Lời cảnh báo

Lúc này, còn quá sớm để đưa ra nhận định về tác động của làn sóng dịch Covid-19 thứ tư đến nền kinh tế, tuy nhiên, cũng đã có những chỉ báo đưa ra về sự suy giảm sức khỏe của các doanh nghiệp (DN). Nếu như bốn tháng đầu năm nay, Việt Nam xuất siêu 1,29 tỷ USD thì chỉ hai tuần đầu của tháng 5 này, cán cân đã thay đổi theo hướng ngược lại khi nền kinh tế ghi nhận mức nhập siêu khoảng 350 triệu USD.

Con số này khiến cho các chuyên gia kinh tế cảm thấy quan ngại về tác động của dịch bệnh và quan trọng hơn, họ coi đây là lời cảnh báo nghiêm khắc về sự phụ thuộc của nền kinh tế vào khu vực DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Một lần nữa, chúng ta phải nói đến vai trò của cơ chế chính sách đối với việc thúc đẩy năng lực cạnh tranh của DN Việt trong các ngành công nghiệp, thúc đẩy sự hình thành của các tập đoàn kinh tế quy mô lớn của Việt Nam.

Năm 2021, cũng đã ghi nhận sự thay đổi trong chính sách hỗ trợ DN từ phía Chính phủ so ngay chính năm trước đó, theo hướng kéo dài sự hỗ trợ từ ngắn hạn chuyển sang trung hạn, bảo đảm thuận lợi cho DN khi xây dựng kế hoạch kinh doanh, kế hoạch phục hồi. Ðiều này đồng nghĩa với việc DN sẽ tăng khả năng dự liệu trước các diễn biến còn hết sức phức tạp của dịch bệnh. Một số động thái chính sách lớn có thể kể ra như Chính phủ ban hành Nghị định số 52/2021/NÐ-CP quy định gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuế đất cho DN, tổ chức hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh bị tác động tiêu cực bởi Covid-19 có thời hạn kéo dài đến hết năm 2021. Ðặc biệt, Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Chỉ thị số 13/CT-TTg về đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 với những yêu cầu, nguyên tắc rõ ràng, phân giao trách nhiệm của người đứng đầu trong việc sử dụng nguồn vốn này, giảm tình trạng đầu tư dàn trải… Thực hiện rốt ráo Chỉ thị này sẽ mang lại tác động lớn đối với nền kinh tế. Tuy nhiên, đến lúc này, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vẫn "nợ" phương án hỗ trợ người lao động và DN đang chịu tác động trực tiếp bởi dịch bệnh. Rút kinh nghiệm từ gói hỗ trợ năm 2020, chắc hẳn ban soạn thảo sẽ phải đưa ra các điều kiện tiếp cận phù hợp thực tế hơn, như làm rõ điều kiện, mức hỗ trợ của người dân, người lao động, DN trong vùng cách ly so các vùng khác…

Không thể phủ nhận tính cần thiết và đúng đắn của việc hỗ trợ, tuy nhiên các chính sách thúc đẩy DN cần tạo được động lực cho việc nâng cao năng suất lao động, phát triển có trọng tâm vào những lĩnh vực mà nền kinh tế đang cần để thực hiện được kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng… Phải làm sao để các dự án đầu tư công, các nguồn vốn đầu tư từ ngân sách không chỉ kích hoạt dòng đầu tư tư nhân mà còn tạo điều kiện, cơ hội cho sự lớn lên của DN Việt Nam, gồm cả DN tư nhân và DN nhà nước… Ðó là đòi hỏi chính đáng, tuy vậy, cũng cần phải nhấn mạnh rằng, DN không thể chỉ trông chờ vào các gói hỗ trợ. Bản thân DN cũng cần phải thay đổi, đổi mới phương thức quản trị, hoạt động để cùng chung tay với Chính phủ, chính quyền địa phương trong công tác chống dịch… Ứng phó dịch bệnh thông qua việc chung sức với các nỗ lực từ Chính phủ cần phải hiểu là trách nhiệm của cả DN Việt Nam và DN FDI đang hoạt động tại Việt Nam.

LƯU HƯƠNG GIANG