Lối thoát mới

Trong bối cảnh khó khăn bủa vây, nhiều sáng kiến mới đã ra đời, giúp các nước tìm được hướng đi ổn định nền kinh tế.
0:00 / 0:00
0:00
Nhu cầu du lịch trong nước của Nga gia tăng.
Nhu cầu du lịch trong nước của Nga gia tăng.

1. Người đứng đầu Tổng cục Du lịch LB Nga (Rostourism), bà Zarina Doguzova cho biết lượng khách du lịch trong nước Nga từ tháng 5 đến tháng 8/2022 là khoảng 25 triệu lượt. Nhu cầu đi du lịch ở Bắc Caucasus đã tăng lên từ các thành phố St.Petersburg, Moscow và các tỉnh: Moscow, Nizhny Novgorod, Kazan.

Theo người đứng đầu Rostourism, mùa thu vàng cùng mùa trượt tuyết sắp tới đã thúc đẩy doanh số bán các tour du lịch và đặt phòng khách sạn trong giai đoạn này tăng gấp 2-3 lần, nhờ các chương trình khuyến mãi.

Tổng cục Du lịch Nga triển khai đợt mở bán tour nội địa mùa thu hoàn 20% chi phí áp dụng trong thời gian ngày 1/10-25/12. Đánh giá về du lịch nội địa của Nga, báo The Christian Science Monitor của Mỹ nhận định: Các lệnh trừng phạt từ phương Tây đã thúc đẩy sự phát triển của thị trường này, và người dân Nga đang khám phá những địa điểm mới trên đất nước của họ. Theo bài báo, việc đồng rúp tăng giá cũng góp phần thúc đẩy du lịch nội địa Nga, bất chấp các lệnh trừng phạt cứng rắn nhằm vào Moscow.

2. Tại buổi lễ khởi công xây dựng nhà máy sản xuất chất bán dẫn của Tập đoàn Intel trị giá 20 tỷ USD, Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố việc sản xuất vi mạch (chip) tinh vi cho máy tính là một vấn đề an ninh quốc gia. Ông Biden cho rằng Mỹ cần phát triển kỹ thuật hiện đại cho các hệ thống vũ khí trong tương lai, vốn sẽ phụ thuộc nhiều hơn vào vi mạch máy tính.

Theo Đạo luật Khoa học và Chip, Mỹ sẽ dành 280 tỷ USD trong 10 năm tới cho lĩnh vực sản xuất chip và nghiên cứu khoa học. Trong số này, 52 tỷ USD sẽ dành riêng cho ngành sản xuất chip, trong đó 39 tỷ USD sẽ được phân bổ cho các ưu đãi trực tiếp nhằm kích thích sản xuất, thúc đẩy việc xây dựng và mở rộng các nhà máy sản xuất bán dẫn. Đạo luật này được thông qua với sự đồng thuận hiếm hoi của lưỡng viện Quốc hội Mỹ, khi các nghị sĩ thuộc cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa đều đánh giá luật này là cần thiết để giúp Mỹ cạnh tranh kinh tế với Trung Quốc, cũng như tăng cường an ninh quốc gia.

3. Nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng năng lượng, trong cuộc họp bất thường tối 12/9, Chính phủ Czech đã quyết định áp giá trần đối với điện và khí đốt. Theo đó, các hộ gia đình và doanh nghiệp Czech sẽ trả tối đa 6 korun cho mỗi kWh điện và 3 korun cho mỗi kWh khí đốt. Bộ trưởng Tài chính Czech Zbynek Stanjura cho biết nước này cần chi khoảng 130 tỷ korun (khoảng 5,3 tỷ USD) để thực hiện biện pháp áp giá trần.

Lối thoát mới ảnh 1
Chính phủ Czech đã quyết định áp giá trần với điện và khí đốt.

Theo ông Stanjura, Chính phủ Czech có thể thu được 2,9 tỷ USD từ thuế lợi nhuận bất thường trong năm 2023. Để thực hiện có hiệu quả biện pháp áp giá trần, Czech còn buộc các nhà sản xuất năng lượng bán một phần sản lượng, từ 10-20%, cho nhà nước hoặc công ty bán lẻ của nhà nước. Theo Chính phủ Czech, việc áp giá trần sẽ giúp chi phí tiền điện trung bình của mỗi hộ gia đình Czech vào năm tới giảm 50% xuống còn 747 USD. Tương tự, chi phí tiền khí đốt sưởi ấm trung bình trong năm tới của các hộ gia đình tại Czech được dự báo cũng giảm 50% còn gần 3.000 USD. Theo số liệu được Cơ quan Thống kê Czech, tỷ lệ lạm phát tại nước này đã lần đầu giảm sau 12 tháng tăng liên tiếp.

4. Chính quyền Mỹ đang đẩy mạnh chương trình nghiên cứu trên toàn nước Mỹ, nhằm phát triển các phương pháp điều trị và chữa trị bệnh ung thư - căn bệnh được Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ đánh giá là nguyên nhân gây tử vong cao thứ hai ở nước này sau các bệnh tim mạch.

Bà Danielle Carnival, điều phối viên nghiên cứu về bệnh ung thư của Nhà trắng cho biết: Chính quyền của Tổng thống Biden nhận thấy tiềm năng to lớn của xét nghiệm máu trong công tác chẩn đoán và điều trị ung thư. Mục tiêu của nghiên cứu này là tiến gần hơn đến một tương lai khi bệnh ung thư có thể được phát hiện thông qua xét nghiệm máu định kỳ, có khả năng thay thế các thủ thuật nặng nề và xâm lấn hơn như nội soi ruột, và do đó cứu sống được nhiều người hơn. Chính quyền của Tổng thống Biden đặt mục tiêu giảm 50% tỷ lệ tử vong do ung thư ở Mỹ trong 25 năm tới.