc nhất đảm nhiệm, diễn ra vào các dịp lễ hội tại cửa đình, cửa đền, mang âm hưởng của văn hóa tâm linh, đòi hỏi sự trang nghiêm nhưng vẫn tưng bừng không khí hội hè, đình đám.

Trước khi vào cửa đình, phần lễ nghi phải được thực hiện theo đúng trình tự, chu đáo: bày biện hương án, thắp hương, và người kép đàn phải đứng dạo một bản nhạc mở đầu là một liên khúc bao gồm giáo nhạc, hát giai, giáo hương.. Tiếp đó là các ca nương, kép đàn trình diễn đủ 14 thể cách, trong đó có những thể cách chỉ được trình diễn trong hát cửa đình.

Bùi Trọng Hiền có một niềm say mê đặc biệt đối với ca trù, anh gọi đó là loại nhạc “huyền diệu, dị thường”. “Bản thân tôi là người nghiên cứu cổ nhạc mấy chục năm, mà khi phát hiện ra quy luật của nó, tôi cũng không thể tưởng tượng được là tại sao ông bà mình lại có thể nghĩ ra được loại nhạc đặc biệt như thế” – nhà nghiên cứu chia sẻ.

Do những biến thiên của lịch sử, hát cửa đình cũng nằm trong dòng chảy trầm lắng của ca trù, không được sử dụng đến, và rơi dần vào quên lãng.

Nhiều năm sau, khi ca trù được công nhận là Di sản văn hóa thế giới, người ta mới nhìn lại, thì rất buồn là di sản quý giá đó đã mai một không ít. Các nghệ nhân người thì lui về mai danh ẩn tích, người bỏ nghề, người đã về với ông bà, còn lại hầu hết thì đều đã tuổi già sức yếu, gần đất xa trời. Di sản ca trù cứ thế dần theo các cụ về với tiên tổ.

Từ xưa đến nay, đã không ít lần các nhà nghiên cứu, trong đó có chính bản thân anh Bùi Trọng Hiền đã than vãn về việc đào nương và kép đàn chỉ học ca trù theo lối truyền miệng, sang tai, cho nên không nắm được quy luật của khổ đàn, khổ phách. Thậm chí, theo nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền, có những đào nương đến nay đã có tiếng tăm, nhưng vẫn không hiểu phách, gõ phách sai. Điều đó đã thôi thúc anh tìm kiếm, sưu tầm và bỏ công viết lại, ghi lại tất cả những kiến thức về khổ đàn, khổ phách trong kho tàng ca trù Việt Nam cả thế kỷ qua. .

“Trong nhiều năm qua, tôi đã đi tìm, sưu tầm, xin hoặc mượn những băng đĩa về ca trù của thế kỷ 20, từ những kiến thức phách của nghệ nhân Quách Thị Hồ, Chu Thị Năm mà nhà văn Nguyễn Tuân đã từng ca ngợi là “chỉ nghe thấy tiếng róc phách của họ thôi, thì người thiên cổ phải bật nắp ván thiên mà ngồi dậy”, rồi Đào Mộng Hoàn ở Khâm Thiên từ những năm 20-30…, cho đến các nghệ nhân ngày nay như các cụ Nguyễn Thị Chúc, Nguyễn Phú Đẹ”- Bùi Trọng Hiền chia sẻ.

Chặng đường tìm lại kho báu của cha ông

Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền cho biết, bắt nguồn từ những tư liệu từ nhà nghiên cứu Đặng Hoành Loan mà anh “tiếp quản” bao gồm rất nhiều băng đĩa, băng cát xét, anh đã bắt tay vào công cuộc khôi phục lại vốn quý của cha ông. “Có những lần tôi tìm được những tư liệu quý hiện đang lưu lạc ở nước ngoài, nhưng được bán với cái giá mà tôi không thể chạm tay vào được. Nhưng cuối cùng, tình cờ tôi lại được sở hữu cuốn sách quý đó, nhờ một người bạn”. Nhà nghiên cứu âm nhạc người Anh Jason Gibbs, vốn quen biết anh đã lâu, tình cờ tìm đến nhờ anh một vài việc, và ông tặng anh đúng cuốn sách và bộ đĩa tư liệu mà anh đang cần.

Anh có trong tay tư liệu có giọng hát của cụ Đinh Thị Bản, chị của cụ Đinh Khắc Ban, giọng ca mềm mịn như lụa như nhung, hát như không hát, ngược lại với lối hát của cụ Quách Thị Hồ, dùng giọng bụng, nhẹ nhưng rất nặng. Giọng ca mà Bùi Trọng Hiền đánh giá là hoàn toàn độc đáo và khác lạ với các đào nương cùng thời.

Những tư liệu, băng cát xét từ những năm 59, 76, 79 của gia đình cụ Đinh Khắc Ban, của nhà nghiên cứu Đặng Hoành Loan, được Bùi Trọng Hiền tỉ mẩn nghe lại, lưu lại và số hóa từng chút một, cùng với tất cả những câu hỏi, thắc mắc, cứ được nửa trang A4 lại chạy về Hải Dương gặp cụ nghệ nhân Nguyễn Phú Đẹ để hỏi.

Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền kể lại: “Có những cuốn băng từ khi mở ra nghe đã mốc trắng, nhưng tôi biết được đó là di sản, chắc chắn trong đó phải có gì đó, và phải cứu bằng được. Việc cứu những cuốn băng đó cũng hết sức mong manh, tôi phải lau từng tí một, sau khi lau xong phải cho bông cồn 60 độ cho chạy. Có những lúc không thể lau nổi phải tãi những sợi băng cho chạy trên một miếng vải phin và dùng sợi bông lau nhẹ nhàng từng chút, nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa, vì chỉ cần mạnh tay là sẽ bay hết từ. Sau đó đặt vào máy và chuyển sang máy tính, chạy một đoạn thì băng từ lại mủn ra, lại lau đầu từ và nghe nối từng chút một”.

Kết quả được Bùi Trọng Hiền mô tả bằng một từ duy nhất: “kinh hoàng”. Sau khi nối xong, cả một kho tàng ca trù của cha ông hiện ra: các bài hát cổ do các cụ Đinh Thị Nghĩa, Đinh Thị Bản, Nguyễn Thị Cúc, Đinh Khắc Ban… những danh cầm của dòng giáo phường Vĩnh Phúc trình bày, còn ghi rất rõ trên băng. Cụ Đinh Khắc Ban là kép đàn tri kỷ của cụ Quách Thị Hồ. “Cụ Đinh Khắc Ban có những người chị em hát toàn những bài cổ, thí dụ như hát bỏ bộ khi kết thúc chầu hát cửa đình, có một bài đề là màn đấu. Bao nhiêu năm nay rồi ca trù không biết đó là cái gì, chỉ biết ghi như vậy thôi. Trong bản ghi năm 1963, lần đầu tiên trong đời tôi được nghe bản này, chị ruột của cụ Ban là cụ ĐinhThị Bản, một ca nương di dân năm 1954, qua câu chuyện của cụ Bản mới biết được là sau năm 54 có một bộ phận di cư vào nam mở quán cô đầu nhưng cũng bị cấm. Đến năm 1979, nhà nghiên cứu Đặng Hoành Loan mời cụ Bản ra, thu kịp một album, thì năm sáu năm sau cụ mất” – Bùi Trọng Hiền chia sẻ.

Khôi phục xong kho tư liệu khổng lồ đó, nhưng không phải tất cả mọi thứ đều nằm trong tầm hiểu biết của anh. “Khi làm xong tất cả những ghi âm về ả đào, giờ phút cuối cùng đó tôi cảm giác mình sắp xuống vực, suýt nữa mất, nếu mình kịp làm thì tất cả những bài bản này sẽ vĩnh viễn ra đi” – anh chia sẻ cảm giác của mình. Anh hiểu rằng, hát ả đào xưa nay lưu truyền bao nhiêu năm chỉ là những thể cách như hát nói…, còn thể loại cổ điển thực sự là cửa đình. Trước khi ra ca quán thì nhạc cửa đình chỉ sử dụng trong các buổi tế lễ. Chìa khóa duy nhất để mở cánh cửa kho báu này nằm trong trí nhớ của cụ Nguyễn Phú Đẹ, nghệ nhân 90 tuổi, kép đàn duy nhất từng thực hiện hát cửa đình cách đây hơn nửa thế kỷ, phải làm cho thật nhanh. “Mỗi lần phục chế được một băng ghi âm nào đó, tôi lại chạy xuống Hải Dươnghỏi cụ. Có những bài mà tư liệu ả đào không ghi là bài gì. Cụ nghe và nói ngay thể loại, bài này khó, ngày xưa chỉ có đào già mới hát được”. Đầu năm 2016, khi anh hoàn tất nghiên cứu, cụ Đẹ bị tai biến và không thể giảng thêm được gì nữa.

Sống dậy một trình thức cổ

Cho đến gần đây, cũng đã có những đào nương tìm đến các cụ nghệ nhân hiếm hoi còn lại như cụ kép đàn Nguyễn Phú Đẹ để xin học hát cửa đình, nhưng cơ bản vẫn dựa trên lối học truyền khẩu. Điều cần thiết nhất là phải chuyển tải toàn bộ những gì lưu lại trong băng đĩa cũ để “viết ra” thành bài bản giống như một loại sách giáo khoa dành riêng cho ca trù, với hệ thống âm luật theo đúng chuẩn.

Dự án này bắt đầu từ năm 2014, do Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam phối hợp cùng nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền. Tất cả những gì giải mã ra được, Bùi Trọng Hiền ghi lại và chuyển sang hệ thống âm luật bài bản, có thể được coi là hệ thống “sách giáo khoa” của ca trù. Nhóm ả đào Phú Thị, với thành viên gồm các ca nương Thùy Linh, Kim Ngọc, kép đàn Đình Hoằng, trống chầu Minh Vẽ, vốn là những nhà nghiên cứu, giảng viên âm nhạc trẻ, thậm chí là dân tay ngang (họa sĩ) yêu mến bộ môn nghệ thuật truyền thống này được lựa chọn để Bùi Trọng Hiền thực hiện cách truyền dạy bài bản qua hệ thống âm luật hoàn chỉnh.

Giai đoạn đầu, anh giảng giải cho họ về nhận thức âm luật trong ả đào cổ điển. Giai đoạn 2, giảng về cấu trúc thể cách ả đào. Giai đoạn 3, đào tạo, phục dựng trình thức hát cửa đình. Ngoài ra, anh còn đào tạo một lớp quan viên đánh trống chầu, thực chất là nhạc công tham gia có tính tại chỗ và với vị trí khán giả. Nhiều buổi tập huấn, nhóm Phú Thị đã học tại nhà cụ nghệ nhân Nguyễn Phú Đẹ, được cụ trực tiếp chỉ dẫn, uốn nắn. Kết quả, nhóm đã thực hành thuần thục trình thức hát cửa đình cơ bản, với các bài “Hát nhạc – Hát giai – Giáo hương”, “Hát nhạc”, “Phú Kiều”, “Hát lót”, “Hàm cửa đình”, “Dựng huỳnh – Nói huỳnh” và “Hát bỏ bộ”.

Ngày 14-11, hát cửa đình với hệ thống âm luật chuẩn đã lần đầu tiên chính thức ra mắt các nhà nghiên cứu, giới chuyên môn, những người yêu mến âm nhạc truyền thống, đặc biệt là ca trù…, tại Viện Nghiên cứu Âm nhạc. Đặc biệt, tham dự buổi ra mắt còn có người nhà của cụ Đinh Khắc Ban.

Nhận xét về thành công này, GS. TS Tô Ngọc Thanh nói: “Với phương pháp này, chúng ta có thể dạy các cháu nhanh hơn đúng hơn. Chúng ta giữ gìn không phải chỉ từng bài hát mà dựa trên quy luật, đó là thế mạnh, có trí tuệ. Đây là một thành tựu tuyệt vời trong nghiên cứu ca trù”.

Còn nhà nghiên cứu Đặng Hoành Loan cho rằng: “Công trình này đã làm sống lại giọng hát, tiếng đàn, cách hát của các nghệ nhân lão thành lừng danh. Hiền đã tổng kết lại từ các nghệ nhân lừng danh, đưa ra thành một kết quả chung nhất và làm sống lại ca trù - di sản văn hóa trác tuyệt của Việt Nam” – Nhận xét của nhà nghiên cứu Đặng Hoành Loan đã đủ nói lên ý nghĩa của công trình xứng đáng được đưa vào danh sách 10 sự kiện văn hóa nổi bật nhất trong năm này của nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền.

Chỉ đạo nội dung: NGỌC THANH - HỒNG MINH
Thực hiện: TUYẾT LOAN
Ảnh: Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền cung cấp
Đồ họa: NAM ĐÔNG
Kỹ thuât: Phòng Kỹ thuật
Xuất bản: 15-02-2018