ND - Tỉnh Bến Tre đất hẹp, người đông, bình quân nhân khẩu chưa đến 800 m2 đất, thì con đường xóa nghèo nhanh nhất chỉ còn cách đưa dân đến các vùng kinh tế mới. 25 năm qua, Bến Tre đã đưa hơn 11 nghìn hộ đến lập nghiệp ở các vùng kinh tế mới mở trong và ngoài tỉnh. Tất cả đều đổi đời và bên cạnh đó còn là nhiều bài học quý.
Mật độ dân số ở Bến Tre tương đối cao. Gần 1,4 triệu dân với 2.250 km2 đất tự nhiên, nhưng bình quân đất làm nông nghiệp cho một người chưa đến 800 m2, thì dù làm đến hai, ba vụ trong năm cũng khó mà đủ sống.
Hơn 25 năm thực hiện chủ trương đưa dân đi mở đất, Bến Tre hiện có bốn vùng kinh tế mới trong tỉnh ở các huyện Ba Tri, Giồng Trôm, Bình Ðại, Thạnh Phú. Ngoài tỉnh có năm vùng ở các tỉnh Tiền Giang, Long An, Ðồng Tháp, Ðác Lắc và Nông trường 425. Tổng cộng có hơn 11 nghìn hộ di chuyển tới đây để lập nghiệp. "Ða phần là đã đổi đời so với nơi ở cũ. Trong những nơi thay đổi đó, nhanh và hiệu quả nhất có lẽ là Ea Súp (Ðác Lắc)". Chị Phan Thị Thu Sương, Chi cục trưởng Chi cục Di dân tỉnh Bến Tre nhận xét khái quát như vậy.
Tham gia dự án phát triển khu kinh tế kết hợp quốc phòng tại huyện Ea Súp (Ðác Lắc) từ cuối năm 2001. Tuy muộn hơn cả, nhưng bảy năm nhìn lại, Bến Tre đã đưa đủ 1.000 hộ dân cùng với các trung đoàn thuộc Bộ Tư lệnh Binh đoàn 16 làm hai nhiệm vụ: khai hoang, lập xã, phát triển kinh tế và bảo vệ vững chắc một phần của vùng biên giới phía tây nam, một nhiệm vụ không ít phức tạp, nặng nề nhưng đã hoàn thành vẻ vang.
Ðến Ea Súp rất đỗi bất ngờ, bởi sự đổi thay so với ba năm về trước mà tôi có dịp tới đây. Ghé vào nhà anh Be, xã Ia Rvê. Quê anh ở xã Tân Thạch (Châu Thành, Bến Tre), chỉ có 1.400 m2 đất, thất nghiệp, không đủ sống.
Bốn năm về trước, bồng bế cả gia đình lên Ea Súp lập nghiệp, anh nói: "Trước đây khổ lắm. Lúc đầu lên đây lập nghiệp, tôi cũng hơi hoang mang. Nhưng đến nơi, nhà có sẵn, được cấp một ha trồng lúa, sau đó nhận khoán thêm 11 ha vườn điều của trung đoàn vừa chăm sóc, vừa trồng xen lúa, hoa màu. Trong nhà có vài trăm giạ lúa, đàn bò hiện tại được tám con, một đứa con đang học Ðại học Nông - Lâm sắp ra trường và một đứa đang học lớp 7".
Nghe anh kể cũng đủ biết mức sống của gia đình anh hiện nay đã qua thời bĩ cực, đủ ăn và có dư. Tạm biệt anh Be, chúng tôi đến nhà anh Phơ cùng xã Ia Rvê, chỉ khác thôn. Quê anh Phơ ở xã Bình Khánh Tây (Mỏ Cày), đất ít, nên hai vợ chồng chuyển lên đây được cấp một ha đất sản xuất và chỉ nhận thêm 4,5 ha vườn điều.
Anh tâm sự: "Tháng hai vừa rồi, tôi mới nới rộng thêm căn nhà của mình từ tiền có được các vụ trước. Năm nay thời tiết không thuận lợi, trong nhà chỉ còn khoảng 300 giạ lúa, chín con bò và đàn vịt vài trăm con đang lớn trong chuồng". Nhìn trong nhà anh có máy thu hình và thỉnh thoảng có chuông điện thoại reo. Quanh một vòng xã Ia Rvê, tuy chưa có nhiều hộ như gia đình của hai anh vừa kể, nhưng phần đông là đủ ăn, khá hơn ở quê cũ, không còn hộ thiếu ăn. Mỗi người một hoàn cảnh, nhưng đều vượt qua được cái nghèo, vươn tới đủ ăn, đủ mặc và có dư là do tất cả có một điểm chung: Cần cù và chịu khó.
Chị Thu Sương cho biết: "Trước đây là một vùng trống, vùng trắng chưa có dân, chỉ có rừng và núi, nhưng đất sản xuất tương đối bằng phẳng, có độ phì thích hợp với các loại cây trồng như lúa, xoài, đậu, bắp. Nhà ở bảo đảm được các nhu cầu ban đầu cho người dân an tâm lập nghiệp. Ðất ở đủ để sinh hoạt, đất sản xuất đã được cấp xong, hộ nào còn khả năng nhận thêm đất khoán chăm sóc vườn điều của trung đoàn để trồng xen lúa hoặc hoa màu tăng thêm thu nhập. Ðiện đã phủ khắp 100% số hộ. Hệ thống đường giao thông nội vùng đã hoàn chỉnh, có trường học đến cấp THCS, có bệnh viện đủ sức chữa trị các bệnh thông thường và thai sản cho người dân xa xứ. Hệ thống nước đã giải quyết đủ cho sinh hoạt". Tôi chưa đi khắp chín vùng kinh tế mới của Bến Tre, nhưng có lẽ nơi đây là hoàn hảo hơn cả.
Là lãnh đạo Cục Di dân, đồng thời cũng là người đi theo chủ trương này từ những ngày đầu thực hiện, cùng lăn lộn trên từng miếng đất với người dân chấp nhận xa xứ đến khai hoang những vùng đất mới, chị Thu Sương nói: "Ðối với tôi, là phải đặt việc di dân xây dựng vùng kinh tế mới là công tác trọng tâm trong tổng thể chương trình phát triển kinh tế - xã hội, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Tỉnh ủy và điều hành của UBND tỉnh, có cơ quan chuyên trách làm tham mưu. Có như vậy mới huy động được nhiều nguồn lực và phối hợp đồng bộ trong quá trình thực hiện". Bảy năm Bến Tre đi xây dựng vùng kinh tế mới, thuộc dự án kinh tế - quốc phòng do binh đoàn 16 làm chủ dự án, tuy thời gian chưa lâu, nhưng người dân hoàn thành đồng thời hai nhiệm vụ: nhanh chóng ổn định cuộc sống và bảo đảm ổn định chính trị xã hội, quốc phòng - an ninh giữ vững trong điều kiện còn nhiều khó khăn.
Ðó là do "thực hiện đúng và kịp thời chủ trương chính sách đã ban hành". Ngoài việc cấp đất ở, đất sản xuất, Binh đoàn còn kịp thời giải quyết nhận đất khoán thêm theo yêu cầu của từng hộ gia đình để tăng thêm thu nhập. Theo quy định người dân đi vùng kinh tế mới thuộc dự án được hỗ trợ mỗi hộ 13,6 triệu đồng, trong đó chế độ đầu đi tỉnh thực hiện đầy đủ và đầu đến bao gồm hai khoản kinh phí khai hoang và hỗ trợ làm hệ thống nước sinh hoạt cũng kịp thời kể cả kinh phí giống cây trồng, vật nuôi.
Bên cạnh việc lo xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ, là "giải quyết kịp thời các yêu cầu bức xúc đối với người xa quê hương đi lập nghiệp nơi vùng đất mới" cũng là điều kiện không thể thiếu. Ngoài chính sách chung, sự hỗ trợ từ các đơn vị và địa phương ở Bến Tre đã giải quyết được yêu cầu tối thiểu. Tỉnh hỗ trợ thêm mỗi hộ dân đi kinh tế mới thời gian đầu là 500 nghìn đồng, các huyện có dân đi cũng chi thêm mỗi hộ 200 nghìn đồng, trợ cấp giống là 135 nghìn đồng. MTTQ tỉnh tặng 600 thùng chứa nước, trung tâm y tế dự phòng cấp cho dân đi năm đầu mỗi hộ một mùng. Các ngành chuyên môn tổ chức khám, chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí cho dân. Tỉnh còn hỗ trợ một số kinh phí không dưới 20 tỷ đồng như đầu tư khuyến nông, góp thêm xây dựng nhà ở cho dân, hỗ trợ khoan giếng nước sinh hoạt, khai hoang đất thổ cư, đất sản xuất, vốn sự nghiệp khoa học, hỗ trợ di dời và trợ cấp khó khăn cho các hộ mỗi khi ngập úng. Rồi đến kinh phí đưa đón, thăm viếng hằng năm, mở chuyến xe khách từ quê hương đến nơi ở mới,... không chỉ đã làm ấm lòng người xa xứ, mà đó còn là điều kiện để chuyển giao công nghệ, cây, con giống cho sản xuất.
Nhưng đó chỉ là điều kiện, quyết định vẫn là yếu tố con người. Tuy nghèo nhưng những người lên đây vốn cần cù, chịu khó, ham học hỏi, tự lực cánh sinh và giàu lòng yêu nước. Ðâu đâu cũng là nhà, là quê hương, nên đến nơi ở mới nhanh chóng hòa nhập và ổn định cuộc sống đi lên.
Lê Quang Nhung