Lời giải nào cho bài toán
nước sạch đô thị?

Ở nước ta, quá trình đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ, tình trạng nguồn nước cạn kiệt, ô nhiễm môi trường, ngập lụt, biến đổi khí hậu... làm nảy sinh những vấn đề cấp thiết cần thay đổi để thích ứng. Ngành cấp thoát nước cũng không nằm ngoài vòng xoáy đó. Nhiều vấn đề quan trọng của ngành nước hiện nay đang chịu sự quản lý chồng chéo của các luật như tài nguyên nước, thủy lợi, đầu tư... làm cản trở đáng kể đến sự phát triển. Hệ thống hạ tầng cấp thoát nước cần được cải tiến, nâng cấp một cách đồng bộ rốt ráo hơn.

Làm gì để bảo đảm tính bền vững cho sự phát triển ngành nước trong tương lai? Cùng Nhân Dân hằng tháng tìm hiểu, gặp gỡ, trò chuyện với người trong cuộc để nắm bắt hiện trạng và đưa ra những kiến giải có tính chất gợi mở vì tương lai phát triển bền vững của ngành nước nói chung, cụ thể là khu vực nước sạch đô thị, trong tương lai.

Ngổn ngang nỗi lo

Việt Nam là quốc gia có nguồn tài nguyên nước rất lớn, nhưng vẫn còn tình trạng thiếu nước sạch, đặc biệt ở đô thị. Nước ở đô thị giờ đây không chỉ đủ dùng, mà còn phải bảo đảm tiêu chuẩn về chất lượng sạch, an toàn. Đó là đòi hỏi hoàn toàn chính đáng của người dân, trước những thách thức từ khách quan và chủ quan mà ngành cấp nước không ngừng nỗ lực để đáp ứng, vì mục tiêu nâng cao chất lượng sống.

Nước sạch liệu có sạch?

Gia đình anh chị Tuấn Phương, sau nhiều năm sinh sống ở Pháp, đã phát hiện nhiều điều khác biệt ngay ngày đầu tiên trở về Hà Nội. Hai cậu con trai ở độ tuổi trung học vừa vào nhà, quen nếp sống bên Pháp, khát nước vội mở vòi ở bếp rót thẳng ra cốc hồn nhiên uống. Dù đã cố giải thích nhưng các con chị vẫn không thể nào thông suốt, tại sao lại phải thêm một khâu xử lý cồng kềnh là lọc nước từ hệ thống nước sạch mình đã mua từ nhà máy nước? Để nhanh gọn, ngay hôm đó, vợ chồng chị tìm hiểu để lắp đặt ngay máy lọc nước gia đình.

Rời Hà Nội hơn hai thập kỷ trước, chị Phương vẫn không quên những ngày hè Hà Nội mất nước, cứ phải chầu chực cả đêm bên vòi nước công cộng để đợi hứng nước sạch. Những chiếc can nhựa trắng chứa nước thần thánh một thời vẫn còn nguyên trong ký ức. “Tôi không yên tâm với chất lượng nước được cung cấp từ nhà máy nước sạch. Thực tế, hầu hết người dân đều chủ động lắp thêm các thiết bị lọc để cải thiện chất lượng nước, không nên phó mặc sức khỏe gia đình khi không thấy tin tưởng” - chị Phương giải thích.

Gia đình chị Phương không phải là cá biệt. Người dân ở các đô thị lớn hầu hết khi được hỏi về nước sạch sinh hoạt đều có chung tâm lý chưa hài lòng. Phí sử dụng nước sạch đóng đều đặn hàng tháng nhưng thử hỏi giờ có mấy nhà không có hệ thống lọc nước gia đình? Điều đó cho thấy mức độ tin tưởng của người dân với chất lượng nước của nhà cung cấp dịch vụ. Và thực tế, đâu đó vẫn thấy phản ánh là nước sạch hứng trực tiếp từ vòi bị vẩn đục, chuyển mầu, có mùi lạ... Người dân có quyền nghi ngờ mối liên hệ giữa nguồn nước bị ô nhiễm với những căn bệnh mắc phải về da, mắt, đường ruột, nhiễm khuẩn, nhiễm ký sinh trùng, thậm chí ung thư?

Số liệu thống kê cho thấy, thị trường máy lọc nước Việt Nam đã và đang phát triển khá sôi động. Nhu cầu sử dụng máy lọc nước ở nhiều địa phương, đặc biệt các đô thị gia tăng. Máy lọc nước trở thành nhu cầu cơ bản như đồ gia dụng trong gia đình hay trong căn bếp của các bà nội trợ để bảo vệ sức khỏe.

Quản lý, giám sát chất lượng nước còn lỏng lẻo

Tính đến hết tháng 8 năm 2021, Việt Nam có 862 đô thị bao gồm 2 đô thị đặc biệt; 23 đô thị loại I; 32 đô thị loại II; 48 đô thị loại III; 90 đô thị loại IV và 668 đô thị loại V. Tỷ lệ đô thị hóa khoảng 41% với khoảng 37 triệu dân. Dự báo đến năm 2030, tỷ lệ đô thị hóa khoảng 45%, dân số đô thị đạt khoảng 46-47 triệu. Với sự phình ra ngày một lớn của các đô thị, nước sạch là một dịch vụ thiết yếu cần được bảo đảm để nâng cao chất lượng cuộc sống, bảo đảm sự phát triển của nền kinh tế.

Tại Tuần lễ Nước Việt Nam 2022 vừa diễn ra trung tuần tháng 11 vừa qua, nội dung bảo đảm chất lượng nước là vấn đề lớn thu hút sự quan tâm. Ở các đô thị, đặc biệt là đô thị lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, Nha Trang, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương..., chuyện nước sinh hoạt hằng ngày trở thành một phần ký ức không thể thiếu trong đời sống người dân. Giờ đây, nước sinh hoạt đã được cải thiện nhiều, cơ sở hạ tầng nâng cấp, nhiều đơn vị cấp nước hơn đồng nghĩa với dịch vụ cấp nước ngày càng được cải thiện nhiều hơn, đáp ứng nhu cầu người dùng.

Theo số liệu của Bộ Xây dựng, tính đến quý I/2022, cả nước có 750 nhà máy nước sạch đô thị và nông thôn phụ cận đang hoạt động với tổng công suất các nhà máy nước 11,2 triệu m3/ngày đêm. Tỷ lệ dân cư đô thị được cung cấp nước sạch 92%, trong đó tỷ lệ thất thoát, thất thu nước sạch 17,5% (có khoảng 250 doanh nghiệp cấp nước đô thị trong đó 105 doanh nghiệp chuyển đổi mô hình từ công ty TNHH MTV sang công ty cổ phần). Các số liệu ước tính cũng chỉ ra, tỷ lệ cấp nước cho sinh hoạt đô thị chiếm khoảng 57-69%. Sau hàng loạt sự cố ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước, người dân mất lòng tin với sự an toàn chất lượng nguồn nước sinh hoạt không chỉ ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh mà ở hầu hết các đô thị lớn nhỏ. Ngành cấp nước vẫn còn gặp những khó khăn, thách thức do tốc độ đô thị hóa, dân số tăng nhanh, việc đầu tư phát triển hạ tầng cấp nước chưa đáp ứng kịp thời yêu cầu, phạm vi bao phủ dịch vụ cấp nước thấp (cụ thể mới chỉ có khoảng 80% dân số thành thị được cấp nước qua hệ thống cấp nước tập trung), chất lượng dịch vụ cấp nước cũng chưa ổn định.

Chất lượng nước của một số trạm cấp nước quy mô nhỏ tại khu đô thị mới, khu chung cư hay tại giếng khoan khai thác quy mô nhỏ lẻ còn hạn chế, chưa đạt yêu cầu quy định như: chỉ số clo dư thấp, ô nhiễm asen, amôni, chỉ tiêu vi sinh và một số chỉ tiêu khác. Mạng lưới đường ống cấp nước đô thị trải qua nhiều giai đoạn đầu tư đã cũ, rò rỉ, gây tỷ lệ thất thoát nước cao, thậm chí có thể có sự xâm nhập của chất thải.

Việc quản lý, sử dụng công trình cấp nước chưa được giám sát chặt chẽ. Chính vì thế, các đô thị trên toàn quốc thời gian gần đây vẫn để xảy ra các sự cố cấp nước... Đặc biệt khi sự cố xảy ra, việc khắc phục sửa chữa có phần lúng túng, bị động, không kịp thời gây khó khăn cho cộng đồng người tiêu dùng.

Một vấn đề nữa gây bức xúc trong cộng đồng là công tác kiểm định giám sát chất lượng nước sạch chưa thực hiện nghiêm. Theo Thông tư 41, các viện chuyên ngành thuộc Bộ Y tế có trách nhiệm báo cáo tình hình chất lượng nước sạch trong địa bàn được phân công phụ trách theo định kỳ 6 tháng/lần; Sở Y tế chỉ đạo các đơn vị trực thuộc kiểm tra, giám sát chất lượng nước. Hai đơn vị được giao trách nhiệm ngoại kiểm định kỳ và đột xuất chất lượng nước sạch là Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh và Trung tâm y tế dự phòng, thực tế đã và đang thực hiện đến đâu, kết quả ra sao, người dân có quyền được biết không? Tất cả những vướng mắc trên khi chưa được ngành nước xử lý rốt ráo sẽ chưa thể phát triển bền vững và khỏe khoắn.

Hệ thống quản lý cấp nước thông minh Nhà máy nước sạch sông Đuống. Ảnh: Nguyễn Hải

Hệ thống quản lý cấp nước thông minh Nhà máy nước sạch sông Đuống. Ảnh: Nguyễn Hải

Còn thiếu hành lang pháp lý ở cấp Luật chuyên ngành

Nguồn nước được điều tiết bởi Luật Tài nguyên nước quy định về quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra thuộc lãnh thổ Việt Nam...và tài nguyên nước bao gồm nguồn nước mặt, nước dưới đất, nước mưa và nước biển thuộc lãnh thổ Việt Nam; Luật Thủy lợi quy định về quản lý, khai thác công trình thủy lợi và vận hành hồ chứa thủy điện phục vụ thủy lợi; dịch vụ thủy lợi; bảo vệ và bảo đảm an toàn công trình thủy lợi; thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng; Luật Bảo vệ môi trường quy định điều tiết các vấn đề ô nhiễm môi trường nước.

Các vấn đề về khai thác nguồn nước, xả thải nước vào các nguồn nước đều được điều tiết chung từ các điều luật nêu trên, tuy nhiên không có quy định riêng đối với nước phục vụ cho sinh hoạt. Công tác đầu tư giám sát chất lượng các công trình cấp nước, chất lượng nước được điều tiết bởi Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch đô thị, Luật Đầu tư, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Tài nguyên nước, Luật An toàn thực phẩm, Luật Bảo vệ người tiêu dùng, Luật Doanh nghiệp, v.v. Như vậy, ngành nước đang tồn tại một nghịch lý trong phát triển: được điều tiết bởi rất nhiều luật, nhưng luật chuyên về ngành nước thì chưa có. Chính bất cập này khiến cho ngành nước gặp nhiều trở ngại khi hướng đến phát triển bền vững.

Tổ chức thực hiện :
Ban Nhân Dân hằng tháng
Nội dung :
Lâm Nhi-Đức Tuấn-Lâm Việt Tùng-Tiểu Vũ-Bình Nhi
Trình bày mỹ thuật :
Duy Thanh
Ảnh :
Nguyễn Hải, Trần Đức, Hương Nguyễn, Reuters, nguồn internet