Mất đoàn kết vì... "chủ quyền riêng"!

NDO - Từ khi tỉnh mở con đường lớn cắt ngang qua cổng nhà bà Thi và bà Sắc, cả hai gia đình bỗng nhiên có mặt tiền thuận lợi. Gần đó lại có khu công nghiệp với nhiều công ty liên doanh nước ngoài hoạt động, số người lao động ở các xã vùng ven đến làm công nhân ngày càng đông đúc.

Không bỏ lỡ thời cơ buôn bán kinh doanh, nhà bà Thi đã mở quán bán nước giải khát, còn nhà bà Sắc thì xây quán làm dịch vụ ăn uống. Mùa hè nóng nực, khách đến nườm nượp quán nhà bà Thi để uống các loại nước sinh tố và bia hơi. Có hôm khách đến quán rất đông trong cùng một thời điểm, bà Thi sang hỏi kê nhờ hai bộ bàn ghế nhựa sang phía đất trống ngay liền kề nhà bà Sắc, nhưng bà không đồng ý với lý do "làm mất vệ sinh"! Thỉnh thoảng bà Sắc lại chất hàng đống rác rưởi, giấy vụn ngay lề đường rồi châm lửa đốt, mặc cho khói bay mù mịt vào quán nhà bà Thi làm khách hàng cay xè mắt. Bà Thi đề nghị bà Sắc cùng giữ vệ sinh chung thì bà Sắc lên giọng "mát mẻ":

- Tôi đốt rác ở vị trí nhà tôi, chứ có sang địa phận nhà bà đâu? Bà cứ giữ gìn sạch sẽ cho nhà bà đã, tôi không cần ai phải "giáo huấn" cho mình về giữ gìn vệ sinh môi trường công cộng!

Mùa đông rét mướt, quán giải khát của bà Thi vắng khách hẳn. Trong khi đó quán ăn uống của bà Sắc ngày nào cũng đông người, nhất là buổi sáng. Có hôm khách không còn chỗ để xe máy nên đã để lấn sang phần đất quán của nhà bà Thi, bà cũng đã yêu cầu khách dắt xe ra chỗ khác. Bà Sắc nhìn thấy hành động đó của bà Thi, bảo:

- Chỉ có mỗi cái xe máy để nhờ ở phần đất trống mà bà cũng không cho, thật là quá đáng!

Lúc này, bà Thi mới lên tiếng:

- Vâng, tôi vẫn mang tiếng là người quá đáng! Nhưng bà còn nhớ có lần một khách hàng đến quán tôi uống nước, do chật chội quá đã đẩy lùi chiếc ghế nhựa đặt lên phần đất nhà bà, bà cũng một mực đuổi đi không? Bà có đất, có quán thì bà giữ gìn. Còn đất nhà tôi, quán nhà tôi thì tôi sử dụng. Không nên nói nhiều vô tích sự!

Rất ấm ức trong lòng, nhưng bà Sắc lúc đó miệng như ngậm phải hạt thị.

Ngay ngày hôm sau, bà Sắc rạch một rãnh thẳng rồi đổ vôi bột vào thành một đường ranh giới để phân định rõ "chủ quyền" đất quán của mỗi nhà. Qua thời gian mưa nắng, đường ranh giới cũng dần dần bị mờ nhạt. Tuy nhiên, chính cái đường ranh giới "vô hồn" ấy đã trở thành "hố ngăn cách" tình cảm giữa hai gia đình từng là láng giềng thân thiết với nhau mỗi ngày thêm sâu. Dân gian có câu: "Bán anh em xa, mua láng giềng gần" và "Buôn có bạn, bán có phường". Song chỉ vì chút nhỏ nhen, ích kỷ không đúng lúc, đúng chỗ, bà Thi và bà Sắc đã tự mình "bán" cả "phường" và "bạn", "bán" cả tình làng nghĩa xóm mà hai người đã hơn nửa đời dày công giữ gìn, vun đắp.