Làm mới cho nghề quen

Nhiều nghệ nhân, thợ thủ công đã tạo ra những sản phẩm độc đáo, giàu tính nghệ thuật, thân thiện môi trường; cho thấy sự tỉ mỉ, khéo léo và sức sáng tạo phong phú khi có những quan niệm và gợi ý tích cực.
0:00 / 0:00
0:00
Nghệ nhân Phan Thị Thuận rút tơ sen. Ảnh: MINH KHÁNH
Nghệ nhân Phan Thị Thuận rút tơ sen. Ảnh: MINH KHÁNH

Kỳ công tranh gạo

Yêu đồng lúa, yêu hạt gạo, anh Khưu Tấn Bửu (phường An Khánh, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) đang góp phần làm thương hiệu hạt gạo quê hương bay xa. Bửu tâm sự: “Em sinh ra và lớn lên ở vùng sông nước, nổi tiếng với sản phẩm gạo trắng. Từ năm 14 tuổi, qua xem tranh gạo của những nghệ nhân đi trước em đã yêu thích sản phẩm này. Từ đó, em học và bắt đầu gắn các hạt gạo thành những bức tranh. Ban đầu chỉ là tranh nhỏ để tặng người thân và bạn bè, sau rồi em mở rộng khuôn khổ tranh”.

Ngoài vẽ chân dung, phong cảnh, Bửu cũng làm các bức thư pháp. Mừng khánh thành đền thờ Vua Hùng tại Cần Thơ đầu năm 2022, Bửu đã thiết kế bộ sưu tập tranh gạo với chủ đề “Hào khí Lạc Hồng”. Không giống các loại tranh vẽ dùng sơn, mầu nước…, tranh gạo phải dùng… gạo. Mầu của hạt gạo được tạo ra bằng cách đem rang, điều chỉnh lượng nhiệt và thời gian khác nhau để có mầu đen, cánh gián, nâu, cam, vàng nhạt… Khó nhất là truyền thần được sắc thái của nhân vật. Mỗi bức phức tạp phải làm cả tháng trời mới xong.

Dạy học ở xã Phù Lỗ, huyện Sóc Sơn, Hà Nội, cô giáo Nguyễn Thị Vân cũng thành công với tranh gạo. Năm 2015, từ việc ghép những hạt gạo thành bức tranh thư pháp chữ Tâm, chị Vân tin mình có thể làm tranh gạo bán ra thị trường. Hầu hết tranh của Vân mô tả về làng quê Việt Nam, di tích lịch sử - văn hóa của Hà Nội và các tỉnh, thành phố. Chị cho biết, làm tranh gạo không khó nhưng tranh sắc nét, có hồn mới khó. Để làm tranh, phải đặt những miếng gỗ phẳng theo kích thước tùy ý, phác thảo tranh cần vẽ, rồi đặt gạo vào, dùng keo sữa gắn lại. Gạo dùng để làm cũng phải chọn hạt gạo thon, chắc, ít bị mục.

Ông Nguyễn Tất Chiến (xã Tiên Phương, huyện Chương Mỹ, Hà Nội) cũng dày công sáng tạo những bức tranh gạo đặc sắc. Từ năm 2004, sau khi làm việc ở TP Hồ Chí Minh, ông Chiến học được phương pháp làm tranh và không lâu sau đó, sản phẩm của ông đã xuất hiện trên thị trường. “Làm tranh gạo phải tỉ mỉ, khéo léo, vừa nhanh tay, vừa tinh mắt để có thể ghép được những hạt gạo vào một mặt phẳng”, ông Chiến chia sẻ.

Để tài hoa biến thành hàng hóa

Sáu năm qua, ông Chiến đã tận dụng được trang YouTube, Facebook cá nhân để quảng bá sản phẩm, mang thương hiệu đi xa. Ông cũng tập trung vào đề tài tranh thư pháp, tứ quý khổ lớn để phục vụ thị trường. Sản phẩm của ông đã được khách ở Bình Dương, Thanh Hóa, Nghệ An… đặt mua. “Làm gì cũng vậy, muốn tác phẩm được đón nhận, phải chịu khó”, ông Chiến nhấn mạnh.

Còn Nghệ nhân Ưu tú Phan Thị Thuận (xã Phùng Xá, Mỹ Đức, Hà Nội), Giám đốc Công ty TNHH Dâu tằm tơ Mỹ Đức thì cho ra lò những chiếc khăn quàng cổ, được sản xuất từ sợi tơ của sen. Bà Thuận vốn có nhiều công bảo tồn nghề dệt lụa tơ tằm ở Phùng Xá. Từ năm 2010 bà đã thử nghiệm nuôi tằm tự dệt và thành công. Từ năm 2017, bà Thuận nghiên cứu việc lấy tơ sen để làm sợi, rồi làm khăn và sau hơn một năm cũng thành công. Sản phẩm lụa tơ tằm, tơ sen được khách quốc tế ưa thích.

Cũng tích cực trong sáng tạo, các xã viên ở xã Khai Thái, Phú Xuyên, Hà Nội đã biến thân chuối sau thu hoạch thành sợi tơ chuối khô. Sợi chuối dùng để làm đồ thủ công mỹ nghệ, đồ gia dụng độc đáo, thân thiện môi trường. Bà Trần Thùy Dung, xã viên Hợp tác xã Thương mại và Dịch vụ nông nghiệp Khai Thái, chia sẻ: “Trước đây, những bãi chuối ven sông Hồng cho thu hoạch quả thì thân cây chủ yếu bỏ đi, chỉ một số ít gia đình dùng để chăn nuôi. Bây giờ thì đồ bỏ đi được tận dụng kết thành sợi, dùng để đan lát. Đặc điểm của tơ chuối là rất nhẹ, nhưng lại dẻo dai, chịu lực tốt”. Ông Nguyễn Đức Tuấn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Thương mại và Dịch vụ nông nghiệp Khai Thái cho biết: Với lợi thế ở địa phương có vùng chuyên canh cây chuối, chúng tôi đã phát triển nghề rút sợi tơ chuối và làm sản phẩm này. Đây là sản phẩm thân thiện môi trường, chúng tôi tin sẽ ngày càng được nhiều người yêu thích”. Cũng theo ông Tuấn, thời gian tới, hợp tác xã sẽ cùng các cơ quan chức năng nhân rộng các cơ sở sản xuất trong huyện, mở rộng vùng nguyên liệu, tương lai sẽ xuất khẩu 3.000 tấn sợi và các sản phẩm từ sợi chuối mỗi năm.

Bằng đôi bàn tay tài hoa, nhiều nghệ nhân, người thợ đã tìm tòi, sáng tạo ra những sản phẩm độc đáo, biến những sản phẩm đó thành hàng hóa được tin dùng. Ông Nguyễn Văn Chí, Phó Chánh văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối nông thôn mới TP Hà Nội lạc quan cho biết: Thủ đô Hà Nội tập trung nhiều làng nghề truyền thống độc đáo. Nhiều nghệ nhân đã được hỗ trợ, ghi nhận để tài năng được phát huy.