Leo thang căng thẳng Anh-EU

Căng thẳng giữa Anh và Liên minh châu Âu (EU) leo thang khi EU cảnh báo sẽ có hành động pháp lý chống lại “xứ sở sương mù”, sau khi Chính phủ Anh ngày 13/6 công bố dự luật đề xuất đơn phương xem xét lại toàn bộ thỏa thuận thương mại hậu Brexit (Anh rời EU) mà London đã ký về Bắc Ireland. 

Biếm họa: CHAPPATTE
Biếm họa: CHAPPATTE

Tròn sáu năm sau ngày người dân Anh bỏ phiếu ủng hộ nước này rời “mái nhà chung châu Âu”, giữa Anh và EU vẫn tồn tại những bất đồng về các thỏa thuận hậu Brexit. Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Maros Sefcovic đã bày tỏ lo ngại việc Chính phủ Anh xem xét lại quy định thương mại hậu Brexit gây tổn hại tới lòng tin chung. Ông khẳng định, EU sẽ không đàm phán lại thỏa thuận hậu Brexit, cũng như quy chế thương mại đặc biệt tại Bắc Ireland, bởi điều này sẽ chỉ gây ra rủi ro pháp lý đối với người dân và doanh nghiệp tại vùng lãnh thổ này. Phó Chủ tịch EC chỉ trích quyết định của Anh đã đi ngược thỏa thuận hậu Brexit và cảnh báo EU sẽ cân nhắc tái khởi động thủ tục pháp lý chống lại Anh, mở ra các vụ kiện mới nhằm bảo vệ thị trường chung EU trước rủi ro từ việc vi phạm các quy định về doanh nghiệp, bảo đảm sức khỏe và an toàn của người dân trong khối.

Nghị định thư Bắc Ireland là một phần của thỏa thuận Brexit đưa Anh ra khỏi EU. Theo đó, để tránh thiết lập đường biên giới trên bộ giữa vùng Bắc Ireland và CH Ireland (thuộc EU) mà vẫn bảo đảm hàng hóa từ Anh sang EU phù hợp các tiêu chuẩn của thị trường chung châu Âu, các bên nhất trí thiết lập các điểm kiểm soát hàng hóa từ các vùng còn lại của Anh sang Bắc Ireland. Tuy nhiên, kể từ khi được áp dụng vào đầu năm 2021, các hoạt động kiểm soát khiến lưu thông hàng hóa từ phần còn lại của Anh đến Bắc Ireland bị đình trệ nghiêm trọng. Phe ủng hộ Anh tại vùng lãnh thổ này đã liên tục phản đối Nghị định thư và tiến hành các cuộc biểu tình bạo động. Áp lực giải quyết những khác biệt liên quan tới Nghị định thư đã gia tăng, khi đảng Hợp nhất Dân chủ (DUP) ủng hộ Bắc Ireland vẫn nằm trong Vương quốc Anh từ chối tham gia cơ quan điều hành chia sẻ quyền lực ở Bắc Ireland sau cuộc bầu cử ở khu vực, cho đến khi các vấn đề về Nghị định thư được giải quyết. 

Theo dự luật mới, Anh dự định sẽ dỡ bỏ hầu hết các điểm kiểm soát hàng hóa từ các vùng còn lại sang Bắc Ireland, trong khi vẫn ưu tiên mục tiêu không thiết lập biên giới trên đảo Ireland đúng như nguyên tắc của thỏa thuận nhằm bảo đảm hòa bình cho vùng này đạt được vào năm 1998. Bên cạnh đó, EU được tiếp cận dữ liệu thời gian thực của Anh về dòng chảy hàng hóa sang Bắc Ireland. Anh cũng cam kết phạt mạnh tay những công ty có ý định lợi dụng hệ thống mới để làm sai nhưng cũng loại bỏ quyền giám sát Nghị định thư của Tòa án Tư pháp châu Âu, một điều mà EU luôn phản đối.

Trước những căng thẳng giữa Anh và EU, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken đã hối thúc người đồng cấp Anh Liz Truss tiếp tục các cuộc đàm phán chân thành với EU nhằm đạt được giải pháp giúp duy trì những thành tựu của thỏa thuận “Thứ sáu tốt lành”. Bà Liz Truss cho biết, Anh vẫn sẵn sàng đàm phán với EU, đồng thời khẳng định, dự luật mới nhằm khắc phục các vấn đề trong áp dụng Nghị định thư Bắc Ireland và khôi phục ổn định chính trị tại vùng lãnh thổ này.

Phản ứng trước quyết định của Chính phủ Anh, các doanh nghiệp tại Bắc Ireland đã hối thúc London giải quyết tình trạng gián đoạn trong thương mại hậu Brexit thông qua các cuộc đàm phán với EU, thay vì theo đuổi các kế hoạch đơn phương. Người phụ trách các vấn đề công của Văn phòng Thương mại Bắc Ireland, Stuart Anderson cho rằng, việc chuyển rủi ro sang các doanh nghiệp Bắc Ireland đang gây nhiều quan ngại. Do vậy, cả EU và Anh đều có trách nhiệm đạt được nhất trí qua đàm phán để bảo vệ lợi ích của các nhà xuất khẩu cũng như của người tiêu dùng. Bên cạnh đó, Bộ trưởng Ngoại giao Ireland Simon Covieney cũng bày tỏ lo ngại việc Anh công bố dự luật mới sẽ làm tổn hại sâu sắc các mối quan hệ giữa Bắc Ireland và CH Ireland và giữa Anh với EU.

Trong khi Anh gọi đây là cách khắc phục các vấn đề phát sinh trong thời gian qua thì EU lo ngại động thái đơn phương của London vi phạm luật pháp quốc tế. Các nhà phân tích lo ngại động thái của Anh làm gia tăng căng thẳng với EU và có thể gây ra một cuộc chiến thương mại giữa hai bên trong thời gian tới.