Việc nhà

Chiều mười bốn Âm lịch hằng tháng, đã thành lệ, bà con thôn Hạ ra  đình làng thắp hương, tụ họp. Cụ Cả Tam vừa lấy phất trần phẩy bụi bộ đỉnh đồng vừa dặn với đứa cháu: Kỳ này đình vắng người, cháu hãm cho ông hai ấm chè xanh là đủ.
 

- Ờ mà tuần này sao vắng vậy nhỉ? -  Mấy bà, mấy cô vừa sắp lễ bên thềm vừa hỏi nhau.

- Hôm nay ông Sỹ về làng.

- Mọi bận ông Sỹ về thường có mấy ô-tô về cùng, đỗ đầu làng cơ mà.

- Bác không biết sao, ông Sỹ về hưu rồi, ông về quê sống. Nay thấy cả họ Ngô kéo sang nhà ông, dễ làm có đến mấy chục mâm. À mà đây, cô Xoan là dâu trong nhà, nói xem có đúng không?

- Dạ vâng, thưa các bác đúng vậy, mà có điều là ông Sỹ nhà con không phải làm, mà con cháu trong họ làm hết, đón ông về - cô Xoan nói.

Bỗng chốc chuyện nhà ông Sỹ họ Ngô trở thành câu chuyện của các cụ ông, cụ bà nơi cửa đình làng Hạ. Cô cháu hể hả: Các bác tính, ông cháu khi  công tác đã bố trí, lo việc cho đến vài chục  người anh em, con cháu trong nhà. Nay họ đều ăn nên làm ra, cùng về làm bữa cơm thay mặt cả họ đón ông về vui cảnh quê là phải lắm chứ.    

Chuyện mới rõ, ông Sỹ là niềm tự hào của họ Ngô. Từ một Bí thư  Ðoàn xã, năng nổ giỏi giao tiếp, ông trở thành Bí thư Huyện Ðoàn rồi Bí thư Tỉnh Ðoàn. Ông được đề bạt  làm trưởng ngành quan trọng của tỉnh, tham gia cấp ủy khi còn trẻ. Từ đó đến lúc về hưu, ông có dư hai mươi năm làm cán bộ lãnh đạo cấp tỉnh. Bà con bảo chưa biết ông làm được lợi gì  cho tỉnh nhưng con cháu dòng họ Ngô của ông từ đó được hưởng ân huệ lớn. Tính đúng, tính đủ ông đã giúp cho tới hai mươi ba anh, chị em, con cháu họ Ngô vào làm việc trong các cơ quan của tỉnh. Trong đó, chỉ có duy nhất đứa em họ ông là tốt nghiệp đại học chính quy. Số còn lại, đều trượt đại học, công nhân mất việc, lao động tự do.  Họ nghe lời ông, bằng mọi giá theo học đại học tại chức. Nhiều anh học phổ thông "tằng tằng" hai, ba năm một lớp, có anh công nhân bị thải hồi hay lao động tự do về ghi tên học đại học hệ tại chức. Các cô, cậu thuê học, thuê thi, khi có tấm bằng đại học, đến tay ông, đều   trở thành nhân viên,  công chức của tỉnh. Rồi với sự bảo trợ của ông, nhiều anh nay đã lên chức trưởng phòng, có anh là cấp phó một ngành của tỉnh.  Nhiều anh, chị nhân viên, công chức thuộc họ nhà ông Sỹ,  khi lấy vợ, lấy chồng mà chưa có việc làm, lại cậy nhờ ông "mách nước". Nhờ có tiếng nói của ông, họ cũng đã toại nguyện trở thành "người nhà nước".

Nghe bà con nói chuyện nhà ông Sỹ họ Ngô, một ông  bảo: Hèn nào, tôi nghe đài, báo nói cán bộ, công chức của mình có đến  một phần ba ăn lương mà làm việc không hiệu quả. Lại còn cái tỷ lệ "công bộc" làm ăn làng nhàng chưa xứng với "đồng tiền bát gạo" hưởng của dân mà còn xà xẻo công quỹ, chưa ai tính.

 - Xét cho cùng những người lãnh đạo mà như ông Sỹ làng ta chính là đã góp phần tạo ra cái "thảm cảnh" ấy...

Bên cửa đình, bà con làng Hạ vẫn không ngớt bàn thảo.