Lời đe dọa của mùa xuân

Nếu diễn biến dịch bệnh nghiêm trọng tiếp diễn, tổng số ca tử vong tại châu Âu có thể tăng thêm 700.000 ca lên 2,2 triệu ca vào mùa xuân tới. Đó là một dự báo lạnh người mới được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đưa ra, và đó cũng là một lời cảnh báo gay gắt đối với toàn cầu.

Tính đến cuối tuần trước, số ca tử vong theo ngày tại châu Âu đã tăng lên gần mức 4.200 ca/ngày, gấp đôi so số liệu hồi cuối tháng 9.

WHO khu vực châu Âu thông báo: Có bằng chứng cho thấy sự sụt giảm về khả năng bảo vệ ở những người đã tiêm vaccine phòng Covid-19 trước nguy cơ mắc bệnh. Có ba yếu tố dẫn đến việc số ca tử vong ở cựu lục địa tăng trở lại được chỉ rõ: Khả năng siêu lây nhiễm của biến thể Delta; việc nhiều nước nới lỏng các biện pháp kiểm dịch cơ bản như đeo khẩu trang, giãn cách tại địa điểm công cộng; và nhất là hiện trạng một bộ phận lớn người dân châu Âu vẫn chưa tiêm vaccine. Lý do cuối cùng, rõ ràng, tạo nên những sự đứt gãy trong "phòng tuyến" ngăn ngừa lây nhiễm cộng đồng.

Đến cả nước Đức-nền kinh tế lớn nhất, đất nước phát triển hàng đầu và là một trong hai quốc gia lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) - cũng đang lao đao bởi nguy cơ bùng phát dịch quay trở lại. Ngày 22/11, Thủ tướng Đức Angela Merkel cảnh báo: "Chúng ta đang chứng kiến một tình huống rất cấp bách, và các quy định hiện nay là không đủ". Theo bà, hệ thống y tế Đức sẽ sớm trở nên quá tải, nếu làn sóng dịch bệnh hiện nay không được khống chế.

Và đến ngày 23/11, trong vòng 24 giờ, Đức ghi nhận 45.326 ca mắc mới.

Nhìn từ nước Đức, WHO châu Âu lo ngại: Sẽ có 25 quốc gia châu Âu "đối mặt áp lực lớn về giường bệnh", và sẽ có 49 trong tổng số 53 nước có thể sẽ rơi vào tình trạng quá tải trong các khu điều trị tích cực. Bởi vậy, Giám đốc WHO châu Âu - Giáo sư Hans Kluge - khẩn thiết đề nghị: Chính phủ, giới chức y tế và từng cá nhân ở các nước châu Âu cần có hành động mang tính quyết định nhằm kiểm soát dịch bệnh.

Đồng thời, cơ quan y tế quan trọng này cũng khuyến cáo: Các quốc gia châu Âu nên ưu tiên triển khai tiêm mũi tăng cường đối với nhóm đối tượng dễ bị tổn thương nhất, bao gồm cả những người bị suy giảm hệ miễn dịch, người trên 60 tuổi và nhân viên chăm sóc y tế. Cùng đó, người dân châu Âu hãy đi tiêm chủng, hãy tuân thủ các biện pháp kiểm dịch và giãn cách xã hội nhằm ngăn chặn Covid-19 lây lan.

Song, thật ra, từ một tuần trước đó, nước Áo láng giềng của Đức đã áp đặt phong tỏa toàn quốc với tất cả những ai chưa tiêm vaccine. Đồng thời, từ ngày 15/11, Vienna trở thành khu vực đầu tiên trong EU triển khai tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ từ 5-11 tuổi tại một trung tâm tiêm chủng ở thủ đô nước Áo.

Trong khi đó, từ ngày 16/11, nước Pháp quyết định thắt chặt điều kiện đi lại đối với những người chưa được tiêm chủng tại tám quốc gia thành viên EU là Đức, Áo, Bỉ, Hy Lạp, Hungary, Ireland, Hà Lan và Czech. Hà Lan áp dụng lệnh giới nghiêm trở lại, yêu cầu các nhà hàng và quán bar phải đóng cửa sớm. Bỉ ra quy định buộc người dân làm việc tại nhà ít nhất bốn ngày trong tuần. Mà ở hai quốc gia ấy, tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ đã ở mức khá cao, lần lượt là 81% và 87%.

Càng lúc, châu Âu nói riêng và thế giới nói chung càng nhận thức được rõ hơn: Đại dịch Covid-19 toàn cầu không còn là một hiểm họa mơ hồ, mà đã là một nguy cơ hiển hiện rõ ràng trong thực tế, tác động và thay đổi thực tế một cách ghê gớm. Mặc dù vậy, từ nhận thức đến hành động tự giác lại vẫn còn là một quãng đường rất dài.

Không phải ngẫu nhiên, cho đến tận lúc này, nước Đức mới bắt đầu nghiêm túc cân nhắc đến chuyện "không loại trừ khả năng áp đặt quy định tiêm chủng bắt buộc (ngừa Covid-19) trong tương lai", theo Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn, như một "biện pháp cuối cùng".

Rất nhiều quốc gia khác, khi quá chú trọng đến việc "chiều chuộng" quyền tự do lựa chọn của từng cá nhân, cũng đã vô tình "tiếp tay" cho dịch bệnh làm ảnh hưởng đến những cá nhân khác trong xã hội, khi không đặt chuyện tự bảo vệ chính mình thành một nghĩa vụ.

Song, lần này, nếu không may đợt bùng phát thứ năm ở châu Âu trở thành hiện thực, rất nhiều điều chắc chắn sẽ phải thay đổi…