Mặt khác, tôi cũng đề nghị cần tiếp tục đẩy mạnh và quyết liệt hơn nữa công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Trong Dự thảo Báo cáo Chính trị lần này, nhiệm vụ đó cần được đặt ở vị trí quan trọng và nên để thành một nhiệm vụ riêng.
Tôi mạnh dạn đề xuất những ý kiến nêu trên, trước hết là trách nhiệm với sự nghiệp chung của Đảng và đất nước mà trong đó có mình và những người thân của mình đã hiến dâng cả cuộc đời.
NSND Đặng Nhật Minh
-----
Cần coi trọng vai trò của nghiên cứu cơ bản
Dự thảo Báo cáo Chính trị trình Đại hội XII của Đảng, mục VI "Phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ", có ghi "Phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ là một nội dung cần được ưu tiên tập trung đầu tư trước một bước trong hoạt động của các ngành, các cấp". Tiếp đó, Dự thảo đề cập nhiều giải pháp công nghệ hiện đại, chiến lược phát triển công nghệ, thu hút công nghệ nước ngoài,... mà không đề cập đúng mức vai trò của nghiên cứu cơ bản.
Thực tế là hàng loạt nghiên cứu ứng dụng vào sản xuất và kinh doanh xưa nay đều bắt nguồn từ nghiên cứu cơ bản. Chiếc máy vi tính, điện thoại cầm tay, xây dựng một cây cầu dây văng, thẻ rút tiền ATM,... tất cả đều trên cơ sở của nghiên cứu cơ bản. Do điều kiện nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần và cách nhìn nhận quản lý, lâu nay chúng ta quan tâm nhiều đến nghiên cứu ứng dụng để phục vụ trực tiếp nền kinh tế mà chưa coi trọng nghiên cứu cơ bản. Ít ai để ý rằng muốn phát triển bền vững cần có sự đầu tư cho nghiên cứu cơ bản. Vì vậy, trong nội dung này, theo tôi, Dự thảo Báo cáo Chính trị cần bổ sung cụm từ “coi trọng nghiên cứu cơ bản”, thực chất là nhìn nhận, đánh giá đúng hơn vai trò, vị trí của nghiên cứu cơ bản và diễn đạt hoàn chỉnh là "Coi trọng lĩnh vực nghiên cứu cơ bản, đồng thời phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ là một nội dung cần được ưu tiên tập trung đầu tư trước một bước trong hoạt động của các ngành, các cấp". Có như vậy mới mong "Đến năm 2020, khoa học và công nghệ Việt Nam đạt trình độ phát triển của nhóm các nước dẫn đầu ASEAN..." như đã đề cập ở phía trên.
Nguyễn Trang Linh
(Khu ba tầng, phường Nguyễn Trãi, quận Hà Đông, Hà Nội)
-----
Nên nhất quán trong đánh giá
Tìm hiểu Dự thảo Báo cáo Chính trị trình Đại hội XII của Đảng, tôi xin tham gia góp ý một nội dung như sau: Trong Dự thảo Báo cáo Chính trị chưa thể hiện nhất quán việc đánh giá tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí… Cụ thể, trong phần “Đánh giá tổng quát kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XI và nhìn lại 30 năm đổi mới”, nêu: “Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí,… chưa được ngăn chặn và đẩy lùi”. Song trong phần đánh giá hạn chế thực hiện Nghị quyết T.Ư 4, Báo cáo lại nêu: “Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên bước đầu được ngăn chặn, nhưng chưa bị đẩy lùi”. Hai cách đánh giá như trên chưa thống nhất và chưa tạo được niềm tin của cán bộ, đảng viên đối với việc đấu tranh chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và tệ quan liêu, tham nhũng. Chúng tôi thấy Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, biện pháp ngăn chặn tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí. Vì vậy, theo chúng tôi, vấn đề này cần đánh giá nhất quán như sau: “Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí… bước đầu được ngăn chặn, nhưng chưa bị đẩy lùi”.
Phan Văn Vinh
(239/8 Dũng Sĩ Thanh Khê, phường Thanh Khê Tây, quận Thanh Khê, Đà Nẵng)