Luồng sinh khí mới

Ngày 17/6, Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đã ký kết một gói thỏa thuận lịch sử tại Hội nghị cấp Bộ trưởng lần thứ 12 (MC12) diễn ra ở Geneva (Thụy Sĩ). Kết quả đột phá này giúp thế giới ứng phó tốt hơn với những vấn đề “nóng” của toàn cầu hiện nay như tình trạng thiếu lương thực, vaccine ngừa Covid-19 hay vấn đề trợ cấp nghề đánh bắt cá.

Biếm họa: KHALID
Biếm họa: KHALID

Hội nghị Bộ trưởng WTO thường được tổ chức hai năm một lần và có sự tham gia của các bộ trưởng thương mại cũng như quan chức cấp cao khác đến từ 164 thành viên của tổ chức này. MC12 đã bị hoãn hai lần do dịch Covid-19. Ban đầu, hội nghị dự kiến được tổ chức vào tháng 6/2020 tại Thủ đô Nur-Sultan của Kazakhstan. Sau đó, thời gian tổ chức được ấn định lại từ ngày 30/11 đến ngày 3/12/2021.

Các cuộc đàm phán tại MC12 đã bắt đầu từ ngày 12/6 và được kéo dài thêm hai ngày. Thỏa thuận lịch sử trên đã khép lại các cuộc đàm phán khó khăn vốn được Tổng Giám đốc WTO, bà Okonjo-Iweala dự báo là “gập ghềnh và nhiều sỏi đá”. Reuters dẫn lời bà Okonjo-Iweala cho biết, Hội nghị Bộ trưởng của WTO tại Geneva đã đạt “một gói thỏa thuận chưa từng có”, có thể đem lại sự khác biệt cho đời sống của nhiều người trên thế giới. Theo thông lệ của WTO, 164 quốc gia thành viên phải nhất trí đồng thuận, chỉ một phiếu chống về một chủ đề cũng có thể làm ảnh hưởng các cuộc đàm phán.

Thỏa thuận về đánh cá là thỏa thuận cuối cùng mà các bên đạt được trong cuộc “chạy đua với thời gian” tại hội nghị lần này. Các phái đoàn đã rất nỗ lực thảo luận trong sáng 17/6 về việc cấm các khoản trợ cấp tạo điều kiện đánh bắt dư thừa khiến đe dọa sự ổn định của các vựa cá toàn cầu. Theo một báo cáo của WTO, mỗi năm, các nước trên thế giới chi hơn 35 tỷ USD để trợ cấp cho các hoạt động đánh bắt cá, theo đó đe dọa các nguồn dự trữ cá tự nhiên và ngành ngư nghiệp. Hầu hết các chính phủ đều đồng ý rằng cần bảo vệ nguồn dự trữ cá trên biển vì đây là nguồn tài nguyên quan trọng và thiết yếu với hàng triệu người dân ven biển trên thế giới. 

Trước khi đạt thỏa thuận ngày 17/6, các cuộc đàm phán về vấn đề trợ cấp sao cho hợp lý, tránh tiếp tay cho hoạt động khai thác cá theo kiểu tận diệt vẫn bế tắc trong một loạt vấn đề, trong đó có đề nghị áp dụng một số quy chế miễn trừ đặc biệt đối với những quốc gia nghèo nhất và các quốc gia đang phát triển. Trên thực tế, nhiều nước trong số các nước khai thác cá lớn nhất trên thế giới là các quốc gia đang phát triển. Vì thế, thỏa thuận của MC12 được xem là chế tài nhằm bảo đảm nguồn cung cá trên biển không bị khai thác quá nhiều, bất kể các nước nghèo hay giàu.

MC12 cũng đạt thỏa thuận về miễn một phần việc áp dụng quyền sở hữu trí tuệ đối với các loại thuốc điều trị Covid-19. Hội nghị cũng nhất trí các thỏa thuận về thương mại điện tử và cải cách tổ chức WTO. Ngoài vấn đề hoạt động đánh bắt cá và đại dịch, thì các vấn đề khác như nông nghiệp, dịch vụ, hỗ trợ các nước kém phát triển, các chính sách ưu tiên của tổ chức này trong tương lai cũng nằm trong chương trình nghị sự của MC12. Bà Okonjo-Iweala cho biết: “Gói thỏa thuận vừa đạt được sẽ tạo ra sự khác biệt cho đời sống của mọi người trên thế giới. Kết quả này cho thấy WTO trên thực tế hoàn toàn có thể ứng phó các tình huống khẩn cấp trong thời đại của chúng ta”.

MC12 diễn ra trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới gặp khó khăn chưa từng thấy do đại dịch và các xu hướng biến đổi địa-chính trị hiện nay gây ra, những yếu tố đem lại cả thách thức và cơ hội liên quan thương mại. Phái đoàn của Liên minh châu Âu (EU) nhận định rằng, WTO có thể đóng vai trò trung tâm trong các hành động ứng phó toàn cầu đối với những thách thức kinh tế và địa-chính trị.

Trong bối cảnh đó, MC12 được xem là “phép thử” cho khả năng đạt thỏa thuận thương mại đa phương trong bối cảnh căng thẳng tăng cao trên cấp độ toàn cầu và ở nhiều lĩnh vực. Giới quan sát cho rằng, việc WTO đạt được thỏa thuận trên sẽ mở đường cho tổ chức đa phương này tiếp tục gây dựng sự đồng thuận giữa các thành viên, từ đó hợp sức đưa ra những thỏa thuận, sáng kiến mới nhằm giúp người dân toàn cầu chống chọi những cuộc khủng hoảng nghiêm trọng như hiện nay.