Mang tò he sang Mỹ!

Nghề "bán niềm vui"

Sinh ra và lớn lên trên một vùng đồng chiêm trũng, ông Thuận được thừa hưởng từ ông cha mình nghệ thuật nặn tò he - một nghệ thuật độc đáo của vùng đồng bằng Bắc Bộ. Không ai biết nghề làm tò he có từ bao giờ và cũng không ai biết ai là ông tổ của nghề, nhưng người làng Xuân La đã coi nghề làm tò he như một nghề để kiếm thêm đồng rau, đồng cháo.

Như bao đứa trẻ cùng làng, từ lúc lên 6, lên 8, ông Thuận đã lân la theo ông, theo cha học nặn tò he. "Ban đầu, chỉ với những cục bột thừa, tôi đã bắt chước những người lớn nặn những con giống, hoa hồng, người lính... Sau dần, nghề nặn tò he ngấm vào máu mình lúc nào không biết - ông Thuận cho chúng tôi biết - Nghề này thì không ai dạy cả, chỉ có nhìn và quan sát, học "lỏm" người khác làm thì sẽ làm được thôi nhưng cũng tùy thuộc vào hoa tay và óc sáng tạo của mỗi người".

Vốn không phải là một nghề nặng nhọc và tốn sức, từ một chút bột gạo nếp cộng với phẩm mầu, người nặn khéo tay tạo ra những ông tiến sĩ, con rồng, phượng, chim muông, cỏ cây... Ngoài ra, mỗi người thợ làm tò he phải biết kết hợp những gam mầu, cùng óc sáng tạo và đôi bàn tay khéo léo của mình để làm sao cho sản phẩm thể hiện được nét tinh tế, sống động, phản ánh đúng thực tế cuộc sống.

Cứ vào mùa lễ Tết hàng năm, từ tháng giêng đến tháng ba âm lịch, khoảng 60% dân trong thôn tỏa đến các tỉnh trong cả nước để nặn tò he. Mỗi ngày, một người thợ cũng thu được từ 40 - 50 nghìn đồng, đợt cao điểm như những lễ hội lớn thu nhập lên đến hàng trăm nghìn đồng. Bảo đây là một nghề kinh doanh nhỏ cũng phải, nhưng với những người như ông Thuận, từng đôi mắt trẻ thơ cứ háo hức dõi theo bàn tay nặn của ông mới là điều làm ông vui nhất.

Nặn tò he nuôi cả ba con

Từ trong nam, ngoài bắc, nơi nào có lễ hội lớn là ông lại lên đường. Nghề nặn tò he không phải là một công việc vất vả nhưng phải nay đây mai đó, ông Thuận xem đó là những chuyến du lịch miễn phí của mình và cũng là cơ hội để kiếm thêm thu nhập cho gia đình. "Làm nghề nặn tò he cũng chỉ theo thời vụ nên không ai giàu được bằng nghề, nhưng tôi cố gắng giữ gìn nó bởi vì đó là nghề ông cha để lại. Bù lại, nghề cũng giúp tôi nuôi các con thành người. Tôi có ba người con trai và cả ba đều giữ được nghề truyền thống của gia đình" - ông Thuận tâm sự.

Nhiều người cho rằng, ở tuổi của ông Thuận hiện nay thì nên nghỉ ngơi, trông nom cửa nhà, vui thú với con cháu mà thôi. Nhưng trong thâm tâm ông Thuận luôn tâm niệm một điều không có gì quý hơn là đem niềm vui đến cho người khác bằng chính nghề của mình. "Đó cũng chính là niềm vui nguồn động viên cho tôi trong những ngày xa nhà đi làm nghề khi tuổi cũng đã khá cao rồi. Tuy nhiên, nhiều khi cũng thấy buồn - nói đến đây, giọng của ông Thuận có vẻ chùng xuống - ngồi nặn tò he ở đầu đường, góc chợ, người qua lại mà cạn nghĩ thì cũng hay khinh rẻ cái nghề này lắm".

Vẫn còn những nhọc nhằn

Được tin mình được chọn sang Mỹ giới thiệu nghề truyền thống, ông Thuận rất vui và tự hào: "Những năm gần đây, Bộ Văn hóa - Thông tin đã quan tâm đến nghề làm tò he nhiều hơn, đó là một dấu hiệu đáng mừng để nghề làm tò he ngày càng phát triển hơn nữa". Nhưng ông Thuận vẫn còn những nỗi lo: "Đây chỉ là công việc mùa vụ, không ổn định, chỉ phục vụ mùa lễ hội là chính, vì thế tôi mong rằng Nhà nước có chính sách quan tâm ưu đãi đối với chúng tôi để phát triển làng nghề truyền thống một cách quy mô hơn".

Ông Đào Duy Mến - Trưởng thôn Xuân La cho biết: "Từ trước đến nay, nói đến nghề nặn tò he là người ta nghĩ ngay đến Xuân La, nhưng hiện tại chúng tôi vẫn chưa được công nhận là làng nghề. Vì vậy tôi thực sự mong muốn làng chúng tôi được công nhận là làng nghề truyền thống để duy trì một nét văn hóa truyền thống của dân tộc. Từ đó có thể xây dựng một đời sống vật chất tinh thần tốt hơn cho người dân".