Lấy nhu cầu của thị trường làm trọng

Quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 vừa được công bố, là bản quy hoạch vùng đầu tiên được lập nên theo cách tiếp cận tích hợp đa ngành từ quy định của Luật Quy hoạch. Một trong những điểm nhấn là thay đổi tư duy về an ninh lương thực từ việc phát triển nông nghiệp dựa vào cây lúa sang thủy sản-trái cây-lúa gạo phù hợp với thị trường.

Theo quy hoạch, nông nghiệp đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục chuyển đổi mạnh mẽ, bớt phụ thuộc vào cây lúa. Ảnh: N.Thủy
Theo quy hoạch, nông nghiệp đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục chuyển đổi mạnh mẽ, bớt phụ thuộc vào cây lúa. Ảnh: N.Thủy

Ba vùng sinh thái nông nghiệp

Đồng bằng sông Cửu Long là vùng sản xuất và xuất khẩu lương thực, thực phẩm, thủy hải sản và trái cây lớn nhất của cả nước. Theo quy hoạch vùng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn năm 2050 có ba vùng sinh thái nông nghiệp: vùng sinh thái ngọt ở thượng nguồn và trung tâm đồng bằng trở thành vùng trọng điểm về sản xuất lúa, thủy sản nước ngọt, trái cây gồm các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Hậu Giang, Vĩnh Long, TP Cần Thơ và một phần các tỉnh Kiên Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre, Tiền Giang, Long An; vùng sinh thái mặn-lợ ở ven biển, phát triển nuôi trồng thủy sản nước mặn, mặn-lợ trên bờ và trên biển, bao gồm một phần diện tích các tỉnh Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre, Tiền Giang, Long An; vùng chuyển tiếp ngọt-lợ ở giữa đồng bằng được định hướng phát triển thành những vùng chuyên canh thủy sản nước lợ, luân canh với lúa, rau màu, gồm một phần diện tích các tỉnh Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre, Tiền Giang, Long An.

Theo các chuyên gia, quy hoạch vùng sẽ là bước ngoặt để kinh tế-xã hội vùng đồng bằng sông Cửu Long được kích hoạt, tiềm năng sẽ được đánh thức, bởi những vấn đề nội tại dần được khắc phục... Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan thông tin, quy hoạch này có tính "mở", linh hoạt để có thể chủ động thích ứng với xu thế biến đổi liên tục, không ngừng với những câu hỏi kinh tế học từ trăm năm nay: "Sản xuất cái gì, sản xuất cho ai, sản xuất như thế nào?". Sự điều phối theo chuỗi ngành hàng, tính liên kết vùng, tiểu vùng giữa các địa phương được chú trọng ngay đầu mùa vụ, chứ không phải chỉ tập trung xử lý khi nông sản ùn ứ sau thu hoạch. Mỗi địa phương có thể chủ động mở rộng không gian liên kết, phát triển trong không gian có sự điều phối cả vùng. Đất đai có thể manh mún, địa giới hành chính có thể bị chia cắt, nhưng không gian phát triển không thể manh mún, không gian kinh tế không thể bị chia cắt.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết thêm, vừa qua Văn phòng Điều phối nông nghiệp, nông thôn vùng đồng bằng sông Cửu Long được ra mắt tại TP Cần Thơ. Văn phòng đang thực hiện vai trò điều phối tích hợp thông tin nông nghiệp cấp vùng thông qua số hóa các cơ sở dữ liệu, quy hoạch sản xuất, chuẩn hóa vùng nguyên liệu, chuẩn hóa quy trình sản xuất; kết nối doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao, chế biến sâu; hình thành chuỗi ngành hàng thông qua các Hiệp hội ngành hàng bắt đầu từ chuỗi lúa gạo, hỗ trợ nâng cao chất lượng hợp tác xã, hình thành mối liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ; điều phối vận hành các công trình thủy lợi bảo đảm đồng bộ toàn hệ thống.

Ngoài ra, hỗ trợ, điều phối các dự án tài trợ quốc tế có tính liên tỉnh, liên vùng, kết hợp hài hòa giữa đầu tư công trình và các giải pháp phi công trình, mở ra không gian kinh tế nông thôn. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang tích cực đàm phán, kêu gọi các dự án đầu tư hạ tầng logistics nông nghiệp, nông thôn, trong đó có chuỗi kho lạnh bảo quản nông sản cấp độ liên huyện, liên tỉnh dọc theo sông Hậu và sông Tiền.

Giàu lên nhờ tổ chức lại sản xuất

Nêu quan điểm của mình về quy hoạch vùng vừa công bố, TS Trần Công Thắng, Viện trưởng Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn cho rằng, lợi thế phát triển của vùng đồng bằng sông Cửu Long là nông nghiệp nên trong 10 năm tới sản xuất nông nghiệp vẫn là trụ cột phát triển của vùng, nhưng sẽ có nhiều thay đổi về môi trường, chất lượng sản phẩm một cách bền vững hơn.

Về tổ chức, việc sản xuất nông nghiệp của vùng sẽ được tổ chức lại với quy mô lớn hơn, hiện đại hơn, ứng dụng nhiều công nghệ tiên tiến hơn. Sẽ có nhiều hộ nông dân quy mô lớn, chuyên nghiệp hơn. Sẽ có nhiều trung tâm kết nối nông sản, cụm ngành liên kết gắn kết vùng sản xuất với chế biến, và với thị trường trong và ngoài nước. Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp của vùng phát triển mạnh cũng cần có nhiều hơn các trung tâm kết nối tại các tỉnh, đồng thời tổ chức lại sản xuất trong vùng, bảo đảm tiêu chuẩn ngon, an toàn và các tiêu chuẩn khác bởi việc tránh được tình trạng mất cân đối cung-cầu không chỉ dựa vào quy hoạch mà được.

Bên cạnh, việc đầu tư hàng loạt tuyến cao tốc, cảng biển, đường sắt kết nối vùng sẽ tạo thuận lợi thương mại, mở ra cơ hội lớn để tiêu thụ nông sản trong vùng. Sự đầu tư đồng bộ hạ tầng sẽ kéo nhiều hoạt động kinh tế khác về cho vùng, qua đó thay đổi bộ mặt của vùng. Chẳng hạn khi đầu tư được cảng biển nước sâu Trần Đề (Sóc Trăng) thì nông sản xuất khẩu không phải vận chuyển lên cụm cảng ở TP Hồ Chí Minh để xuất đi nước ngoài. Sự thay đổi về hạ tầng giao thông trong vùng trong 10 năm tới sẽ tăng sức cạnh tranh, giúp hoạt động kinh tế toàn vùng sôi động hơn, thu hút nhiều doanh nghiệp đầu tư vào vùng hơn.

Còn theo chuyên gia chính sách nông nghiệp - TS Đặng Kim Sơn, Chúng ta đã có quy hoạch tốt, nhưng khó khăn nhất vẫn là thực hiện, làm thế nào để tổ chức liên kết vùng, làm thế nào để đưa hết thành phần kinh tế, các đối tác trong và ngoài nước vào đầu tư, phát triển tại địa bàn này. Trong quá trình xây dựng quy hoạch, chúng ta đã có bài học tốt qua sự tham gia của các chuyên gia Hà Lan. Hà Lan là nước phải đối đầu với thách thức nước biển dâng, nhưng hiện nay đứng
thứ hai trên thế giới về xuất khẩu nông sản.

Dựa trên kinh nghiệm của Hà Lan, các chuyên gia khuyến nghị nên thực hiện quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long theo nguyên tắc một mặt là thuận thiên và phù hợp với điều kiện sinh thái tự nhiên, mặt khác lấy nhu cầu của người tiêu dùng và thị trường làm nguyên tắc hàng đầu. Để đạt mục tiêu đưa đồng bằng sông Cửu Long thành vùng đất thích ứng phát triển kinh tế và đáng sống cho người dân của cả thế hệ hiện tại và tương lai thì cần một cách tiếp cận tổng hợp thông qua hỗ trợ và thúc đẩy sản xuất nông nghiệp bền vững và có giá trị cao, thuận thiên thông qua trồng rừng ngập mặn, khai thác cát bền vững.

Rất nhiều khu đất sản xuất tại đồng bằng sông Cửu Long đang được sử dụng ít hiệu quả so tiềm năng. Giải pháp là phải chuyển đổi từ thâm canh lúa sang các loại cây rau quả có giá trị cao hơn hoặc để nuôi trồng thủy sản.