Lấy ý kiến về nghệ sĩ cần rõ hơn

“Đến hẹn lại lên”, ngành văn hóa đang chuẩn bị cho việc xét, phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT), Nghệ sĩ Nhân dân (NSND).
0:00 / 0:00
0:00

Và trước đó, thường vẫn là việc đưa danh sách các ứng viên lên cổng thông tin điện tử của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để lấy ý kiến giới nghề, nhân dân. Trên cổng bvhttdl.gov của Bộ, danh sách đã được đưa lên từ ngày 26/7 và sẽ đăng tải đến ngày 16/8.

Theo đó, có 139 hồ sơ đề nghị xét NSND và 348 hồ sơ đề nghị xét NSƯT, do năm Hội đồng chuyên ngành cấp Nhà nước trình Hội đồng cấp Nhà nước. Trong đó, đông nhất là lĩnh vực sân khấu với 215 hồ sơ đề xuất danh hiệu NSƯT, 88 hồ sơ đề xuất NSND. Tiếp đó là lĩnh vực âm nhạc với 67 đề nghị xét NSƯT và 45 đề nghị xét NSND. Các lĩnh vực khác ít hơn với những con số tương ứng: Múa: 38 và 3; Phát thanh-Truyền hình: 12 và 2; Điện ảnh: 16 và 1. Danh sách này bao quát đông đảo lực lượng nghệ sĩ biểu diễn “ứng viên” thuộc các đơn vị nghệ thuật biểu diễn, cơ quan phát thanh-truyền hình trên khắp cả nước.

Đăng tải danh sách để lấy ý kiến là cách làm công khai, minh bạch, đón nhận phản hồi từ công chúng, đặc biệt là từ giới nghệ thuật, về thành tích, công lao, mức độ đóng góp của nghệ sĩ cho nghề nghiệp, xã hội. Tuy nhiên, đáng băn khoăn là qua nhiều đợt trưng cầu của ngành văn hóa mỗi kỳ xét tặng danh hiệu nghệ sĩ mà nay đã là lần thứ 10, sự phản hồi từ xã hội là rất thưa thớt. Trong khi thực tế từ dư luận, qua báo chí lại cho thấy giới nghề, công chúng có quan tâm đến việc xét tặng này. Với một số trường hợp nghệ sĩ, thì sự bàn luận còn khá sôi nổi.

Từ đây, cần đặt câu hỏi về việc làm sao việc trưng cầu ý kiến của ngành văn hóa có được sự lan tỏa rộng rãi hơn, thu hút được sự chú ý của giới nghề, xã hội nhằm góp thêm những cái nhìn đầy đủ, chân thực hơn về các nghệ sĩ ứng viên; giúp cho các hội đồng xét, chọn được khoa học, công tâm, chuẩn xác hơn. Một điểm rất đáng góp ý trong việc đăng tải danh sách. Đó là hiện mới chỉ đưa tên nghệ sĩ và đơn vị công tác, chứ không hề có năm sinh, thời gian cống hiến trong ngành, các thành tích như huy chương, giải thưởng qua các kỳ liên hoan, hội diễn trong nước, quốc tế… Như vậy, giới nghệ thuật, công chúng khi đọc sẽ không đủ cơ sở để đánh giá là nghệ sĩ đó xứng đáng hay không.

Việc cung cấp đầy đủ thông tin còn thể hiện sự tôn trọng đối với công chúng, giới nghề và chính các nghệ sĩ ứng viên. Những thông tin này vốn cũng có đủ trong các bộ hồ sơ nghệ sĩ khi trình lên từ cơ sở. Trong bối cảnh số hóa tích cực hiện nay, đây cũng là việc dễ dàng. Hy vọng rằng, lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng như các đơn vị chức năng của Bộ quan tâm việc làm cần thiết này để bổ sung thông tin kịp thời, giúp cho giới nghề, công chúng có thêm căn cứ đóng góp ý kiến được đầy đủ, chuẩn xác hơn khi lựa chọn những nghệ sĩ của công chúng thật sự xứng đáng nhất.