Liệu cơm, gắp mắm

Giá khí đốt tăng cao và lạm phát phi mã trước thềm một mùa đông lạnh giá khắc nghiệt, người dân Bỉ đang đổ xô đi mua máy sưởi điện thay vì dùng hệ thống sưởi chung cho cả ngôi nhà như thường lệ. Một doanh nghiệp thông báo doanh số bán máy sưởi của hãng đã tăng 2,5 lần.
0:00 / 0:00
0:00
Biếm họa: ROYAARDS
Biếm họa: ROYAARDS

Giá khí đốt tại Bỉ đã tăng gần 15 lần so mức năm 2020 và có khả năng còn tiếp tục tăng. Giới chuyên gia ước tính, chi phí khí đốt hằng năm của mỗi gia đình Bỉ đã lên tới 5.900 euro (tương đương 5.811 USD). Các chuyên gia nhận định, chi phí năng lượng trung bình có thể còn tăng trong năm tới, lên mức 7.000-10.000 euro với mỗi hộ.

Theo chuyên gia kinh tế Bỉ, ông Bruno Colmant, khoảng 40% người dân nước này có nguy cơ rơi vào cảnh nghèo khó do ảnh hưởng của “bão giá”. Chuyên gia Colmant nêu rõ, trong một năm tính đến tháng 8 vừa qua, các gia đình Bỉ đã phải trả thêm 6,1 tỷ euro chi phí cho khí đốt, điện và hệ thống sưởi, so mức năm 2019. Tiền lương và các khoản trợ cấp an sinh xã hội chỉ bù đắp một phần, chi phí năng lượng vẫn đè nặng lên các gia đình, nhất là những người có thu nhập thấp. Trừ các khoản chi thiết yếu cho nước, khí đốt, điện, thuê nhà, nhiều hộ gia đình không còn đủ tiền để trang trải cuộc sống.

Ngân hàng quốc gia Bỉ (NBB) cũng cho biết, niềm tin của người tiêu dùng nước này trong tháng 9 đã giảm mạnh, xuống mức âm 27 điểm, thấp hơn cả mức tại thời điểm đỉnh cao của đại dịch Covid-19 hồi tháng 4/2020. Theo NBB, các gia đình lo ngại về giá năng lượng liên tục tăng cao, lạm phát kỷ lục và bối cảnh địa - chính trị ở châu Âu. Các cuộc khảo sát còn cho thấy, chỉ số niềm tin đối với nền kinh tế, chỉ số lo ngại về tỷ lệ thất nghiệp và tài chính gia đình đều đang ở mức bi quan nhất trong lịch sử. Giới chuyên gia ước tính, mức chi cho năng lượng của mỗi gia đình Bỉ có thể lên đến 9.000 euro/năm.

Chính phủ Bỉ đã có một số biện pháp hỗ trợ người dân, như áp thuế giá trị gia tăng (VAT) 6% đối với điện và khí đốt. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, người dân Bỉ đã chủ động “thắt hầu bao”. Trong đó, chuyển đổi cách thức sử dụng nhiên liệu theo kiểu “liệu cơm gắp mắm” được ưu tiên, để chống chọi “cơn bão giá” và vượt qua mùa đông khắc nghiệt sắp tới.