Liều thuốc “Samurai” của Thủ tướng Abe

NDO -

NDĐT - Sau một quá trình tranh luận không kém phần gay gắt, ngày 1-7-2014, chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe đã thông qua được dự thảo nghị quyết cho phép Nhật Bản sử dụng “quyền phòng vệ tập thể”. Nghị quyết này được coi là một cách diễn giải mới điều 9 của Hiến pháp, tạo "điều kiện" để quân đội Nhật Bản có thể triển khai những hoạt động bên ngoài lãnh thổ. Tuy vẫn còn phải đợi thủ tục quốc hội thông qua, nhưng trong bối cảnh khu vực châu Á - Thái Bình Dương hiện đang hết sức căng thẳng và phức tạp, thì việc nghị quyết này gây nên những phản ứng trái chiều âu cũng là điều dễ hiểu.

Liều thuốc “Samurai” của Thủ tướng Abe

Mỹ, Australia và Philippines là những nước đầu tiên ủng hộ mạnh mẽ quyết định này của chính phủ Shinzo Abe. Các nước này cho rằng, quyền phòng vệ tập thể sẽ giúp Nhật Bản, với vai trò của một nền kinh tế hàng đầu thế giới, có thể đóng góp nhiều hơn cho các hoạt động gìn giữ hòa bình.

Theo chiều ngược lại, Trung Quốc là nước phản đối mạnh mẽ nghị quyết này. Theo quan điểm của giới chức Trung Quốc, như cách lý giải của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi, thì "sự thay đổi của Nhật Bản đe dọa đến an ninh khu vực" và "yêu cầu Nhật Bản tôn trọng những quan ngại về an ninh hợp lý của các nước láng giềng châu Á và nên xử lý các vấn đề liên quan một cách cẩn trọng". Với Trung Quốc, sự "bất bình thường" của Nhật Bản trong suốt thời gian qua hoàn toàn có lợi cho tiến trình "trỗi dậy hòa bình" hay "phát triển hòa bình" của Trung Quốc. Hơn 50% người dân Nhật Bản được hỏi cũng có quan điểm không đồng tình với cách diễn giải hiến pháp mới của chính quyền Abe, nhưng với lý do hoàn toàn khác. Những người dân Nhật này lo ngại quyền phòng vệ tập thể có thể khiến Nhật Bản phải tham gia vào một cuộc chiến tranh bên ngoài biên giới. Phần đông số còn lại, tiêu biểu là các nước ASEAN, thì cho rằng quyết định trên là công việc nội bộ của Nhật Bản, và mong muốn những thay đổi của nước này là nhằm hướng tới sự ổn định, giúp tăng cường hòa bình và thịnh vượng của khu vực.

Dưới đây, người viết muốn cung cấp thêm một cách nhìn về quyết định khôi phục "quyền phòng vệ tập thể", và rộng hơn là toàn bộ những hoạt động của chính quyền Thủ tướng Shinzo Abe, được cho là nhằm đưa nước Nhật trở lại trạng thái "bình thường". Qua đó, chúng ta có thể nhìn nhận về chính sách của thủ tướng Abe một cách đa chiều hơn, rõ ràng hơn.

Với một xã hội mà tinh thần "Samurai" (tinh thần thượng võ, quật cường không chấp nhận thất bại một cách ươn hèn) là chủ đạo, thì khi lên nắm quyền, tất cả những khó khăn, thách thức cả trong lĩnh vực kinh tế lẫn an ninh, trong chính trị và văn hóa-xã hội mà Thủ tướng Abe phải đối mặt có thể tóm lược thành một vấn đề có lẽ lớn nhất và trầm trọng nhất - đó là sự thiếu tự tin.

Trải qua một thời kỳ phát triển mạnh mẽ tới mức được gọi là "thần kỳ", nền kinh tế Nhật Bản bắt đầu rơi vào tình trạng trì trệ. Hơn 20 năm qua, dù đã có rất nhiều cố gắng nhưng các chính quyền tiền nhiệm đã không làm sao tạo được một sự bứt phá mới. Đồng thời, cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, và đặc biệt là việc đánh mất vị trí cường quốc kinh tế số 2 thế giới (từ quý I năm 2010) vào tay nước láng giềng khổng lồ về dân số Trung Quốc, lại càng khiến cho sự tự tin vốn có của người Nhật bị đe dọa nghiêm trọng. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, rõ ràng khôi phục lại khả năng cạnh tranh của nền kinh tế Nhật Bản trở thành một nhiệm vụ hết sức cấp bách.

Dưới góc độ an ninh, hơn nửa thế kỷ phó thác trách nhiệm bảo đảm an ninh quốc gia cho Mỹ (theo hiệp ước an ninh tương hỗ Nhật - Mỹ ký từ năm 1960 và tiếp tục duy trì tháng 9-1996) không ít người Nhật đã hình thành tư tưởng ỷ lại, ngại dính líu vào bất cứ một xung đột bên ngoài nào. Khi những tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc dần leo thang tới mức đe dọa nghiêm trọng an ninh đất nước, cùng lúc là sự thúc giục, đòi hỏi của người Mỹ về những đóng góp nhiều hơn từ phía Nhật Bản trong các hoạt động hợp tác quốc phòng song phương, giới chức Nhật Bản buộc phải thay đổi nhận thức về mức độ trách nhiệm "tự bảo vệ". Trong bối cảnh hiện tại, quan điểm duy trì điều 9 của hiến pháp có thể coi là biểu hiện của sự ỷ lại, trì trệ, ngắn gọn đó chính là sự thiếu tự tin vào khả năng quốc phòng của đất nước sau một thời gian dài không được sử dụng.

Dưới góc độ chính trị, ngay từ sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc, năm 1993 Thủ tướng Nhật Bản Miyazawa đã đưa ra định hướng tăng cường các hoạt động đối ngoại nhằm nâng cao vị thế của Nhật Bản, trước hết là tại các cơ chế quốc tế đa phương mà Liên Hợp Quốc là ưu tiên hàng đầu. Tuy vậy, dường như những đóng góp tài chính to lớn là chưa đủ giúp Nhật Bản đạt được mục tiêu này. Đơn cử như đối với các hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ, có lẽ chính tình trạng "bất bình thường" khiến cho Cục phòng vệ Nhật Bản chỉ dừng lại ở mức đóng góp tài chính hoặc cùng lắm là các hoạt động cứu trợ nhân đạo, trục vớt hay rà phá bom, mìn. Hạn chế này khiến mục tiêu phấn đấu trở thành thành viên thường trực trong Hội Đồng Bảo An chắc còn lâu nữa mới trở thành hiện thực.

Ngay sau khi nhậm chức việc đưa ra chương trình cải cách kinh tế (còn có tên gọi là abenomics) cho thấy, cũng giống với những nhà lãnh đạo tiền nhiệm, Thủ tướng Abe nhận thấy chỉ có sức mạnh kinh tế mới có thể giúp Nhật Bản lấy lại ánh hào quang xưa, bởi lẽ từ một nước bại trận sau Thế chiến II Nhật Bản có được vị thế hàng đầu thế giới cũng chính từ sự thành công trong kinh tế. Nhưng sự khác biệt cơ bản trong chính sách của thủ tướng Abe ở chỗ, ông cho rằng, giờ đây những cải cách kinh tế phải đi đôi với cải cách quốc phòng mới có thể giúp Nhật Bản phục hồi. Thực tế thì lộ trình đưa nước Nhật trở lại bình thường của thủ tướng Abe, từ việc thành lập Bộ Quốc phòng (năm 2007) đến xóa bỏ lệnh cấm xuất khẩu vũ khí (tháng 4-2014), và giờ là khôi phục quyền phòng thủ tập thể v.v., xét cho cùng, là nhằm hướng tới mục tiêu đem lại sự tự tin cho người Nhật trong mọi vấn đề đối nội và đối ngoại.

Thứ nhất, việc xóa bỏ lệnh xuất khẩu vũ khí cũng như mở rộng khả năng hợp tác an ninh đem đến cho Nhật Bản, trước hết, những cơ hội kinh tế to lớn. Xuất khẩu vũ khí sẽ không chỉ hỗ trợ cho chương trình abenomics một nguồn lực tài chính to lớn mới, mà thông qua đó tạo dựng các mối quan hệ hợp tác an ninh bền chặt hơn. Trong chuyến thăm Australia (ngày 8 và 9-7-2014), ngoài việc ký kết được những hiệp định về thương mại tự do (FTA), về chuyển giao thiết bị và công nghệ quốc phòng, hợp đồng bán tàu ngầm, Thủ tướng Abe còn đạt được sự tin cậy của người đồng cấp Australia Tony Abbott về việc xây dựng quan hệ hợp tác "đặc biệt". Dường như hình ảnh một nước Nhật mạnh mẽ và tự tin đã giúp Thủ tướng Abe dễ dàng hơn trong việc ký kết một loạt hợp đồng kinh tế - thương mại trong chuyến ghé thăm tiếp theo New Zealand và Papua new Gine.

Thứ hai, những thay đổi trong chính sách an ninh của chính quyền Abe không chỉ đơn thuần giúp tăng khả năng tự vệ mà còn giúp nâng cao vai trò của Nhật Bản trong quan hệ với các đồng minh. Đáp lại những giải thích về sự thay đổi này của Bộ trưởng Quốc phòng Itsunori Onodera (nhân chuyến ghé thăm Lầu Năm Góc ngày 12-7-2014), người đồng cấp Mỹ Chuck Hagel khẳng định "việc Nhật Bản khôi phục quyền phòng vệ tập thể sẽ giúp quan hệ liên minh Mỹ - Nhật hiệu quả hơn, bởi Nhật Bản có thể đóng góp trách nhiệm hơn đối với hòa bình và an ninh khu vực". Điều đạt được này lại là nhân tố hết sức quan trọng giúp chính quyền Abe tự tin hơn trong các cuộc đàm phán tiếp theo với Mỹ về hiệp định đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Cuối cùng, với việc thay đổi nền tảng pháp lý về an ninh, Thủ tướng Abe đã cho thấy cách tiếp cận mới trong cách thức để có thể duy trì cam kết "Nhật Bản là quốc gia hòa bình" (chính là điều 9 của hiến pháp). Trong bối cảnh hiện nay, để có hòa bình cho khu vực mỗi quốc gia cần có những đóng góp cụ thể và nhiều hơn. Trong thông cáo chung nhân chuyến thăm Tokyo (ngày 24-6-2014) Tổng thống Philippines Benigno Aquino cũng đã từng nhấn mạnh: "Philippines tin là các nước có thiện chí sẽ có lợi chỉ khi nào chính phủ Nhật được tăng cường khả năng để giúp các nước khác và được phép trợ giúp những nước cần sự giúp đỡ, đặc biệt trong lĩnh vực phòng vệ tập thể".

Với cách lý giải trên, rõ ràng những hoạt động nhằm đưa nước Nhật trở lại bình thường của chính quyền Abe giống như một liệu pháp nhằm khôi phục lại tinh thần "Samurai" cho nước Nhật