Loay hoay với rác thải

Quyết tâm có, chế tài cũng đã ban hành, nhưng nhiều năm qua, chương trình phân loại rác tại nguồn ở Thành phố Hồ Chí Minh không đạt được kết quả như mong đợi. Rác thải rắn, rác thải sinh hoạt lẫn lộn, xả xuống đường, kênh rạch gây ô nhiễm môi trường, gây bức xúc cho người dân.
0:00 / 0:00
0:00

Quy trình phân loại rác tại nguồn có thể hiểu đơn giản là ngay tại mỗi gia đình, người dân tách ba loại rác: Rác vô cơ (không tái chế), rác hữu cơ (thực phẩm) và rác tái chế thành các túi đựng khác nhau. Các đơn vị thu gom rác cũng thực hiện chu trình tương tự để vận chuyển đến nơi xử lý. Từ năm 2017, Thành phố Hồ Chí Minh đã ra quân triển khai phân loại rác tại nguồn với lộ trình rõ ràng; mỗi quận, huyện thực hiện ít nhất tại một phường, xã, thị trấn.

Năm 2018, thành phố mở rộng số lượng từ 3-5 đơn vị cấp xã và đến năm 2020 thì triển khai trên toàn địa bàn thành phố. Đến giữa năm 2022, tỷ lệ rác thải được phân loại tại nguồn của thành phố mới đạt từ 10% đến 20%. Bình quân mỗi ngày, Thành phố Hồ Chí Minh vẫn thải ra môi trường gần 10 nghìn tấn rác thải sinh hoạt mà chưa được phân loại.

Có nhiều nguyên nhân đã được các cơ quan chức năng đưa ra, như: Ý thức người dân về bảo vệ môi trường chưa được nâng cao; chế tài có nhưng chưa được thực hiện nghiêm hoặc còn chồng chéo, vướng mắc; thiếu lực lượng thu gom, vận chuyển. Mọi nỗ lực quản lý, xử lý rác thải của Thành phố Hồ Chí Minh mãi ở điểm xuất phát với thói quen cố hữu của người dân khiến tình trạng rác thải vẫn ngổn ngang, nhếch nhác. Người dân thì chưa quan tâm lắm đến việc phân loại rác, còn cơ quan chức năng vẫn mãi loay hoay với biện pháp chôn lấp vì chưa có một giải pháp khả thi.

Để người dân phân loại rác tại mỗi gia đình, đầu tiên phải là công tác tuyên truyền. Đến thời điểm này, có thể khẳng định công tác này thành phố triển khai chưa hiệu quả và còn lúng túng. Năm 2017, thành phố tuyên truyền người dân chỉ cần phân thành hai loại gồm rác tái chế và rác còn lại.

Tuy nhiên, theo Nghị định số 45/2022 ngày 7/7/2022 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường thì phải phân thành ba loại rác: Rác vô cơ (không tái chế), rác hữu cơ (thực phẩm) và rác tái chế. Sau tuyên truyền là xử phạt. Nghị định số 155/2016/NĐ-CP ngày 18/11/2016 của Chính phủ đã đưa ra mức phạt từ 15 đến 20 triệu đồng với hành vi không phân loại rác tại nguồn.

Nghị định số 45/2022 (sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 25/8/2022) hạ mức xử phạt xuống còn từ 500 nghìn đồng đến một triệu đồng nếu hộ gia đình, cá nhân không phân loại chất thải rắn sinh hoạt; không sử dụng bao bì chứa chất thải sinh hoạt theo quy định. Mức phạt cũ cao thì không khả thi; mức phạt mới phải chờ Thông tư hướng dẫn.

Đặt giả thiết, người dân đã thực hiện tốt việc phân loại rác thì chính ngay quy trình thu gom của các đơn vị thu gom rác hiện nay trên địa bàn thành phố lại chưa thực hiện đúng. Tại nhiều điểm thu gom rác trong các khu dân cư, lực lượng thu gom vẫn dồn chung rác đã phân loại và chưa phân loại vào chung một xe, gây nản lòng đối với chính người phân loại.

Thành phố Hồ Chí Minh phấn đấu đến năm 2025 đạt 80% rác thải được phân loại tại nguồn, giảm lượng rác thải phải chôn lấp còn khoảng 20%. Để đạt được mục tiêu này là cả câu chuyện dài khi mỗi khu dân cư vẫn thấy hình ảnh quen thuộc: Một thùng rác chứa đựng ba loại rác. Rác sẽ trở thành tài nguyên nếu chúng được phân loại đúng cách. Nếu không thay đổi quyết liệt sẽ mãi loay hoay với rác.