Lời cảnh báo không thể xem thường!

Mở đầu phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3-2019, đề cập các thông tin về bạo lực học đường ở một số địa phương vừa qua và những hành vi thiếu văn hóa khác, Thủ tướng nêu vấn đề: Liệu đây có phải là điều đáng báo động không? Trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các địa phương, các cơ quan chức năng thế nào? Tiếp đó, Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo các bộ, ngành cần có biện pháp quyết liệt để khắc phục tình trạng này.

 Truyền thông pháp luật về bảo vệ trẻ em và phòng chống bạo lực học đường cho học sinh trường THCS Bế Văn Ðàn (Hà Nội). Ảnh: Quang Minh
Truyền thông pháp luật về bảo vệ trẻ em và phòng chống bạo lực học đường cho học sinh trường THCS Bế Văn Ðàn (Hà Nội). Ảnh: Quang Minh

Dư luận xã hội đồng tình và hoan nghênh ý kiến chỉ đạo sâu sát, nghiêm túc trên đây của Thủ tướng trước thực trạng nhân dân đang phẫn nộ với các hành vi phản đạo đức, xâm hại nghiêm trọng truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc ta. Những người có lương tri vô cùng bức xúc về những con số đáng báo động: từ năm 2011 đến 2018, có đến hơn 18 nghìn vụ việc vi phạm pháp luật, bạo lực học đường, mà đối tượng liên quan phần lớn là cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên (chiếm 11 nghìn vụ đánh nhau gây thương tích, hơn 200 vụ xâm hại tình dục, hơn 900 vụ uy hiếp tinh thần). Điều rất đáng quan tâm là, trong số đó, có gần 10 nghìn vụ diễn ra trong trường học! Chúng ta đau lòng khi thấy nữ sinh bị hành hạ, uy hiếp đến man rợ, năm nữ sinh quây lại lột quần áo bạn, rồi đánh, đá tới tấp vào người, trong khi một nhóm học sinh đứng xem làm ngơ, thậm chí còn hò reo, cổ vũ. Rồi một cán bộ vào tuổi lục tuần ngang nhiên sàm sỡ một nữ sinh nhỏ tuổi... Còn bao hình thức xâm hại tình dục, bị tấn công bằng bạo lực... nhưng các em không dám báo cáo thầy cô, cha mẹ; thầm lặng chịu đựng nỗi đau lớn lao về cả thể xác và tinh thần.

Lẽ đương nhiên, để xảy ra những vụ việc đau lòng và thương tâm ấy, chúng ta không đổ lỗi tất cả trách nhiệm cho ngành giáo dục, nhưng trước hết các thầy, cô - nơi xảy ra sự việc, lại dửng dưng, hoặc xử lý qua loa, "cho xong chuyện"! Chính vì vậy, từ năm 2011 đến nay, các hiện tượng tiêu cực không giảm, mà có xu hướng tăng lên. Riêng năm 2018, có tới 82% vụ xâm hại trẻ em (gồm 425 vụ hiếp dâm trẻ em, 606 vụ giao cấu với trẻ em, 232 vụ dâm ô với trẻ em), trong số đó, hiện tượng quấy rối tình dục học sinh là phổ biến! Nhà trường là nơi mô phạm, việc giáo dục trí dục phải đi liền đức dục, nhưng các con số nêu trên chứng tỏ nhiều trường học chưa quan tâm đúng mức nhiệm vụ giáo dục đức dục, nhất là cách ứng xử văn hóa giữa thầy và trò, giữa trò và trò. Các bậc cha mẹ học sinh vô cùng lo lắng và có quyền đòi hỏi làm rõ trách nhiệm của Ban giám hiệu, của các thầy, cô chủ nhiệm lớp, các cán bộ phụ trách Đoàn - Đội ở đó đến đâu? Dư luận hoan nghênh ý kiến chỉ đạo xử lý nghiêm túc của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đối với vụ việc năm nữ sinh ở Trường PTTH Phù Ủng, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên gần đây. Vậy còn bao nhiêu vụ, việc cụ thể ở các trường cụ thể có được xử lý nghiêm như vậy không?

Đã đến lúc, ngành giáo dục - đào tạo cần tăng cường phối hợp chặt chẽ hơn với các ngành công an, tư pháp, thanh niên, phụ nữ, các hội cha mẹ học sinh trong việc giáo dục ý thức đạo đức và bảo vệ quyền lợi chính đáng của học sinh. Giáo dục toàn diện về tri thức, văn hóa, thực tiễn đời sống đất nước, và cả về kiến thức pháp luật - một trong những lỗ hổng lớn nhất hiện nay. Cần nhận thức sâu sắc lời dạy của Bác Hồ: trẻ em là tương lai của đất nước. Dạy chữ phải đi liền với dạy người. Sự nghiệp «trồng người» là công việc vô cùng cao quý, vẻ vang. Mỗi cô giáo, thầy giáo nếu nhận thức sâu sắc lời dạy trên đây của Bác Hồ thì trường học sẽ thật sự là chỗ dựa vững chắc để khắc phục nhanh chóng những hiện tượng tiêu cực nói trên. Cả xã hội cùng lo toan với ngành giáo dục, chung lòng chung sức xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, yên bình với tinh thần "Tất cả vì học sinh thân yêu".