Liên kết phân phối, giao thương với các tỉnh, thành phố

Thành phố Hà Nội luôn tiên phong liên kết, hợp tác giao thương trong lĩnh vực thương mại, công nghiệp, nông nghiệp của các tỉnh, thành phố. Ðây cũng là giải pháp quan trọng nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, kết nối nhà sản xuất với nhà phân phối.
0:00 / 0:00
0:00
Ðại diện doanh nghiệp trao đổi thông tin tại hội nghị kết nối giao thương giữa nhà cung cấp vùng đồng bằng sông Hồng với các doanh nghiệp xuất khẩu và tổ chức xúc tiến thương mại.
Ðại diện doanh nghiệp trao đổi thông tin tại hội nghị kết nối giao thương giữa nhà cung cấp vùng đồng bằng sông Hồng với các doanh nghiệp xuất khẩu và tổ chức xúc tiến thương mại.

10 tháng qua, các kênh phân phối của thành phố Hà Nội đã hỗ trợ kết nối tiêu thụ 52.000 tấn trái cây, nông sản của các tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Hồng. Nhiều sản phẩm OCOP của các tỉnh, thành phố đã được đưa đến hơn 60 điểm giới thiệu, bán sản phẩm OCOP của Hà Nội, tiếp cận đông đảo người tiêu dùng. Mới đây, Trung tâm Xúc tiến Ðầu tư, Thương mại, Du lịch thành phố Hà Nội đã tổ chức Hội nghị kết nối giao thương giữa nhà cung cấp vùng đồng bằng sông Hồng với các doanh nghiệp xuất khẩu và tổ chức xúc tiến thương mại. Tại hội nghị này, hơn 200 nhà cung ứng của hơn 40 tỉnh, thành phố đã kết nối với các nhà phân phối, bán lẻ trên địa bàn Hà Nội như: Winmart, Lotte Mart, Aeon, Central Retail, MM Mega Maket, BRG, hệ thống siêu thị Tứ Sơn An Giang, BigGreen, các sàn giao dịch thương mại điện tử... Các đơn vị đã gặp trực tiếp bộ phận mua hàng của nhà phân phối để giới thiệu, chào hàng và được nghe các tiêu chí, điều kiện để đưa hàng vào hệ thống phân phối trên địa bàn Hà Nội. Qua đó, các nhà phân phối đã lựa chọn được các sản phẩm đạt yêu cầu, ký thỏa thuận hợp tác, liên kết, biên bản ghi nhớ.

Ðánh giá về hiệu quả việc kết nối cung-cầu giữa Hà Nội với các tỉnh, thành phố, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất chế biến và Thương mại Hà Trung Nguyễn Thị Hà cho biết, chương trình giao thương, kết nối cung cầu đã góp phần tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, nhờ liên kết chặt chẽ có thể điều hòa cung cầu, bảo đảm nguồn cung và ổn định giá.

Bên cạnh đó, việc tiêu thụ hàng hóa tại thị trường Hà Nội còn dẫn dắt được giá thu mua, giúp người nông dân có thu nhập cao trong các mùa vụ, đồng thời hỗ trợ các tỉnh tiêu thụ sản phẩm khi bị dư nguồn cung. Thông qua hoạt động kết nối tiêu thụ, nhiều sản phẩm có thế mạnh của các tỉnh, thành phố đã được các doanh nghiệp bán lẻ chủ lực Hà Nội tư vấn hỗ trợ về thiết kế mẫu mã, bao bì đóng gói, nâng cao chất lượng sản phẩm đáp ứng quy định để đưa vào các kênh phân phối hiện đại.

Tuy vậy, hiện vẫn còn nhiều doanh nghiệp, nhà cung ứng gặp khó khăn trong quá trình đưa hàng tiếp cận hệ thống phân phối. Giám đốc thu mua ngành hàng toàn quốc của tập đoàn Central Retail Nguyễn Thị Mai Phương nêu rõ, các tỉnh còn ít doanh nghiệp đầu mối có năng lực thu mua hàng hóa quy mô lớn, điều này khiến doanh nghiệp Hà Nội gặp khó khăn khi có nhu cầu về lượng hàng lớn. "Nhiều loại nông sản của các tỉnh chưa đáp ứng được các yêu cầu về thủ tục giấy tờ đăng ký, kiểm định chất lượng, phương thức thanh toán, cũng như khâu thu gom, bảo quản, vận chuyển... Việc hỗ trợ nắm bắt nhu cầu về cung-cầu trên thị trường cho các doanh nghiệp chưa kịp thời, dẫn đến một số sản phẩm hàng hóa sản xuất "cung" vượt "cầu", ảnh hưởng đến giá cả, khó khăn trong việc tiêu thụ" - đại diện Central Retail nhấn mạnh.

Giám đốc Sở Công thương tỉnh Sóc Trăng Võ Văn Chiêu kiến nghị, thành phố Hà Nội cần tiếp tục tích cực hỗ trợ, quan tâm tạo điều kiện cho doanh nghiệp của các tỉnh tập kết, lưu chuyển hàng hóa vào thị trường Hà Nội. Các doanh nghiệp, siêu thị, trung tâm thương mại của Hà Nội tăng cường kết nối trực tiếp tới các tỉnh, thành phố để tìm kiếm cơ hội hợp tác. Các tỉnh, thành phố đều cam kết sẽ hỗ trợ, tạo điều kiện cao nhất cho các đơn vị của Hà Nội đến tìm hiểu, kết nối giao thương với doanh nghiệp của tỉnh.

Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Ðầu tư, Thương mại và Du lịch Hà Nội Bùi Duy Quang nhấn mạnh, thành phố sẽ tăng cường phát triển hệ thống hạ tầng thương mại trên địa bàn, tổ chức các hoạt động, chương trình xúc tiến thương mại, chú trọng chương trình liên kết vùng, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm giữa tỉnh, thành phố trên cả nước và xuất khẩu sản phẩm nông sản, đặc sản của Việt Nam ra thị trường quốc tế.