Lan tỏa quyết tâm phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

Theo thông tin từ Ban Nội chính Trung ương, đến hết tháng 7 vừa qua, đã có 62/63 tỉnh, thành phố thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của địa phương mình. Như vậy, sau một thời gian chuẩn bị kỹ lưỡng, đất nước ta đã có thêm một hệ thống quan trọng trong công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
0:00 / 0:00
0:00

Cũng trong tháng 7, tại nhiều địa phương, các cơ quan chức năng liên tiếp tiến hành điều tra, khởi tố, xử lý các vụ việc, vụ án liên quan tham nhũng, tiêu cực. Trong đó, cơ quan chức năng tỉnh Cà Mau vừa thi hành lệnh bắt tạm giam Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh cùng một số cán bộ liên quan về hành vi "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng". Công an TP Hồ Chí Minh vừa khởi tố nguyên cán bộ Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an thành phố về tội "Buôn lậu".

Tại Đồng Tháp, Công an tỉnh vừa bắt tạm giam Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Khí hóa lỏng Đồng Tháp, để điều tra về hành vi tham ô tài sản. Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa vừa thi hành lệnh bắt tạm giam hai bị can nguyên là cán bộ Sở Tài chính để phục vụ điều tra về tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ", liên quan đến Dự án đầu tư xây dựng công trình Hạc Thành Tower ở thành phố Thanh Hóa. Công an tỉnh Bắc Ninh vừa ra quyết định khởi tố bốn bị can liên quan vụ án "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí" xảy ra tại thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2012-2015...

Có thể nhận thấy, các vụ án đều liên quan trực tiếp những người có chức, quyền trong cơ quan nhà nước ở địa phương; thậm chí, có cả bị can là người đang thực hiện công tác bảo vệ pháp luật, phòng, chống tội phạm nhưng lại phạm tội... Những vụ việc vừa nêu cho thấy quyết tâm ngày càng cao của Đảng, của các cơ quan chức năng trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, qua đó góp phần làm trong sạch bộ máy chính quyền, củng cố lòng tin của nhân dân.

Việc các địa phương liên tục điều tra, xử lý các vụ việc đã cho thấy hiệu ứng, hiệu quả bước đầu, sự lan tỏa ngày càng tích cực từ quyết tâm của Đảng, Nhà nước ta trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nói chung và việc thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh, thành phố nói riêng. Cho dù mới được thành lập nhưng Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, thành phố cùng sự góp mặt của các đồng chí lãnh đạo chủ chốt địa phương đã mang đến khí thế mới, quyết tâm mạnh mẽ hơn trong công tác này.

Tuy nhiên, để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được triển khai thường xuyên, liên tục mang đến hiệu quả thực chất, Ban Chỉ đạo cùng các cơ quan chức năng của các tỉnh, thành phố cần tổ chức công việc chặt chẽ, nghiêm túc, khoa học, trách nhiệm, đoàn kết, phối hợp nhịp nhàng. Trong đó, từng thành viên Ban Chỉ đạo phải gương mẫu, liêm chính, dũng cảm, công tâm, trung thực; là những tấm gương về giữ gìn đạo đức lối sống, không bị cám dỗ bởi bất cứ lợi ích nào, không ngại bất cứ lực cản nào.

Một nhiệm vụ quan trọng cần triển khai tốt hơn là đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế theo đúng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, không bỏ lọt tội phạm, không làm oan, sai; có tác dụng cảnh tỉnh, răn đe, giáo dục, phòng ngừa mạnh mẽ trong xã hội. Chú trọng phát hiện, xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng mới; nhất là xử lý, ngăn chặn hiệu quả tình trạng vòi vĩnh, nhũng nhiễu, "lót tay", gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; trong đó tập trung các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, có nhiều dư luận liên quan tham nhũng, tiêu cực, tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ…