Mặt trái của chuỗi

Những lùm xùm liên quan đến việc rau bẩn có thể thâm nhập những hệ thống bán lẻ lớn có thể gây bức xúc, thậm chí phẫn nộ trong dư luận, nhưng không hề có sự ngạc nhiên bởi đây là một trong những hệ quả, mặt trái của việc mở chuỗi.
0:00 / 0:00
0:00

Thử nhắc lại những sự cố liên quan đến Bách Hóa Xanh trong mùa dịch năm 2021, có nhiều cách lý giải khác nhau và một trong số đó chính là việc phát triển hệ thống này quá nhanh dẫn đến những lỗ hổng về mặt quản lý. Rõ ràng là việc bán bó rau, ký thịt khác hẳn với bán điện máy, điện thoại và đến giờ vẫn chưa thể nói Thế giới di động đã thành công với hệ thống Bách Hóa Xanh như những kỳ vọng ngày đầu.

Mở theo chuỗi, nhiều cửa hàng tất yếu dẫn đến nhu cầu hàng hóa cũng sẽ gia tăng tương ứng, đôi khi không phải lo không có người mua mà còn lo cả không có hàng bán, mà ở đây là rau sạch như đã công bố. Và nếu cho rằng, đây là tai nạn, rủi ro của các chuỗi bán lẻ đi nữa thì rõ ràng công tác kiểm soát chất lượng có vấn đề và nguyên nhân tất nhiên cũng đến từ việc quá tải của hệ thống, phát triển quá nóng.

Một điều dễ thấy là khi tiếp cận với các nhà quản lý chuỗi bán lẻ, có những người chỉ nhấn mạnh đến yếu tố chuỗi, mà ở đây là số lượng chuỗi, doanh thu, thị phần… trong khi ít nghe, ít thấy yếu tố chất lượng sản phẩm, cam kết trách nhiệm với người tiêu dùng được nhấn mạnh. Và ở đây cũng nên đặt thêm câu hỏi rằng, phải chăng quy mô chuỗi càng tăng, dẫn đến chi phí càng tăng, nhưng như vậy cần yếu tố tiết kiệm chi phí về mức thấp nhất thì mới bảo đảm cân đối thu-chi. Nghịch lý rất rõ ràng, các chuỗi có thể công bố khá chi tiết về doanh thu, tỷ trọng các loại hàng hóa, nhưng việc minh bạch các nguồn hàng, hoặc cam kết mạnh mẽ về chất lượng hàng hóa thì lại không đồng đều. Thậm chí, từng có chuỗi, mặc dù công bố được đầu tư hiện đại, nhưng lại sẵn sàng cạnh tranh với cả… chợ truyền thống về giá, điều này nghe có vẻ phi lý, hoặc nếu có hợp lý thì giá bán thấp lại càng cần chi phí thấp và như vậy liệu chất lượng có bảo đảm (?).

Người tiêu dùng rõ ràng phải có sự tin tưởng vào thương hiệu của nhà bán lẻ, hay các chuỗi siêu thị, sự tin tưởng không nằm ở sự hào nhoáng, hay quảng cáo, mà nằm ở việc tin rằng, các tên tuổi lớn này sẽ có cách để bảo đảm chất lượng sản phẩm “sạch”, xứng đáng với uy tín của hệ thống. Nhưng rõ ràng, sau vụ lùm xùm rau bẩn, niềm tin của nhiều người tiêu dùng với các chuỗi bị ảnh hưởng. Bởi lẽ nếu chỉ là nơi mua đi bán lại, không có cách để kiểm soát chất lượng, bảo đảm quyền lợi cho người tiêu dùng thì quy mô chuỗi có đồ sộ, hoành tráng đến mấy cũng không hề có giá trị, lợi thế cạnh tranh đặc biệt.