Lựa chọn hàng bán

Tuần vừa qua xuất hiện thông tin về việc Thế giới di động (TGDĐ) chấm dứt hoạt động mảng kinh doanh quần áo, trang sức sau khoảng nửa năm triển khai rầm rộ.
0:00 / 0:00
0:00

Mặc dù là tên tuổi lớn trong ngành bán lẻ nhưng việc TGDĐ đóng cửa những lĩnh vực nói trên là không bất ngờ. Từ khi mới xuất hiện thì AVAFashion (quần áo) và AVAJi của TGDĐ đã bộc lộ sự non kém so với các đối thủ. Điểm dễ thấy là hàng hóa kém đa dạng, website bán hàng, cách trình bày không bắt mắt.

Chuyện thử và sai vốn dĩ thường tình trong kinh doanh nhưng với riêng trường hợp TGDĐ cho thấy, dù mới chỉ “thử” nhưng lãnh đạo của đơn vị này lại thường nói về tương lai… như thật, nào là doanh thu khủng, thị phần lớn… Những năm trước đây, khi Bách Hóa Xanh mới xuất hiện, lãnh đạo của TGDĐ cũng đưa ra những viễn cảnh hoành tráng, nhưng đến giờ vẫn đang loay hoay để thực hiện và tất nhiên các “ông lớn” trong kênh bán lẻ truyền thống từ chợ, siêu thị, các cửa hàng tiện lợi hiện nay vẫn đứng vững. Bách Hóa Xanh chưa có “cửa” để làm lung lay vị thế các ông lớn này. Và cũng nên nhớ rằng, cứ mỗi lần thử và sai, thì tất nhiên tiêu tốn không ít chi phí.

Mới đi vào hoạt động từ đầu năm 2022, nhưng Khu nghỉ dưỡng Cần Thơ Eco (Can Tho Eco Resort) đang nhận được mưa lời khen từ du khách bởi chất lượng dịch vụ được đánh giá là nổi trội tại khu vực miền Tây Nam Bộ. Tuy nhiên, chị Hồng Cẩm, Giám đốc Can Tho Eco Resort lại khiêm nhường cho biết: Mặc dù có kinh nghiệm trong một số lĩnh vực đầu tư, kinh doanh nhưng đến bây giờ cá nhân tôi vẫn tự nhủ mình chỉ là “người mới” trong ngành du lịch và cần rất nhiều thời gian để hoàn thiện quy trình quản lý dựa trên các ý kiến của khách hàng và sự ủng hộ từ cơ quan quản lý. Một số du khách “trách” chúng tôi không quảng bá rộng rãi để họ có thể biết đến khu nghỉ dưỡng sớm hơn nhưng tôi cũng xin nói thành thật rằng, tôi rất ngại nếu có nhiều khách đến nhưng lại không thể phục vụ một cách tốt nhất nên vẫn chọn hướng đi thận trọng, chậm và chắc. Khi bán hay cung cấp dịch vụ, thì người tiêu dùng phải được tối ưu hóa lợi ích trước nhất.

Một trường hợp khác cũng cho thấy sự thận trọng tương tự là việc Tiki tiến vào lĩnh vực phân phối thực phẩm sau khi phân phối sách, phân phối hàng điện tử… Sự thận trọng của Tiki là khá rõ khi những ai mua các loại thực phẩm tươi sống như hải sản, thịt, cá hay trái cây, rau củ quả… đều khá hài lòng. Tuy nhiên, sàn thương mại điện tử này vẫn chưa đẩy ngành thực phẩm lên “tốp” tương tác với khách hàng, mà vẫn để theo kiểu thận trọng trong vòng một năm vừa qua. Và điều cần thấy rõ là cũng với cách làm thận trọng này, từ chỗ chỉ bán sách, Tiki cũng đã chiếm được thêm thị phần phân phối hàng điện tử, điện máy…

Thực tế thì tham vọng “đa ngành”, bán nhiều mặt hàng không sai, vì nó tạo nên sức mạnh cho các nhà bán lẻ. Tuy nhiên, tâm lý hoặc có thể gọi là niềm kiêu hãnh “bán được sản phẩm A, thì cũng bán được sản phẩm B, C…” có thể khiến nhiều đơn vị phải trả giá nếu thiếu đi sự thận trọng.