Liên kết phát triển tiểu vùng Bắc Trung Bộ trong bối cảnh mới

NDO - Ngày 12/8, tại thành phố Đồng Hới, Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết 39-NQ/TW phối hợp Tỉnh ủy Quảng Bình tổ chức Toạ đàm “Liên kết phát triển tiểu vùng Bắc Trung Bộ trong bối cảnh mới”.
0:00 / 0:00
0:00
Quang cảnh Tọa đàm “Liên kết phát triển tiểu vùng Bắc Trung Bộ trong bối cảnh mới”.
Quang cảnh Tọa đàm “Liên kết phát triển tiểu vùng Bắc Trung Bộ trong bối cảnh mới”.

Các đồng chí Vũ Đại Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình; Nguyễn Hồng Sơn, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo chủ trì buổi Tọa đàm.

Dự Tọa đàm có các đồng chí đại diện lãnh đạo các tỉnh vùng Bắc Trung bộ; một số ban, bộ, ngành Trung ương, thành viên Ban Chỉ đạo, Tổ biên tập đề án; các chuyên gia, nhà khoa học.

Ngày 16/8/2004, Bộ Chính trị khóa IX đã ban hành Nghị quyết số 39-NQ/TW về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh Vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2010 (Nghị quyết 39-NQ/TW). Tiếp đó, ngày 2/8/2012, Bộ Chính trị tiếp tục ban hành Kết luận số 25-KL/TW về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW.

Nghị quyết 39-NQ/TW và quy hoạch của Chính phủ chia vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ thành 3 tiểu vùng, gồm: tiểu vùng Bắc Trung Bộ, vùng kinh tế trọng điểm miền trung và tiểu vùng Nam Trung Bộ.

Tiểu vùng Bắc Trung Bộ bao gồm 5 tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị. Dân số của tiểu vùng năm 2020 khoảng 9,8 triệu người (chiếm 10,1% dân số cả nước). Đây là tiểu vùng có vai trò, vị trí quan trọng đặc biệt về kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh, nhất là an ninh biển, đảo của đất nước.

Là tiểu vùng có kết cấu hạ tầng về giao thông hoàn thiện, đồng bộ nhất ở nước ta với trục giao thông bắc nam về đường sắt, đường bộ, đường Hồ Chí Minh, đường ven biển; kết nối với nước bạn Lào qua các cửa khẩu biên giới, là mắt xích quan trọng trong việc hình thành các hành lang kinh tế tiểu vùng sông Mê Công mở rộng.

Với điều kiện tự nhiên của các tỉnh trong tiểu vùng chia thành khu vực phía tây và phía đông (ven biển). Khu vực phía đông thuận lợi cho phát triển các ngành kinh tế biển như du lịch và dịch vụ biển; kinh tế hàng hải; khai thác dầu khí và các khoáng sản biển khác; nuôi trồng và khai thác hải sản; công nghiệp ven biển; năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế biển mới. Do đó, tiểu vùng Bắc Trung Bộ có vai trò lớn đối với vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ cũng như cả nước.

Sau gần 20 năm thực hiện Nghị quyết 39-NQ/TW, các địa phương trong tiểu vùng đã bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp được nêu trong Nghị quyết 39-NQ/TW và Kết luận số 25- KL/TW và chỉ đạo của Chính phủ, cụ thể hóa nội dung Nghị quyết thành các kế hoạch, đề án và đã hoàn thành được phần lớn các chỉ tiêu, mục tiêu đề ra trên địa bàn. Qua đó, tư duy về phát triển vùng, tiểu vùng có nhiều đổi mới; tiềm năng, lợi thế của tiểu vùng từng bước được khai thác hợp lý, phát huy hiệu quả.

Đảng bộ và chính quyền các địa phương có nhiều nỗ lực vươn lên, chủ động khai thác lợi thế về điều kiện tự nhiên, về nguồn lực con người để phát triển. Một số tỉnh đã trở thành điểm sáng của cả nước về phát triển kinh tế-xã hội. Tổng nguồn vốn đầu tư phát triển toàn xã hội ngày càng tăng. Kết cấu hạ tầng được dần đầu tư mở rộng theo hướng hiện đại. Hệ thống đô thị hình thành, phát triển. Các khu du lịch ven biển, sinh thái, chất lượng cao, có thương hiệu dần trở thành động lực quan trọng cho phát triển. Kinh tế biển, đảo được chú trọng và khai thác hiệu quả hơn.

Sau gần 20 năm thực hiện Nghị quyết 39-NQ/TW, các địa phương trong tiểu vùng đã bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp được nêu trong Nghị quyết 39-NQ/TW và Kết luận số 25- KL/TW và chỉ đạo của Chính phủ, cụ thể hóa nội dung Nghị quyết thành các kế hoạch, đề án và đã hoàn thành được phần lớn các chỉ tiêu, mục tiêu đề ra trên địa bàn. Qua đó, tư duy về phát triển vùng, tiểu vùng có nhiều đổi mới; tiềm năng, lợi thế của tiểu vùng từng bước được khai thác hợp lý, phát huy hiệu quả.

Một số vùng sản xuất thâm canh cây trồng, vật nuôi tập trung, có sản lượng lớn phục vụ sản xuất và chế biến nông sản xuất khẩu. Văn hóa-xã hội có bước phát triển và đạt được những kết quả tích cực. Giáo dục-đào tạo, y tế phát triển nhanh. Công tác xóa đói, giảm nghèo, giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội có nhiều tiến bộ. Đời sống nhân dân từng bước được cải thiện.

Tuy nhiên, cùng với những thành tựu đạt được, tiểu vùng Bắc Trung Bộ về cơ bản còn là vùng đất nghèo, thường xuyên bị ảnh hưởng của thiên tai và biến đổi khí hậu, một số vùng dân cư phía tây còn nghèo đói, lạc hậu. Lợi thế cạnh tranh, môi trường đầu tư chưa thực sự hấp dẫn nên nguồn lực phát triển xã hội và đầu tư kết cấu hạ tầng của các địa phương trong vùng chưa đáp ứng đủ và kịp thời cho các mục tiêu phát triển đề ra. Việc liên kết giữa các địa phương trong tiểu vùng chưa rõ nét, chưa thực chất, chưa có cơ chế phối hợp hiệu quả.

Tại cuộc Tọa đàm, lãnh đạo các bộ, ngành, các tỉnh trong tiểu vùng và nhiều chuyên gia, nhà khoa học đã trao đổi, thảo luận nhiều nội dung, vấn đề liên quan trên cơ sở đó cung cấp thêm ý tưởng và luận cứ cho việc đề xuất các giải pháp nhằm thúc đẩy liên kết tiểu vùng, qua đó thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội tiểu vùng nói riêng và cả vùng nói chung trong bối cảnh mới.

Nhìn chung, các ý kiến trao đổi, thảo luận tại cuộc Tọa đàm đều đi đến thống nhất là để thúc đẩy liên kết phát triển tiểu vùng, cần có cơ chế, hội đồng điều phối vùng của Trung ương để có sự chỉ đạo chung cũng như tháo gỡ những khó khăn trong mối liên kết giữa các địa phương.

Những đề xuất này được Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết 39-NQ/TW ghi nhận và đánh giá cao; đồng thời sẽ đưa bổ sung vào báo cáo tổng kết và dự thảo Nghị quyết mới về vùng dự kiến trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong tháng 9/2022.