Lăng kính “bảy sắc cầu vồng” của họa sĩ Thu Thủy

Tháng 12/2021, “Ghép ký ức” - triển lãm cá nhân tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam là triển lãm đầu tay của nữ họa sĩ còn khá lạ trong giới mỹ thuật Hà thành: Nguyễn Thu Thủy. Họa sĩ Lê Thiết Cương gọi đây là cách “luôn nhìn thế giới chung quanh qua ống kính vạn hoa, vạn mầu”, là “kiểu lập thể mới đa chiều… đa diện như một viên kim cương”. Chín tháng sau, Nguyễn Thu Thủy bày tiếp triển lãm cá nhân thứ hai - “Lăng kính của Thủy” cũng tại bảo tàng, từ ngày 28/9. Thời Nay có cuộc trò chuyện với nữ họa sĩ, hiện đang là giảng viên, TS ngành Quản lý văn hóa Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội.
0:00 / 0:00
0:00
Lăng kính “bảy sắc cầu vồng” của họa sĩ Thu Thủy

Phóng viên (PV): Do đâu mà chị có cơ duyên và nội lực sáng tác dồi dào như vậy?

Họa sĩ Nguyễn Thu Thủy (NTT): Tôi được sinh ra trong gia đình mỹ thuật “gia truyền” với ông nội là họa sĩ vẽ tranh cổ động Nguyễn Thủy Tuân, bố tôi và cô, chú, bác, rồi đến các cháu của ông đều theo ngành hội họa - đồ họa. Tôi thích vẽ từ bé, 5 tuổi tôi được bảo tàng mỹ thuật mua tranh đạt giải trong một triển lãm thiếu nhi. Nhưng tôi lại thích cả ngành văn và lên lớp 9 giành Giải nhì Văn toàn quốc, được vào thẳng cấp III chuyên Văn trường Amsterdam. Lên đến cấp III mà vào học đội tuyển “cầy” chuyên đi thi học sinh giỏi thì khá vất vả. Được Giải ba Văn toàn quốc năm lớp 12, nhưng chính vì thế nên không còn thời gian để luyện thi mỹ thuật nên tôi thi vào ngành báo chí, sau đó học thêm ngành du lịch và ở lại trường dạy học.

Tháng 5/2019, tôi đi làm dịch giả - trợ lý nghệ thuật cho cô ruột, khi cô tham gia một trại sáng tác ở Trung Quốc với khoảng 50 họa sĩ quốc tế. Tôi được xem các họa sĩ vẽ tại chỗ, học được nhiều kỹ thuật, khiến đam mê vẽ bừng trở lại. Trở về, tôi tái hồi việc vẽ bút lông, vẽ trên vải và làm đồ họa in độc bản. Cũng trong năm đó, tôi tiếp tục học làm gốm và loạt gốm đa sắc diện mới vừa làm xong còn nhiều điều thú vị khác nữa. Tôi cũng muốn trưng bày triển lãm tới toàn là gốm mới.

PV: Tại sao chị lại say mê lối vẽ đa giác, bảng mầu nguyên, trông như đồ họa (tranh in) khổ lớn, nhưng lao động thực lại buộc phải vẽ rất tỉ mẩn bằng tay?

NTT: Nói cho cùng, là trở lại “nghề gia truyền” muộn, nên tôi muốn kết nối vẽ tay với vẽ đồ họa để tạo ra một con đường mới. Lối này trên thế giới khá phổ biến trong nghệ thuật đương đại và tạm gọi là dòng Hội họa Polygon (Chuỗi hình đa giác khép kín) mà họa sĩ Lê Thiết Cương gọi vui là Lập Thể Mới. Trong một số triển lãm gần đây, tôi quan sát có một số tác giả cũng thử qua, nhưng họ không đi sâu mà chỉ dùng hình - mầu đa giác làm khung nền. Chứ chưa thấy ai dùng được chuỗi đa giác khép kín như một loạt “chữ cái hình” để tạo nên ngôn ngữ tạo hình có phong cách riêng.

Cũng cần lý giải khi soi lại mình, tôi muốn nhìn thế giới thông qua các lăng kính khác nhau, với bảy sắc cầu vồng, tưng bừng quan điểm cá nhân. Ở góc độ nào đó thì việc này phản ảnh chính bản tính của tôi, là làm nhiều việc, thích đủ thứ, đi nhiều chân. Tôi dạy ở nhiều trường đại học và nhiều bộ môn khác nhau: “Tâm lý khách hàng”, “Quản trị thương hiệu”, “Thương hiệu quảng cáo và quan hệ công chúng”, “Xây dựng và phát triển thương hiệu”, “Tư duy thiết kế”, “Tư duy sáng tạo và phản biện”, “Xúc tiến du lịch và Marketing du lịch”…

PV: Trên con đường “đi tìm lăng kính của riêng mình” như vậy, từ triển lãm đầu tay tháng 12/2021 đến giờ, chị đã tìm được những kết quả gì cụ thể?

NTT: Năm ngoái là tôi chọn chủ đề chân dung khổ lớn, tôi chuyển hình theo “phong cách polygon” một số bức họa nổi tiếng như bức “Mona Lisa” của Leonardo da Vinci; bức “Cô gái đeo hoa tai ngọc trai” của Jan Vermeer; bức ảnh chân dung Marylin Monroe. Và cả một số hình nude…

Năm nay, tôi chuyển hình sang đa dạng hóa, nhìn ngắm thế giới động vật, hoa, cây, phong cảnh, động vật yêu và động vật quý hiếm. Việc được nhất là tôi “chẻ nhỏ” hình, đa giác ra nhỏ nữa. Loạt trước đây hình góc nửa bàn tay là nhỏ nhất. Còn giờ đây hình đa giác nhỏ và chia mầu đa sắc đến tận một, hai đốt ngón tay. Ngoài việc dùng thêm một số hóa chất tạo dòng chảy mầu, và cát nhũ, thì một số tranh năm nay tôi dán thêm báo vào nữa. Ý tưởng này sinh ra để diễn tả thời gian - điều mà nhiều người từng làm. Nhưng để tìm được mảnh báo có mầu tương đồng, phải tính các ô mầu báo và tranh hòa sắc được với nhau, tạo thành nhịp… hòa tấu văn - nhạc - họa. Để tìm ra được ngôn ngữ riêng của mình khi trên thế giới họ đã vẽ kiểu này từ lâu, thì phải tỉ mẩn, kỹ và tập trung vất vả nhất, mới chớm được ngôn ngữ riêng. Bởi vậy tôi làm việc này ở xưởng - studio riêng thoải mái bừa bộn bên EcoPark suốt hai năm nay. Vừa làm vừa dạy luôn trẻ nhỏ vẽ Polygon, tuần một buổi vào chủ nhật…

PV: Với lối vẽ đa giác mới này, chị có tìm được kết quả thú vị?

NTT: Lớp có 6, 7 cháu, cháu nhỏ nhất học lớp 2, còn cháu lớn nhất 16 tuổi. Điều thú vị nhất là nhiều cách nhìn chính mình lại phải… học trẻ nhỏ. Khi tôi đưa ra vòng tròn mầu, bảo với các nhỏ mầu này cạnh mầu kia mới đẹp. Một số trẻ hồn nhiên bảo, chẳng phải thế, con cứ chọn theo ý con. Cuối cùng khi lũ trẻ đưa tranh chúng hoàn thành, mới thấy hiệu quả hơn, hay hơn chứ không “máy móc” như mình dạy ban đầu!

PV: Chân thành cảm ơn chị!